Bế mạc Hội nghị TW 2: Kiện toàn chức danh lãnh đạo Nhà nước

13/03/2016 - 08:19

PNO - Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã hoàn thành toàn bộ nội dung, chương trình đề ra.

Chiều 12/3, Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã hoàn thành toàn bộ nội dung, chương trình đề ra, sau 3 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc.Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì và phát biểu bế mạc Hội nghị.

Tại hội nghị, các Ủy viên Trung ương Đảng đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy dân chủ, thẳng thắn thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến quan trọng vào các Tờ trình, Báo cáo và các nội dung của Hội nghị.

Bộ Chính trị đã tiếp thu tối đa các ý kiến xác đáng và giải trình những vấn đề còn có ý kiến khác nhau. Ban Chấp hành Trung ương đã thống nhất cao thông qua Nghị quyết của Hội nghị.

Phát biểu bế mạc Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, làm rõ thêm một số vấn đề để thống nhất trong tổ chức, chỉ đạo thực hiện.

Be mac Hoi nghi TW 2: Kien toan chuc danh lanh dao Nha nuoc
Toàn cảnh bế mạc Hội nghị Trung ương Đảng lần 2. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN).

Nghị quyết ban hành phải bảo đảm thiết thực, khả thi

Về Chương trình làm việc toàn khóa của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Trung ương cơ bản tán thành với Tờ trình và dự thảo Chương trình làm việc; cho rằng dự thảo được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng; nội dung khá toàn diện, cơ bản thể hiện được chủ đề, tư tưởng chỉ đạo và các nhiệm vụ trọng tâm do Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đề ra. Những vấn đề đưa vào Chương trình toàn khóa là những vấn đề quan trọng và cần thiết nhất, nhằm tập trung thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng.

Trung ương nhấn mạnh, việc xác định nội dung Chương trình toàn khóa cần bám sát Nghị quyết và các văn kiện của Đại hội XII, tập trung cụ thể hóa và chỉ đạo thực hiện 6 nhiệm vụ trọng tâm và những vấn đề thực tiễn bức thiết đặt ra, khó khăn cần tháo gỡ, giải quyết những khâu đột phá, các nhiệm vụ trọng yếu như tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về xây dựng Đảng, giữ vững bản chất cách mạng trong sáng của Đảng; xây dựng tổ chức bộ máy của toàn hệ thống chính trị thật sự vững mạnh; tinh giản biên chế ở khu vực sự nghiệp công; làm tốt công tác cán bộ, nhất là ở cấp chiến lược; tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng;

Đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế; chú trọng giải quyết tốt vấn đề cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, cơ cấu lại ngân sách nhà nước, cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, xử lý nợ xấu và bảo đảm an toàn nợ công; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế...

Trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện, tùy tình hình cụ thể, Bộ Chính trị cần xem xét, cân nhắc để kịp thời có những bổ sung, điều chỉnh phù hợp.

Những vấn đề lớn, quan trọng đã được xác định rõ về chủ trương, định hướng chính sách trong Văn kiện Đại hội XII và các nghị quyết của các khoá trước vẫn còn giá trị, hiệu lực sẽ tiếp tục chỉ đạo thực hiện hoặc định kỳ sơ kết, tổng kết, ban hành kết luận; không nhất thiết phải ban hành nhiều nghị quyết; nghị quyết phải bảo đảm ngắn gọn, dễ hiểu, nội dung thiết thực, có giải pháp khả thi và xác định thời gian thực hiện.

Nâng cao tính sát hợp, khả thi của kế hoạch đầu tư phát triển

Về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020, Ban Chấp hành Trung ương đánh giá cao sự chuẩn bị, đồng tình về cơ bản với những nhận định, đánh giá, đề xuất nêu trong Tờ trình và các báo cáo của Ban cán sự đảng Chính phủ; đồng thời bổ sung, nhấn mạnh thêm những nội dung quan trọng và giao Ban cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo nghiêm túc quán triệt nghị quyết, kết luận của Trung ương, khẩn trương hoàn chỉnh văn bản, trình Quốc hội xem xét, thông qua Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020 tại Kỳ họp lần thứ 11 khóa XIII. Tiếp tục nghiên cứu, cập nhật, hoàn thiện Kế hoạch tài chính-ngân sách nhà nước trung hạn và Kế hoạch đầu tư công trung hạn trình Quốc hội khóa XIV xem xét, quyết định.

Trung ương đặc biệt nhấn mạnh sự cần thiết phải tập trung ưu tiên cho đầu tư phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn; cải cách khu vực sự nghiệp công; cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; thực hiện các đột phá chiến lược.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI