Cần nhiều kênh để tổng đài bảo vệ trẻ em 111 tiếp cận với người dân

28/12/2018 - 16:29

PNO - Sáng 28/12, Cục Bảo vệ Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức hội thảo “Nâng cao hiệu quả quảng bá Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111”.

Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111 được chính thức bấm nút khai trương vào ngày 6/12/2018 trên cơ sở Đường dây tư vấn, hỗ trợ trẻ em 18001567.

Tổng đài là dịch vụ công đặc biệt, thực hiện việc tiếp nhận thông tin, thông báo, tố giác hành vi xâm hại trẻ em từ các cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân và trẻ em qua điện thoại.

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), trong 14 năm qua, tổng đài tiếp nhận trên 3 triệu cuộc gọi đến, tư vấn trên 350.000 ca, hỗ trợ can thiệp cho gần 4.000 trường hợp trẻ em bị xâm hại tình dục, bạo lực, mua bán, trẻ em lang thang, trẻ khuyết tật, trẻ cần làm giấy tờ khai sinh. Trong số này, có 1.250 trường hợp trẻ bị xâm hại tình dục, chiếm tỷ lệ 34.6% tổng số ca can thiệp và 1.366 trẻ em bị bạo lực, chiếm 37,8%.

Can nhieu kenh de tong dai bao ve tre em 111 tiep can voi nguoi dan

Ông Đặng Hoa Nam - Cục Trưởng Cục Bảo vệ trẻ em, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội phát biểu tại hội thảo.

Riêng trong năm 2018, Tổng đài 111 đã tư vấn 27.407 ca (tăng 1.562 ca so với cùng kỳ năm 2017), đồng thời hỗ trợ can thiệp cho 806 ca. Trong số đó, có 357 ca bạo lực, 250 ca xâm hại tình dục trẻ em.

Số liệu cho thấy nạn nhân bị bạo lực ngày càng tăng cao, trong đó, vấn đề nổi bật là bạo lực đến từ giáo viên, bảo mẫu, cô giáo mầm non đối với học sinh và vấn đề dâm ô trẻ em bởi chính giáo viên trong trường học.

Hai địa bàn có nhiều cuộc gọi đến tổng đài là TP.HCM (101 ca) và Hà Nội (98 ca). Để sự hỗ trợ diễn ra kịp thời và rộng khắp, hiện nay, Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em đã phát triển hai trung tâm vùng ở Đà Nẵng (tiếp nhận cuộc gọi của 16 tỉnh miền Trung-Tây Nguyên) và An Giang (tiếp nhận cuộc gọi 19 tỉnh miền Nam), đồng thời xây dựng Mạng lưới kết nối của Tổng đài quốc gia đặt đầu mối tại Sở LĐTBXH 63 tỉnh/thành phố.

Nhận định quá trình can thiệp, hỗ trợ gặp nhiều khó khăn khi cán bộ cơ sở thiếu và yếu chuyên môn; địa phương thờ ơ, chậm trễ, trong việc can thiệp, hỗ trợ; thiếu các dịch vụ trợ giúp tâm lý, trị liệu, hội thảo đã hướng đến việc nâng cao chất lượng Tổng đài điện thoại Quốc gia bảo vệ trẻ em 111 thông qua nhiều kênh.

Cụ thể, các doanh nghiệp cung cấp hoạt động trong lĩnh vực cung cấp thực phẩm, cùng cấp hàng tiêu dùng, dịch vụ nhà hàng khách sạn hoàn toàn có thể tham gia vào việc giới thiệu tổng đài trên các kênh giới thiệu sản phẩm, dịch vụ, trên bao bì, các phương tiện in ấn.

"Các cơ quan quản lý của Bộ, Nhà nước liên quan đến trẻ em phải chỉ đạo làm sao để tất cả học sinh đều biết đến tổng đài qua sách giáo khoa cũng như dụng cụ học tập từ hệ thống Nhà xuất bản. Làm sao để số điện thoại Tổng đài có mặt tại các thiết chế văn hóa như rạp chiếu phim, nhà hát, trung tâm văn hóa cũng như tại các bệnh viện, phòng khám…”, ông Đặng Hoa Nam - Cục Trưởng Cục Bảo vệ trẻ em, Bộ LĐTBXH - phát biểu.

Thu Lê

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI