Bất ngờ từ những dòng kênh đen đổi sắc

10/01/2020 - 06:50

PNO - Mấy tháng trước, thấy vài anh kỹ sư đến đo mé rạch, bà Sáu Nương nói: “Chắc người ta sắp cải tạo con rạch bên nhà mình”. Ông Sáu nghe vậy xua tay: “Bà mơ à, làm gì nổi! Lấp rạch thì dễ, chứ nạo vét cho nó trở lại như xưa, không phải chuyện đùa”. Thế mà bây giờ, chuyện tưởng trong mơ của bà Sáu Nương đã thành sự thật: con rạch đầy rác đã đổi màu, không còn bốc mùi nữa.

Nỗi lòng “ngư phủ”

Trời về chiều, ông Nguyễn Văn Dũng, ở đường Nguyễn Xí, P.13, Q.Bình Thạnh, TPHCM - lấy xuồng chèo một mạch trên dòng rạch Lăng từ cầu Đỏ về phía cầu Băng Ky. Lâu lắm rồi, ông mới được buông chèo thoải mái trên dòng rạch Lăng mà không vướng cỏ, rác. Có thời điểm, những người dân sống lâu năm bên dòng rạch Lăng như ông Dũng ví von: “Kênh gì mà rác nhiều hơn nước”.

Gặp chúng tôi khi vừa cất mái chèo, ông Dũng bộc bạch: “Nghe người ta nói sắp đóng cừ, nạo vét đến đoạn nhà mình rồi. Tôi chèo xuồng lên đó coi cho chắc. Nay họ đã làm tới đoạn cầu Rạch Lăng, làm đẹp lắm. Chắc mấy bữa nữa là tới chỗ tui”. Thấy ông Dũng có chiếc xuồng giống những người hay đi giăng câu, thả lưới, tôi gọi ông là “ngư phủ”, ông gật đầu rồi lại lắc đầu. Ông nói, dưới rạch Lăng này làm gì còn cá để đánh bắt mà gọi là “ngư phủ”.

Một đoạn rạch Lăng đang được cải tạo, khơi thông dòng chảy
Một đoạn rạch Lăng đang được cải tạo, khơi thông dòng chảy

Trong ký ức của những người bám trụ cả đời bên dòng rạch Lăng như ông Dũng, đã từng có một dòng rạch Lăng rất đẹp. Đó là những năm trước 1990, người dân sống hai bên rạch có thể xuống đó tắm, bắt cá trên dòng rạch Lăng. Về sau, rạch Lăng ngày càng bị bồi lấp, phía dưới là một lớp bùn dày, trên mặt nước là lục bình, cỏ và rác, muốn bơi xuồng qua cầu Đỏ cũng không thể vượt qua nổi đám lục bình kết dính với rác. Người ta bảo rạch Lăng là “rạch chết”.

Đến bây giờ, bà Trần Thị Hương (P.12, Q.Bình Thạnh) vẫn còn nhớ như in cảnh ghe tàu tấp nập qua dòng rạch Lăng. Nhưng cả chục năm nay, cảnh tượng đó chỉ còn là ký ức. Chẳng ghe xuồng nào băng qua nổi một con rạch bị bùn, rác lấp đầy. Nạn xả rác, lấn chiếm đã biến rạch Lăng thành ao tù. Mùa khô, mùi hôi bốc vào nhà nồng nặc, ruồi muỗi vây quanh; mùa mưa, nước bẩn chảy lênh láng trên đường.

Mấy tháng qua, dòng rạch Lăng được khai thông dần. Mỗi ngày mấy bận, bà Hương đứng ở mé rạch trước nhà nhìn ra hướng công trình nơi người ta đang móc bùn đất lên để “giải cứu” con rạch chết. Ban đầu, người dân sống ven rạch nghe nạo vét thì lo sập nhà. Nhưng mọi thứ phát sinh trong quá trình nạo vét đã được tính toán rất kỹ. Người ta đóng cừ, dồn đất lên bờ để chống sạt lở nhà dân. Những đoạn đóng cừ xong, các công nhân sẽ nạo vét để khai thông dòng chảy.

Những ngày cuối năm, công nhân vẫn cần mẫn nạo vét, vận chuyển bùn đất để khơi thông dòng cho rạch Lăng. Ước tính, khoảng 20.000m3 bùn đất được nạo vét từ con rạch. Ở những đoạn nạo vét xong, nước rạch đã đổi màu vì dòng chảy đã được khơi thông, không còn ngập rác. Chiều về, người dân rảo bước thảnh thơi bên con rạch vừa hồi sinh. Dự kiến, việc nạo vét rạch lăng sẽ hoàn thành trước tết Nguyên đán 2020.

Các công nhân miệt mài khơi thông dòng rạch Lăng để kịp hoàn thành trước tết Nguyên đán
Các công nhân miệt mài khơi thông dòng rạch Lăng để kịp hoàn thành trước tết Nguyên đán

Thay áo và giữ áo

Từ rạch Lăng, chúng tôi di chuyển ngược về hướng ngoại thành để tìm đến rạch Rỗng Tùng, Ông Học... ở Q.12, TPHCM. Hai năm trước, chúng tôi đến các khu dân cư ven những con rạch này để nghe phản ánh của người dân về nỗi khổ khi bị ngập triền miên. Ở đó, có những căn nhà bỏ hoang do người dân phải sơ tán trong mùa ngập. Thủ phạm gây ngập chính là những con rạch bị rác lấp kín.

Bây giờ, trở lại, chúng tôi ngỡ ngàng khi thấy rạch Rỗng Tùng đã được thay áo mới. Con rạch được nạo vét, ốp bê tông hai mép bờ. Dòng nước đen kịt, đầy rác đã chuyển dần sang màu xanh. Trên con rạch đen năm nào, bà Sáu Nương, ở P.Thạnh Xuân, Q.12 - rảo bước hít thở khí trời. Nghe hỏi về con rạch, bà Sáu Nương kể, mấy tháng trước, thấy mấy anh kỹ sư đến đo mé rạch, bà nói với ông Sáu: “Chắc người ta sắp cải tạo con rạch bên nhà mình”. Ông Sáu nghe vậy xua tay: “Bà mơ à, làm gì nổi! Mấy tấn bùn, rác lấp đầy rạch, cây cối mọc um tùm. Lấp rạch thì dễ chứ nạo vét cho nó trở lại như xưa không phải chuyện đùa”.

Người phụ nữ gắn bó cả đời bên con rạch Rỗng Tùng cười hề hề: “Ổng nói tui mơ, mà đây là giấc mơ có thật. Con rạch đổi sắc, tụi tui cũng đổi đời”. Tôi nghĩ bà Sáu Nương không nói đùa. Có sống ven những con rạch ô nhiễm mới hiểu được cái sướng trong sự đổi đời của người phụ nữ năm nay đã gần 70 tuổi. 

Đoạn rạch Ông Tùng đang được thay áo mới, màu đen của nước kênh giờ đã xanh trở lại
Đoạn rạch Rỗng Tùng đang được thay áo mới, màu đen của nước kênh giờ đã xanh trở lại

Rạch Ông Học là con rạch chạy qua khu dân cư đông đúc. Nạn xả rác, lấn chiếm khiến con rạch này bị nghẽn dòng chảy, thường xuyên gây ngập nước và dịch bệnh cho cư dân ven bờ. Bây giờ, rạch Ông Học đã được cải tạo hơn 70% và không lâu nữa, dự án hoàn thành, trả lại dòng chảy sạch, xanh cho con rạch.

Ông Nguyễn Minh Chánh - Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực Q.12 - cho biết, tại Q.12, có 18 dự án nạo vét các con rạch ô nhiễm, với tổng kinh phí 817 tỷ đồng, hiện đã khởi công 9 dự án và 9 dự án sắp khởi công, dự kiến hoàn thành cuối năm 2020.

Trong số 9 dự án đã khởi công, hai con rạch Rỗng Tùng và Ông Học đã được cải tạo và gần hoàn thành. Theo phối cảnh dự kiến, hai con rạch này sẽ được lắp rào chắn, trồng cây, làm đường và hệ thống chiếu sáng hai bên bờ, sẽ thành không gian thư giãn, giải trí của người dân địa phương.

Thế nhưng, việc “giải cứu” kênh rạch không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Ông Nguyễn Minh Chánh cho biết, một trong những khó khăn lớn nhất là không có kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng: “Để thực hiện được dự án, chúng tôi phải phối hợp với địa phương vận động người dân tự tháo dỡ các công trình lấn chiếm kênh rạch. Ban đầu cũng khó khăn, nhưng về sau, người dân thấy được lợi ích của việc khai thông kênh rạch nên họ đồng tình, tự nguyện tháo dỡ, trả lại mặt bằng cho đơn vị thi công”. 

Nhìn bảng danh sách các con “rạch chết” ở Q.12 còn chưa được giải cứu, tôi hỏi con rạch nào là “khủng khiếp” nhất, ông Chánh đáp ngay: “Rạch Tư Trang”. Rạch Tư Trang ở P.An Phú Đông, chảy qua khu đông dân cư và trường học. Trong nhiều cuộc tiếp xúc với lãnh đạo thành phố, người dân đều mong chính quyền cải tạo con rạch bẩn để đời sống người dân bớt khổ. “Phải làm thôi. Chúng tôi sẽ khởi công dự án cải tạo rạch này trong quý I/2020. Mấy con rạch ô nhiễm khác cũng sẽ được cải tạo trong năm nay” - ông Chánh khẳng định.

Ngày 6/1, trong hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân đã nhấn mạnh, rác, ngập nước, kẹt xe vẫn là những vấn đề lớn gây bức xúc cho người dân. Ông yêu cầu chính quyền các cấp phải có giải pháp cho các vấn nạn này.

Sau Chỉ thị số 19-CT/TU ngày 19/10/2018 của Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM về thực hiện cuộc vận động “Người dân TPHCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch và giảm ngập nước”, đã có hàng chục con rạch được cải tạo, thay áo mới. 

Được hỏi về việc giữ gìn kênh rạch sau khi hoàn thành các dự án cải tạo, ông Nguyễn Minh Chánh cho biết, sau khi “giải cứu”, các kênh, rạch sẽ được bàn giao cho địa phương quản lý, đồng thời sẽ đề xuất việc lắp đặt camera để giám sát nạn xả rác bừa bãi: “Lắp camera, xử phạt là biện pháp chế tài. Cái chính vẫn là vận động, tuyên truyền để nâng cao ý thức của người dân. Chúng tôi mong chính quyền và người dân cùng nhau thể hiện trách nhiệm, duy trì sự xanh, sạch của kênh, rạch. 

Phạt nghiêm hành vi xả rác bừa bãi

Thời gian qua, UBND Q.12 đã thực hiện nhiều chương trình tuyên truyền, vận động người dân không xả rác ra đường và kênh rạch đồng thời mạnh tay xử phạt những trường hợp vi phạm. Đơn cử, khoảng 5g45 ngày 28/12/2019, bà H. - sinh năm 1968, tạm trú tại Q.12 - chạy xe tay ga chở theo một bịch rác, tìm nơi đổ trộm. Khi đến trước một khách sạn ở tổ 33, khu phố 2, P.Trung Mỹ Tây, bà H. vứt bịch rác xuống, bị tổ tuần tra của Công an P.Trung Mỹ Tây phát hiện, tạm giữ, sau đó, bị UBND phường ra quyết định xử phạt 4 triệu đồng về hành vi “đổ rác không đúng nơi quy định”.

 Sơn Vinh

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI