Các tỷ phú “xử lý” ra sao khối tài sản sau năm đại thu hoạch 2020?

28/03/2021 - 12:40

PNO - Năm 2020, khi thế giới quằn quại đối phó với đại dịch COVID-19 và kinh tế toàn cầu đứng trước nguy cơ suy thoái tồi tệ nhất kể từ Thế chiến II, thì các tỷ phú thế giới chứng kiến sự giàu có của họ được nâng lên một tầm cao mới. Giờ đây, khi các chính phủ phải vật lộn với nợ nần và bất ổn xã hội, thì người ta để mắt càng nhiều đến khối tài sản của các tỷ phú.

Năm 2020 giới siêu giàu càng giàu, nay họ chuẩn bị đối phó với việc trả giá - Ảnh: Reuters
Năm 2020 giới siêu giàu càng giàu, nay họ chuẩn bị đối phó với việc trả giá - Ảnh: Reuters

Một số tỷ phú gấp rút bàn bạc với những người quản lý của mình cách thức giữ gìn và củng cố khối tài sản của họ trong bối cảnh đại dịch đã làm tan hoang địa cầu. Một số người khác thảo luận về cách ra tay trước và điều hướng các yêu cầu từ chính phủ và công chúng rộng rãi, để nhận phần của mình trong chi phí hồi phục sau đại dịch.

Morris Pearl, cựu Giám đốc điều hành công ty quản lý đầu tư BlackRock thuộc tập đoàn Patriotic Millionaire, cho biết: “Thị trường chứng khoán đã sụp đổ một năm trước, và chúng tôi tin rằng khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn và tình trạng bất bình đẳng ngày càng trở nên tồi tệ hơn”.

Theo cuộc phỏng vấn của hãng Reuters đối với 7 triệu phú và tỷ phú Mỹ cùng 20 cố vấn của họ, giới siêu giàu đang thảo luận các kế hoạch hoạt động từ thiện, cho đến chuyển tiền và doanh nghiệp thành quỹ tín thác, và chuyển hướng đến các quốc gia hoặc tiểu bang có chế độ thuế thuận lợi hơn.

Các chuyên gia quản lý tài sản cho biết, việc ông Joe Biden được bầu làm Tổng thống và Hoa Kỳ dự báo mức thuế cao hơn đối với người giàu, đặc biệt đã kích thích nhu cầu thiết lập quỹ tín thác của khách hàng tăng mạnh.

Khu nghỉ mát thành phố St Moritz trên dãy núi Alpine của Thụy Sĩ vẫn hoạt động trong đại dịch - Ảnh: Reuters
Khu nghỉ mát thành phố St Moritz trên dãy núi Alpine của Thụy Sĩ vẫn hoạt động trong đại dịch - Ảnh: Reuters

Cách làm như vậy sẽ cho phép họ chuyển tài sản cho con cái hoặc người thân dưới ngưỡng miễn thuế 11,7 triệu USD hiện tại tính theo người. Trong chiến dịch tranh cử của mình, ông Biden đã đề xuất quay trở lại mức thuế năm 2009, khi mức miễn thuế ở mức 3,5 triệu USD. Alvina Lo, chiến lược gia tài chính của Wilmington Trust cho biết: “Chúng tôi đã chứng kiến ​​sự gia tăng của các quỹ tín thác được tạo ra và tài trợ trong quý 4 năm ngoái”.

Vội vã rót tiền vào các quỹ tín thác

Theo Forbes, gần 2/3 tầng lớp tỷ phú trên thế giới đã tích lũy được tài sản lớn hơn trong năm 2020, với những người kiếm được nhiều nhất đạt mức tài sản chưa từng có, nhờ vào khoản tiền phục hồi hàng ngàn tỷ USD từ các nhà hoạch định chính sách.

Forbes ước tính các tỷ phú đã giàu thêm 20% cho đến giữa tháng 12/2020. Giám đốc đầu tư công ty UBS – ông Maximilian Kunkel – nhận định, nhiều người được hưởng cơ hội đầu tư không giới hạn đối với các nhà đầu tư bán lẻ thông thường, tận dụng sự biến động của thị trường bằng các giao dịch phái sinh ngắn hạn. Ông Kunkel cho biết, giờ đây, khi các chính phủ trên toàn cầu phải vật lộn với nợ nần chồng chất và bất ổn xã hội ngày càng gia tăng, thì các tỷ phú biết rằng người ta sẽ “để mắt” đến khối tài sản của họ.

Nhiều tỷ phú cảm thấy mối nguy lờ mờ từ cơ quan thuế vụ, và họ đẩy nhanh kế hoạch rót tiền vào các quỹ ủy thác cho con cái của mình.

Chuyển đến Hamptons hay Singapore?

Một số tỷ phú có những hành động quyết liệt hơn bằng cách chuyển tài sản đến các quốc gia và khu vực có chế độ thuế và xã hội “lành mạnh hơn” đối với những người siêu giàu.

Babak Dastmaltschi, người đứng đầu bộ phận khách hàng chiến lược của ngân hàng Credit Suisse nhận định, khi thế giới tất yếu chuyển sang hướng ngày càng minh bạch, người ta ngày càng quan tâm hơn đến Thụy Sĩ, Luxembourg và Singapore.

Trong khi đó, đối với nhiều người ở các nước mới nổi, lo ngại rằng những căng thẳng về dịch vụ công có thể dẫn đến bất ổn dân sự đã khiến thế hệ trẻ của các gia đình giàu có đặc biệt thích tìm kiếm cơ hội ở nước ngoài.

“COVID-19 về cơ bản chỉ “cởi bỏ long bào của Hoàng đế”, và đột nhiên, mọi người bắt đầu nhận ra rằng hệ thống chăm sóc sức khỏe của chúng ta không mạnh, mạng lưới an toàn xã hội của chúng ta thực sự không có”, Beatriz Sanchez, người đứng đầu khu vực Mỹ Latinh của tập đoàn tài chính tư nhân Julius Baer chia sẻ.

Cindy Ostranger, Giám đốc thuế công ty quản lý tài sản Clarfeld Citizens Private Wealth, cho biết cô cũng thấy nhiều khách hàng siêu giàu chuyển ra khỏi thành phố New York đến những cửa ngõ nghỉ dưỡng ở những nơi như Hamptons (ngoại ô New York) - ban đầu là để thoát khỏi tác hại tồi tệ nhất của đại dịch, sau đó là vì đóng thuế thấp hơn. Một chuyên gia thuế của công ty tư vấn đầu tư NEPC cho biết, việc chuyển đến các tiểu bang có thuế suất thấp, như Texas, Florida và Washington, ngày càng phổ biến hơn.

Tập trung vào hoạt động từ thiện

Khi các quốc gia tiếp tục vật lộn với hậu quả của đại dịch, các nhà kinh tế chỉ ra một vấn đề còn lớn hơn: sự tách biệt của giàu có tột độ khỏi sự thịnh vượng chung của nền kinh tế.

Đến đầu tháng 3/2021, tài sản của các tỷ phú Hoa Kỳ đã tăng 1,3 ngàn tỷ USD, hoặc gần bằng một nửa khối tài sản của họ kể từ khi bắt đầu đại dịch. Đó là kết quả khảo sát của Viện Nghiên cứu chính sách và công bằng thuế đối với người Mỹ (IPSATF). Điều đó đưa tài sản của họ lên 4,2 ngàn tỷ USD, xấp xỉ 1/5 tổng sản lượng kinh tế Hoa Kỳ năm 2020 và gấp đôi tổng tài sản do 330 triệu dân nắm giữ.

Theo Judy Spalthoff, người đứng đầu bộ phận tư vấn gia đình và từ thiện của UBS, đại dịch đã thu hút sự chú ý của nhiều người siêu giàu vào các hoạt động xã hội, đối với nhiều người, điều đó có nghĩa là hoạt động từ thiện.

Nhóm của bà Spalthoff chứng kiến ​​sự gia tăng khách hàng hợp tác với Quỹ Optimus của UBS, tổ chức chuyển tiền cho các hoạt động như Hành động chống nạn đói, với số tiền quyên góp năm 2020 tăng 168 triệu USD - tăng 74% so với năm 2019.

Cẩm Hà (theo Reuters)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI