Càng giả vờ càng bế tắc

29/04/2021 - 13:48

PNO - “Anh xin lỗi. Sao em không nói riêng với anh?”. Sau bao nhiêu năm dài, giữa những tin nhắn cộc lốc về con cái, tiền bạc, chị mới nhận được một lời xin lỗi từ chồng.

Cả tuần nay anh giận dỗi bỏ ra phòng khách ngủ riêng. Những đêm đầu, chị thấy nhẹ nhõm, không còn cảnh bị đánh thức lúc nửa đêm rồi trằn trọc mãi không ngủ lại được. 

Lấy nhau gần mười năm, sinh hai đứa con chưa lúc nào chị thấy sợ gần gũi chồng như bây giờ. Chị cố nín nhịn, nuốt hờn tủi để chiều chồng.

Nhưng càng gắng gượng, chị càng thấy mình bất lực, không thể có cảm xúc hay rung động, dần dần chuyện ấy trở thành gánh nặng.

Thứ Ba tuần trước, anh trở về nhà sau cuộc nhậu rất khuya với đồng nghiệp. Chị vất vả lắm mới dỗ được đứa con đang sốt nhẹ ngủ yên, vừa nhắm mắt định ngủ thì có tiếng mở cửa. 

Ảnh mang tính minh họa. SHUTTERSTOCK
Ảnh mang tính minh họa. SHUTTERSTOCK

Một lúc sau, anh lên giường nằm bên cạnh, hơi thở nồng nặc mùi bia lẫn thức ăn phả vào chị. Chị xoay mặt, úp vào gối để né tránh sự động chạm của chồng. Những ngón tay đầy mùi thuốc lá của anh xoa lên má, cổ đến cánh tay, chị thấy khó chịu.

Nếu những lần khác, chị sẽ nằm yên chịu đựng cho xong, nhưng lần này chị mệt sau một ngày dài chăm con ốm, nên vùng vằng hất tay chồng. 

Anh ngạc nhiên nhưng có lẽ nghĩ vợ làm mình làm mẩy một chút thôi nên tiếp tục tiến tới. Chị thấy khó chịu quá, ngồi nhổm dậy cáu gắt: “Em mệt lắm, để em yên đi!”. Anh ngạc nhiên bảo: “Ai làm gì mà mệt, ở nhà với con thôi mà lúc nào cũng kêu ca, mất cả hứng”. Anh vừa cằn nhằn vừa vơ lấy chiếc chăn mỏng đi ra phòng khách. 

Cách đây hai năm, chị hết thời gian nghỉ thai sản đúng lúc công ty giải thể, đành nghỉ làm luôn. Mấy lần chị định gửi con để đi xin việc mới, nhưng hết con ốm lại dịch COVID-19 nên không thực hiện được.

Hồi chị còn đi làm, anh thường về sớm, phụ giúp việc nhà đưa đón con đi học. Từ lúc chị nghỉ làm, anh không động tay vào việc gì, đi làm thích về lúc nào thì về với đủ lý do “sếp bảo đi tiếp khách”, “bạn bè lâu ngày gặp nhau” “công việc cần ngoại giao”. Anh an tâm rằng ở nhà đã có vợ, việc nhà có gì đâu. Vả lại, có gì gấp thì chị sẽ gọi điện thoại.

Chị quần quật chăm con và làm việc nhà từ sáng đến khuya. Có hôm đứa bé quấy khóc, tận nửa đêm chị vẫn chưa ăn chưa tắm rửa được, đành ôm con nhịn đói đi ngủ. 

Chị không cần anh làm việc nhà mỗi ngày nhưng thèm được chồng phụ một tay để có được cảm giác san sẻ. Chị chỉ muốn anh đi làm về sớm quét giùm chị cái nhà, bồng con cho chị tắm rửa hay ngồi nghỉ một chút cũng được.

Dường như, anh xem việc nhà là của chị, nếu than thở nửa lời, anh liền nói: “Em lớn rồi chứ nhỏ dại gì nữa đâu, do không biết sắp xếp thôi”. 

Nghe một lần chị thấy bất ngờ, hai ba lần thấy tổn thương đến những lần sau đã không còn cảm xúc cũng chẳng muốn đôi co. Cứ như thế, chị mất dần cảm xúc với chồng, cộng thêm việc anh đòi hỏi chuyện giường chiếu liên tục mà không để ý tâm lý và sức khỏe vợ ra sao, khiến chị mệt mỏi. 

Chị gắng gượng chiều anh nhưng đến giờ, chị nhận ra, càng giả vờ che đậy càng bế tắc trong suy nghĩ. Làm sao có cảm hứng sau một ngày quần quật với con, chồng thì nồng nặc đủ thứ mùi, chỉ cần nằm cạnh thôi đã muốn nôn thốc nôn tháo.

Giá như anh tinh tế một chút, đi làm về sớm trông con cho vợ nghỉ ngơi, tắm rửa sạch sẽ tinh tươm rồi lên giường, thì đâu đến nỗi. Nhiều lần chị định mở lời với chồng, nhưng vừa nhắc đến chuyện vệ sinh cá nhân, anh đã nổi giận: “Em bảo anh tắm vào lúc giữa đêm để đột quỵ chết sớm à”. Nghe vậy, chị chẳng buồn nói nữa. 

Vợ chồng giận nhau gần một tuần, chị tưởng cảm xúc với chồng đã cạn khô. Lần đầu tiên ngủ riêng lâu như thế, nên chị bắt đầu thấy trống trải. Những đêm sau, chị thao thức đếm từng lần trở lưng của chồng, chị biết anh ngoài kia cũng khó ngủ.

Chị muốn làm lành, nhưng không biết bắt đầu từ đâu khi nỗi lòng chưa được giải tỏa. Tất cả nỗi niềm, chị đem trút vào một bài tâm sự dài đăng lên nhóm tư vấn chuyện gia đình trên Facebook. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Hóa ra, nhiều người cũng gặp phải cảnh trục trặc tương tự vợ chồng chị. Mọi người nhiệt tình phân tích, bình luận, khuyên bảo, nhưng đúng là chín người mười ý, chị chẳng biết nghe ai. Có người đồng cảm nhưng có người trách chị ích kỷ, chỉ biết nghĩ đến cảm xúc của bản thân.

Chị nghỉ làm ở nhà, gánh nặng kinh tế đặt lên vai chồng, áp lực rất lớn. Thay vì chỉ biết trách móc than thở, chị phải tìm cách san sẻ với chồng.

Đọc những dòng đó, chị thấy chột dạ, quả thật chị chưa một lần nghĩ đến điều đó. Có người khuyên chị: “Người cần đọc những dòng này là chồng chị, hãy mạnh dạn tâm sự với chồng để giải quyết”. Sau một hồi đắn đo, chị gắn thẻ Facebook của chồng vào bài viết cùng lời nhắn: “Anh đọc nhé!”. 

Sáng hôm sau, anh vẫn đi làm như mọi ngày, chị hồi hộp chờ đợi phản ứng của chồng. Đến gần trưa, anh nhắn tin: “Anh xin lỗi. Sao em không nói riêng với anh?”. Sau bao nhiêu năm dài, giữa những tin nhắn cộc lốc về con cái, tiền bạc, chị mới nhận được một lời xin lỗi từ chồng. 

Chị thấy nhẹ nhõm dù nhận ra, mình không đúng hoàn toàn, nhưng ít ra anh cũng biết vợ đang nghĩ gì. Chị không mong anh thay đổi ngay, nhưng chỉ hy vọng sau lần này anh sẽ khác… 

Thu Hường

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI