Bệnh viện bị tố bỏ lơ bệnh nhân vì không có bác sĩ chuyên khoa mắt

22/08/2018 - 18:00

PNO - Không được cấp cứu chấn thương mắt ở Bệnh viện Triều An - Loan Trâm, anh Nguyễn Chí Hoài (25 tuổi, ở huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) phải tìm đường sang bệnh viện khác giữa đêm khuya.

Anh Hoài cho biết khoảng 22g ngày 8/8, hai mắt anh không mở được, nước mắt chảy giàn giụa, đau xốn nên nhờ người nhà chở đến cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tư nhân Triều An – Loan Trâm (gọi tắt là Bệnh viện Triều An - Loan Trâm, số 379C, ấp Tân Vĩnh Thuận, xã Tân Ngãi, thành phố Vĩnh Long) nhưng bị từ chối.

Benh vien bi to bo lo benh nhan vi khong co bac si chuyen khoa mat
Bệnh viện Triều An - Loan Trâm.

Vào bệnh viện cấp cứu được khuyên chờ đến sáng 

Theo anh Hoài, lúc vào cấp cứu, anh không thấy gì vì hai mắt không mở được. Một nam điều dưỡng hỏi anh: “Bị gì? Mở mắt được không? Bị từ khi nào? Hiện tại cảm thấy thế nào?”. Sau đó nam điều dưỡng này vào phòng nói chuyện với bác sĩ rồi thông báo ở đây không cấp cứu được.

“Họ thông báo chỉ có một bác sĩ cấp cứu nhưng chỉ xử lý các ca tai nạn té ngã. Điều dưỡng cũng không hề sờ vào mắt tôi xem sao. Điều dưỡng này khuyên tôi nên chờ đến 7g sáng để được khám ở chuyên khoa mắt. 

Nam điều dưỡng bỏ đi và cũng không có bác sĩ nào đến xem xét tình hình. Không ai nói tôi phải làm gì, không cho được cái bông gạc chặm nước mắt đang chảy giàn giụa. Cũng không ai nói sẽ chuyển viện cho tôi”, anh Nguyễn Chí Hoài kể lại.

Benh vien bi to bo lo benh nhan vi khong co bac si chuyen khoa mat
Anh Nguyễn Chí Hoài chỉ yêu cầu Bệnh viện Triều An - Loan Trâm một lời xin lỗi vì đã bỏ mặc anh giữa đêm khuya.

Khi nghe nam điều dưỡng khuyên chờ đến sáng để được khám mắt, anh Hoài và người nhà quyết định đến bệnh viện khác cấp cứu. Lúc này, do không nhìn thấy gì nên anh phải lần mò từng bước ra bãi giữ xe. Một tiếng đồng hồ sau đó, khoảng 4 giờ sáng 9/8, anh Hoài vào cấp cứu ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long.

Anh Hoài kể lại, ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long chỉ có một bác sĩ trực cấp cứu nhưng người này nhanh chóng rửa mắt cho anh, kê toa thuốc và không lấy chi phí khám chữa bệnh. Anh được chẩn đoán bị bỏng mắt cấp độ 3. Nguyên nhân theo anh Hoài là do nhìn quá lâu vào bóng đèn UV (đèn dùng tia cực tím để diệt khuẩn).

Quản trị fanpage bệnh viện báo cáo khóa Facebook bệnh nhân?

Bức xúc với cách làm việc của nhân viên Bệnh viện Triều An – Loan Trâm, anh Hoài phản ánh lên fanpage của bệnh viện thì nhận được những tin nhắn phản hồi, tích cực lẫn tiêu cực.

Tất cả những tin nhắn này đều được anh Nguyễn Chí Hoài chụp lại. Chẳng hạn tin nhắn đầu tiên phản hồi từ quản trị viên của fanpage Bệnh viện Triều An – Loan Trâm vào 19g40 ngày 11/8 rất lịch sự: “Chào bạn, bệnh viện rất xin lỗi đã để sự cố này xảy ra. Bạn cảm phiền cho mình biết bạn đã đến khoa cấp cứu vào ngày nào, lúc mấy giờ? Và nếu bạn có thấy tên của điều dưỡng trực đêm hôm đó thì bạn cho mình biết tên luôn được không. Lãnh đạo bệnh viện sẽ truy ra ca trực và kiểm điểm lại nhân viên này vì ngày nào bệnh viện cũng phân công bác sĩ trực”.

Quản trị viên của fanpage cũng hứa khi nào bệnh viện xử lý xong sẽ phản hồi lại cho bệnh nhân ngay.

Benh vien bi to bo lo benh nhan vi khong co bac si chuyen khoa mat
Admin fanpage của Bệnh viện Triều An - Loan Trâm giải thích bị hacker nên có phản hồi không hay về phản ánh của bệnh nhân.

Tuy nhiên vào ngày 14/8, trang Facebook của anh Hoài bỗng nhiên bị khóa. Nick Facebook Bệnh viện Triều An – Loan Trâm đe dọa anh Hoài: “Mày thử nói một câu nữa, thì mày lại được tạo Facebook mới không?”. Hoặc tin nhắn vào 21g43 ngày 19/8: “Mày động đến ai chứ động đến dân Facebook như tao là mày ngu rồi con ạ. Tao mới khóa Facebook mày dạng nhẹ, đừng để tao khóa Facebook mày lần 2”.

Anh Hoài cho biết, do phản ánh đến Bệnh viện Triều An – Loan Trâm nhưng không được giải quyết nên anh tiếp tục phản ánh sự việc bằng số điện thoại bàn đến trụ sở chính của cơ sở này là Bệnh viện Triều An TP.HCM. Anh cũng phản ánh sự việc này đến Bộ Y tế.

Benh vien bi to bo lo benh nhan vi khong co bac si chuyen khoa mat
Khoa Cấp cứu của BV Triều An - Loan Trâm.

Thế nhưng, ngày 20/8, admin fanpage của Bệnh viện Triều An – Loan Trâm đã phản hồi cho anh Hoài như sau: “Chào bạn! Mình là admin của fanpage Bệnh viện Triều An – Loan Trâm. Rất cảm ơn những phản hồi của bạn. Đây là fanpage chính thức của bệnh viện. Thời gian qua fanpage của bệnh viện đã bị hacker xâm nhập và có những bình luận không hay về phản hồi của bạn. Rất lấy làm tiếc về những gì đã xảy ra. Những phản ánh của bạn đã được trình đến ban lãnh đạo bệnh viện. Chúng tôi sẽ điều chỉnh và xử lý. Cảm ơn bạn về thông tin mà bạn chia sẻ”.

Sáng 21/8, phóng viên Báo Phụ Nữ TP.HCM liên lạc với ông Lê Văn Tấn - Tổng Giám đốc Bệnh viện Triều An – Loan Trâm. Ông Tấn cho biết: “Quan điểm của chúng tôi là cấp cứu 24/24, người nghèo cũng cấp cứu, cho bệnh nhân hết bệnh. Chứ không phải có tiền mới cấp cứu”.

Ông Tấn cho rằng Bệnh viện Triều An – Loan Trâm mới đi vào hoạt động ngày 25/7/2018 và tại Vĩnh Long cũng có một bệnh viện tư mới đi vào hoạt động nên có thể bị… chơi xấu. Sở dĩ Bệnh viện Triều An – Loan Trâm nhờ gỡ bài viết của bệnh nhân vì anh này tự ý đưa thông tin không đúng lên mạng. Bệnh viện sẽ sớm xác minh lại sự việc.

Tuy nhiên, đến 22/8, anh Hoài chưa nhận được thông tin phản hồi chính thức từ Bệnh viện Triều An TP.HCM hay Bệnh viện Triều An – Loan Trâm. “Điều tôi cần là một lời xin lỗi từ phía bệnh viện. Một cơ sở y tế tuyên bố cấp cứu 24/24 mà lại không thèm đếm xỉa gì đến người bệnh thì thật không hiểu nổi. Y đức ở đâu?”. Trong phản ánh của mình, anh Hoài cũng đề nghị Bệnh viện Triều An – Loan Trâm trích xuất camera thời điểm xảy ra sự việc để xác minh rõ ràng cho đôi bên.

Một bác sĩ chuyên khoa mắt, Bệnh viện Trưng Vương TP.HCM cho biết: “Nếu bỏng mắt do tia UV thì không nặng đến mức bị mù. Ở bệnh viện tuyến tỉnh, bác sĩ khi gặp ca cấp cứu về mắt có thể sẽ không biết phải làm gì. Cách xử lý với những trường hợp bỏng mắt thường là cho rửa mắt, giảm bớt khô mắt. Nếu bệnh nhân đau nhức mắt quá nhiều thì cho dùng tạm thuốc tê; tra pommade mỡ nước mắt nhân tạo”.

Một bác sĩ cấp cứu của Bệnh viện Triều An TP.HCM chia sẻ: Về nguyên tắc, khi  tiếp nhận bệnh nhân, bác sĩ cấp cứu dù không phải chuyên khoa mắt cũng có thể xử lý ban đầu được. Sau đó tùy tình hình, có thể mời bác sĩ chuyên khoa mắt hoặc nếu quá khả năng xử lý, có thể làm giấy chuyển viện cho bệnh nhân. 

Hiếu Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI