Cận cảnh viên 'kim cương máu' từng xuất hiện trên cổ 3 minh tinh

04/11/2021 - 12:21

PNO - Viên kim cương có trị giá 30 triệu USD được phát hiện trong một mỏ thuộc địa ở Kimberley, Nam Phi vào năm 1877 có lịch sử gây tranh cãi.

Vào tháng 8/2021, Beyoncé trở thành gương mặt đại diện cho chiến dịch quảng bá của hãng trang sức Tiffany. Đáng chú ý là nữ ca sĩ đeo chiếc vòng cổ gắn viên kim cương màu vàng nặng 128,54 carat.

Trong lịch sử 144 năm của thương hiệu, Beyoncé là người da màu đầu tiên và là người thứ tư được đeo viên kim cương nổi tiếng nhất thế giới, có giá trị 30 triệu USD (683,7 tỷ đồng).

Đặc biệt hơn, lịch sử của viên kim cương này gây tranh cãi lớn bởi đây là ''kim cương máu'' được khai thác và bán trong mỏ thuộc địa hoặc khu vực chiến tranh để tài trợ cho hành động quân sự chống lại chính phủ.

Dân mạng đã bày tỏ thất vọng về nữ ca sĩ người Mỹ gốc Phi: "Đây không phải là một chiếc vòng cổ đơn thuần khi gắn viên kim cương được khai thác từ máu của những người Nam Phi. Nếu những người thợ không đạt chỉ tiêu, họ sẽ bị cắt tay chân hoặc bị giết", "Beyonce đeo viên kim cương không phù hợp với xuất xứ của cô ấy, bất chấp việc nó đã làm tổn hại nhiều người châu Phi"...

Lúc này, nguồn tin thân cận của Beyoncé cho biết: "Cô ấy thất vọng và tức giận khi không biết lịch sử của viên kim cương. Beyoncé nghĩ mọi thứ đã được kiểm tra kỹ càng".

Chưa dừng lại ở đó, mới đây vào ngày 2/11, ngôi sao 40 tuổi lại đăng tấm hình trong chiến dịch quảng bá của thương hiệu. Trong bức ảnh chụp cùng ông xã Jay-Z, nữ ca sĩ diện đầm xẻ cổ sâu quyến rũ và lại đeo ''kim cương máu''.

Viên kim cương màu vàng được phát hiện trong một mỏ thuộc địa ở Kimberley, Nam Phi, vào năm 1877 - vào thời điểm đất nước và các mỏ nằm dưới sự cai trị của thực dân Anh. Khi đó, những người lao động nhập cư chủ yếu là người da đen phải làm việc trong môi trường khắc nghiệt, mức lương thấp, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng nên được gọi bằng thuật ngữ ''kim cương máu''.

Điều kiện bên ngoài mỏ cũng không tốt, với khu nhà ở cho công nhân không có nước tự nhiên hoặc xử lý chất thải, đã có 1144 người chết vì một loạt bệnh như viêm phổi và bệnh còi chỉ trong khoảng thời gian từ năm 1897 đến năm 1899.

Nhiều người cho rằng Beyonce và thương hiệu trang sức đáng bị chỉ trích vì họ đã công khai khoe khoang về việc nữ ca sĩ là người phụ nữ da màu đầu tiên đeo kim cương. Trước Beyonce, viên kim cương khổng lồ màu vàng đã được đeo bởi 3 nhân vật: Mary Whitehouse, Audrey Hepburn và Lady Gaga.

Viên đá quý được cho là trị giá 30 triệu USD, theo ước tính từ Tiffany & Co, được mua bởi người sáng lập công ty trang sức - Charles Lewis Tiffany - với giá chỉ 18.000 USD vào năm 1878, một năm sau khi nó được phát hiện trong mỏ Kimberley.

Khi được phát hiện, viên đá quý thô có khối lượng 287,42 carat, tuy nhiên sau khi được Tiffany mua, viên đá đã được đưa đến Paris, nơi chuyên gia đá quý của thương hiệu - Tiến sĩ George Frederick Kunz - đã cắt nó thành hình dạng cho đẹp hơn, thể hiện chất lượng hoàn hảo.

Mary Whitehouse là người đầu tiên đeo viên đá quý sau khi nó được đặt làm dạng vòng cổ tại Lễ hội Lông vũ Tiffany năm 1957 ở Rhode Island. Và sau đó, nữ minh tinh Hepburn đã đeo viên đá quý này trong các hình ảnh quảng cáo cho Breakfast At Tiffany's.

Viên kim cương sau đó đã được đặt lại thành một mẫu vòng cổ mới vào năm 2012 để đánh dấu kỷ niệm 175 năm thành lập Tiffany & Co, đây là thiết kế mà Lady Gaga diện tại Lễ trao giải Oscar 2019.

''Kim cương máu'' vẫn là một vấn đề lớn trong ngành trang sức, khi Tổ chức Ân xá Quốc tế tiết lộ vào năm 2015 rằng trẻ em dưới 11 tuổi vẫn bị bắt làm nô lệ trong các mỏ kim cương ở Cộng hòa Trung Phi (CAR).

Beyonce không phải là người nổi tiếng duy nhất bị lôi vào cuộc tranh cãi ''kim cương máu''. Năm 2010, siêu mẫu Naomi Campbell khai trước tòa án tội ác chiến tranh rằng cô đã được một nhà độc tài châu Phi tặng một số viên kim cương máu vào năm 1997 khi tham dự một sự kiện ở Nam Phi do Nelson Mandela tổ chức.

Thu Vân (theo DM)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI