Bộ Công Thương, Bộ Tài chính "đấu khẩu" về xuất khẩu gạo

21/04/2020 - 17:12

PNO - Ngày 20/4, Bộ Công Thương có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về các ý kiến và đề xuất của Bộ Tài chính liên quan tới phương án điều hành xuất khẩu gạo.

Trước đó, Tổng Cục Hải quan (Bộ Tài chính) cho biết, nhiều lần tham vấn ý kiến với Bộ Công Thương về xuất khẩu gạo nhưng không được tiếp thu.

Cụ thể, ngay từ đầu tháng 4, Bộ Tài chính đề nghị, chỉ tạm dừng xuất khẩu gạo tẻ thường đến hết 15/6 để bảo đảm mua đủ gạo dự trữ quốc gia. Còn gạo nếp, gạo đồ, gạo hữu cơ, gạo thơm vẫn cho xuất khẩu bình thường.

Theo phản hồi của Bộ Công Thương, Bộ này đã 2 lần giải trình với Thủ tướng về lý do không thể tiếp thu ý kiến này của Bộ Tài chính, bởi cấm xuất khẩu gạo để buộc người dân, doanh nghiệp phải bán gạo cho dự trữ quốc gia là việc không nên làm, nhất là khi người dân, doanh nghiệp đang phải chịu nhiều tác động tiêu cực do dịch bệnh gây ra. Cách giải quyết phù hợp nhất là tiếp tục cho xuất khẩu gạo, bao gồm cả gạo tẻ, nhưng có sự kiểm soát chặt chẽ, minh bạch về số lượng để đảm bảo an ninh lương thực trong bối cảnh dịch bệnh, hạn hán và xâm nhập mặn.

Đề xuất dừng xuất khẩu trên cơ sở phân biệt gạo tẻ và các loại gạo khác theo Bộ Công Thương có thể tạo điều kiện cho lợi ích nhóm và tham nhũng bởi bằng mắt thường, rất khó phân biệt giữa gạo tẻ (loại cấm xuất khẩu) và gạo thơm (loại được phép xuất khẩu).

Bộ Công thương báo cáo Thủ tướng việc Bộ Tài chính cho rằng Bộ này không tiếp thu ý kiến về xuất khẩu gạo. Ảnh minh hoạ
Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng việc Bộ Tài chính cho rằng Bộ này "không tiếp thu" ý kiến về xuất khẩu gạo - Ảnh minh hoạ

Nếu làm theo đề xuất đó, cơ quan Hải quan sẽ buộc phải kiểm tra và trưng cầu giám định chủng loại gạo cho từng lô gạo xuất khẩu. Điều đó sẽ khiến chi phí tăng thêm, mất thêm thời gian.

Về nội dung Bộ Tài chính, sau khi phát hiện một số doanh nghiệp dù trúng thầu mua gạo dự trữ quốc gia nhưng lại hủy hoặc từ chối ký hợp đồng, đã đề nghị, chỉ cho phép những doanh nghiệp đã trúng thầu và phải ký hợp đồng giao hàng xong mới được xuất khẩu… Những góp ý này đã không được Bộ Công Thương tiếp thu.

Theo Bộ Công Thương, các doanh nghiệp trúng thầu nhưng không ký hợp đồng đã phải chịu trách nhiệm bằng cách mất tiền bảo đảm dự thầu (1% - 3% giá trị gói thầu) cho Bộ Tài chính. Như vậy đối chiếu với quy định của pháp luật, nhất là pháp luật về giao dịch dân sự, doanh nghiệp đã hoàn thành nghĩa vụ của mình.

Đề xuất cấm các doanh nghiệp này tham gia xuất khẩu là không có cơ sở pháp lý. Bộ Công Thương cho rằng, xã hội có thể phê phán các doanh nghiệp này về mặt đạo đức kinh doanh và trách nhiệm xã hội nhưng cơ quan nhà nước với tinh thần thượng tôn pháp luật, không nên đề xuất các biện pháp không có cơ sở pháp lý như vậy.

Đối với ý kiến mà Bộ Tài chính cho rằng, khi Thủ tướng chỉ đạo thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành để làm việc với các địa phương và các doanh nghiệp xuất khẩu gạo nhưng thực tế Bộ Công Thương chỉ thực hiện cuộc họp 1/2 ngày nên chưa thể đánh giá được tổng thể nguồn cung và tình hình xuất khẩu gạo và như vậy là chưa nghiêm túc.

 Bộ Công Thương hồi đáp đã thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành ngay sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng. Bên cạnh đó, do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp rất khó có thể làm việc với từng tỉnh, từng doanh nghiệp chủ chốt để nắm tình hình. Thay vào đó, Bộ Công Thương đã chủ trì cuộc họp có Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TPHCM, đại diện UBND TPHCM, các tỉnh thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Hiệp hội Lương thực Việt Nam và 20 thương nhân có kim ngạch xuất khẩu gạo lớn nhất dự buổi làm việc với đoàn kiểm tra vào ngày 26/3.

Quốc Thái

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI