Các lãnh đạo điện ảnh tề tựu bàn tương lai của điện ảnh Đông Nam Á

08/04/2024 - 15:13

PNO - Một trong những ý kiến được quan tâm tại hội nghị bàn về tương lai của điện ảnh Đông Nam Á diễn ra sáng 8/4 là các diễn giả khuyên các nhà làm phim không nên làm hài nhảm, mua nước mắt.

Sáng ngày 8/4 nhiều lãnh đạo điện ảnh đến từ các quốc gia Đông Nam Á và thế giới đã tề tựu để bàn về tương lai của điện ảnh Đông Nam Á. Buổi hội nghị quy tụ lãnh đạo ngành điện ảnh của nhiều nước trên thế giới như bà Liza Dino - Giám đốc điều hành Ủy ban Điện ảnh Thành phố Quezon kiêm Giám đốc điều hành Chợ dự án Qcinema (Philippines); bà Gayatri Nadya Paramytha - Quản lý Tuần lễ Điện ảnh Jakarta (Indonesia); ông Ed Lejano - Giám đốc nghệ thuật QCINEMA IFF; bà Manijeh Fata – Giám đốc điều hành Ủy ban phim San Francisco (Mỹ); bà Joanne Gon - Chủ tịch Liên hoan phim MIFFest (Malaysia) và ông Jeremy Segay - Tùy viên văn hóa của đại sứ quán Pháp tại Việt Nam; ông Anderson Le, Giám đốc nghệ thuật - Liên hoan phim Hawaii, Giám đốc tuyển phim HIFF…

Bàn về tương lai điện ảnh Đông Nam Á, các diễn giả có chung nhận định châu Á là một nơi độc đáo, đa dạng văn hóa, mỗi quốc gia có màu sắc khác nhau do đó rất cần việc xây dựng hệ sinh thái điện ảnh bền vững tại Đông Nam Á, hỗ trợ tài năng mới và tìm tương lai của nguồn tài trợ cho phim. Đây cũng là 3 nội dung thảo luận chính của tọa đàm.

Hội nghị thu hút sự qua n tâm của đông đảo người trong nghề
Hội nghị thu hút sự quan tâm của đông đảo người trong nghề

Các diễn giả đều đề cao tầm quan trọng của một liên hoan phim vì đó là nơi phát hiện những tài năng mới, mở ra sự kết nối giữa người làm phim với các nhà đầu tư. Theo ông Ed Lejano - Giám đốc nghệ thuật LHP quốc tế QCINEMA (Philippines): “LHP không tổ chức cho một nhóm người mà cho công chúng, LHP cũng không tổ chức nhằm kiếm lời mà tạo ra tâm thế cùng hướng đến cái chung, mang lại giá trị lâu dài”.

Các LHP đều dành tiền hỗ trợ các nhà làm phim trẻ, như ông Ed Lejano cho biết, năm ngoái LHP đã dành 35.000 USD nuôi dưỡng các tài năng Đông Nam Á. Ở Malaysia, Joanne Gon nói chính phủ hỗ trợ các nhà làm phim. Còn ở Indonesia, theo bà Gayatri Nadya Paramytha, ngoài nguồn tiền hỗ trợ đến từ nhà nước, còn có Ủy ban nghệ thuật. Ông Jeremy Segay khoe quỹ CNC của chính phủ Pháp năm ngoái đã hỗ trợ 120.000 Euro cho các nhà làm phim.

Tại Việt Nam, chưa có quỹ hỗ trợ cho các nhà làm phim và đây là điều đáng tiếc theo bà Joanne Gon vì “Đây là nơi có nguồn nhân tài lớn của Đông Nam Á, chính phủ cần hỗ trợ nhiều hơn, tạo ra cơ sở hạ tầng bền vững cho các nhà làm phim”.

Các diễn giả thảo luận bên lề hội nghị
Các diễn giả thảo luận bên lề hội nghị

Đông Nam Á là khu vực có nhiều nhà làm phim tài năng trẻ, nhưng ông Raymond Phathanavirangoon – cựu lãnh đạo SEAFIC chỉ ra một hạn chế của các nhà làm phim Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng là các nhà làm phim chỉ đang tập trung vào thị trường nội địa nên khó khăn để hoàn vốn.

"Đừng nên làm phim thương mại chiếu đi chiếu lại cùng chủ đề, cứ mãi kể những chuyện buồn thảm, đau khổ khóc lóc thì đến lúc nào đó khán giả sẽ chán không muốn xem phim nội nữa, sẽ bị ấn tượng rằng phim bản địa dở. Việt Nam đừng nên vậy, đừng tập trung vào hài nhảm, mua nước mắt người xem nữa”, ông nói.

Câu chuyện tìm vốn làm phim cũng nhận được sự quan tâm của nhiều diễn giả. Theo các chuyên gia xu hướng hiện nay là đồng sản xuất để tăng vốn, chia nhỏ rủi ro. Đồng sản xuất có thể diễn ra giữa các quốc gia hoặc trong cùng quốc gia theo mô hình công - tư. Theo Kristen Tan (Singapore): “Đồng sản xuất giúp việc phát hành đỡ rủi ro hơn, giúp việc làm phim có sự giao thoa hơn". Nhưng bà Joanne Gon cũng đưa ra cảnh báo: “Đồng sản xuất rất mất sức, tìm được vốn địa phương không dễ và khi hợp tác phải hạ mình xuống một chút”.

H.Nhu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI