Bắt giam bị cáo ngay tại tòa là bình thường?

24/10/2017 - 09:46

PNO - Ngày 23/10, khi phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án VN Pharma chưa tiếp tục xét xử, lực lượng công an hỗ trợ tư pháp đã đọc lệnh bắt tạm giam Nguyễn Minh Hùng và Võ Mạnh Cường. Thời gian tạm giam là 90 ngày.

Sau khi nghe đọc lệnh bắt tạm giam, bị cáo Hùng đã ngất xỉu tại chỗ phải chờ nhân viên y tế chăm sóc trong phòng chờ. Đến 15h05, HĐXX bắt đầu phiên tòa, tuy nhiên bị cáo Hùng và Cường không được dẫn giải vào phòng xử. Khoảng 15 phút sau, hai bị cáo này mới có mặt.

Chủ tọa phiên tòa thông báo để đảm bảo cho việc thi hành án, Chánh án TAND cấp cao tại TP.HCM đã ra quyết định lệnh bắt tạm giam bị cáo Hùng và Cường.

Bat giam bi cao ngay tai toa la binh thuong?
Các bị cáo tại phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ án VN Pharma

Theo luật sư Nguyễn Đức Chánh - Đoàn Luật sư TPHCM, việc Tòa án cấp phúc thẩm ra lệnh bắt và tạm giam đối với bị cáo đang tại ngoại là một trong các hoạt động tố tụng theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự 2003 (“BLTTHS 2003”). Trên thực tiễn việc này ít xảy ra, chứ không phải chưa có tiền lệ.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 243 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2003 về việc Tòa án cấp phúc thẩm áp dụng, thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp ngăn chặn thì: “Sau khi nhận hồ sơ vụ án, Tòa án cấp phúc thẩm có quyền quyết định việc áp dụng, thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp ngăn chặn. Việc áp dụng, thay đổi hoặc huỷ bỏ biện pháp tạm giam do Chánh án, Phó Chánh án Toà án nhân dân cấp tỉnh, Toà án quân sự cấp quân khu, Thẩm phán giữ chức vụ Chánh toà, Phó Chánh toà Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao (Hiện nay theo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2014 là Chánh án, phó Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao) quyết định.

Thời hạn tạm giam không được quá thời hạn xét xử phúc thẩm quy định tại Điều 242 của BLTTHS...”. Theo Điều 242 BLTTHS 2003 thì thời hạn xét xử phúc thẩm là trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ án.

Bat giam bi cao ngay tai toa la binh thuong?
Nguyễn Minh Hùng và Võ Mạnh Cường bị áp giải lên xe ngay sau khi kết thúc phiên tòa phúc thẩm ngày 23/10

Theo khoản 2 Điều 80 BLTTHS 2003 về bắt bị can, bị cáo để tạm giam thì: “…Người thi hành lệnh phải đọc lệnh, giải thích lệnh, quyền và nghĩa vụ của người bị bắt và phải lập biên bản về việc bắt. Khi tiến hành bắt người tại nơi người đó cư trú phải có đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn và người láng giềng của người bị bắt chứng kiến. Khi tiến hành bắt người tại nơi người đó làm việc phải có đại diện cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc chứng kiến.

Khi tiến hành bắt người tại nơi khác phải có sự chứng kiến của đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn nơi tiến hành bắt người.”
Nên trong việc bắt bị cáo để tạm giam đối với ông Hùng, ông Cường trong giai đoạn xét xử phúc thẩm của Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao tại TP.HCM là một trong hoạt động tố tụng thuộc thẩm quyền của Tòa án cấp phúc thẩm.

Trước đó, ngày 19/9/2014, cơ quan điều tra Bộ công an đã tiến hành tạm giữ Nguyễn Minh Hùng - Chủ tịch hội đồng quản trị công ty VN Pharma và đọc lệnh khám xét công ty VN Pharma địa chỉ 666/10/5 đường 2/3, quận 10 TPHCM về việc liên quan đến việc buôn bán thuốc ung thư không rõ nguồn gốc, xuất xứ. 

Sau khi thực hiện biện pháp bắt khẩn cấp Nguyễn Minh Hùng, đến ngày 23/9, cơ quan điều tra đã ra quyết định khởi tố bị can đối với Nguyễn Minh Hùng và Võ Mạnh Cường. 2 bị cáo này cùng một số bị cáo khác đã bị bắt tạm giam từ ngày 19/9/2014 đến ngày 17/3/2017. Sau đó các bị cáo được cho tại ngoại. 

Trong phiên tòa sáng nay HĐXX cho biết trong thời gian bị tam giam 2 năm 6 tháng các bị cáo không hề có đơn khiếu nại liên quan đến việc điều tra, truy tố, xét xử trong vụ án. Trong phiên tòa sơ thẩm cách đây một tháng, 2 bị cáo trên bị tuyên án 12 năm tù giam.


Vinh Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI