Bất động sản ế ẩm, chủ đầu tư vẫn “quyết không giảm giá”

29/03/2020 - 12:00

PNO - Có thể thấy rõ thị trường bất động sản đang rất ảm đạm do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Nhưng, nhiều chủ đầu tư dự án vẫn bán sản phẩm với mức giá… trên mây.

Giao dịch giảm 50%, chủ đầu tư vẫn giữ giá cao ngất

Theo dữ liệu nghiên cứu của batdongsan.com, nhu cầu mua bất động sản (BĐS) trong hai tháng đầu năm 2020 đã giảm sút rõ rệt. Tại TP.HCM, chung cư là phân khúc được tìm kiếm nhiều nhất trên thị trường, nhưng từ đầu năm đến nay, mức quan tâm dành cho sản phẩm này đã giảm khoảng 4,6%, riêng nhà phố giảm đến 35% so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, phân khúc đất nền có mức độ quan tâm giảm gần 50%.

Nhiều doanh nghiệp bất động sản ở Q.2 đóng cửa do không trụ nổi trong mùa dịch COVID-19
Nhiều doanh nghiệp bất động sản ở Q.2 đóng cửa do không trụ nổi trong mùa dịch COVID-19

Còn theo ghi nhận của chúng tôi tại các sàn giao dịch BĐS ở TP.HCM, lượng giao dịch giảm khoảng 50-70%. Thậm chí, có sàn giao dịch chỉ bán được hai, ba sản phẩm tính từ đầu năm đến nay và phải cắt giảm nhân viên, giải tán công ty. Tại các quận 2, 9, Thủ Đức, Bình Thạnh… từng được xem là “thủ phủ” của giới kinh doanh địa ốc, hiện số sàn giao dịch nay chỉ còn đếm trên đầu ngón tay. Trên các tuyến đường Trần Quốc Hoàn, Trần Não, Lương Định Của (Q.2), Tăng Nhơn Phú, Lê Văn Việt (Q.9), D2, D3, D5, Ung Văn Khiêm (Q.Bình Thạnh), Hoàng Diệu (Q.Thủ Đức), chúng tôi đếm được không dưới 50 công ty BĐS đóng cửa, trả hoặc cho thuê lại mặt bằng. Trao đổi với chúng tôi, hầu hết chủ các doanh nghiệp này thừa nhận buôn bán quá ế ẩm, càng duy trì mặt bằng càng lỗ nên phải đóng cửa. 

Một doanh nghiệp phải cho thuê lại mặt bằng 

Dù thị trường BĐS đang cực kỳ ảm đạm nhưng nhiều dự án mở bán trên thị trường vẫn đưa ra mức giá “trên trời”. Dự án Westgate do Tập đoàn An Gia làm chủ đầu tư với khoảng 2.000 căn hộ, officetel, penhouse dù ở H.Bình Chánh (gần đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương), vẫn kêu giá từ 1,8 tỷ đồng/căn, trở thành dự án có giá bán “khủng” nhất ở đây.

Dự án Westgate của Tập đoàn An Gia ở tận khu vực đường cao tốc TPHCM - Trung Lương vẫn liều rao giá bán từ 1,8 tỷ đồng/căn
Dự án Westgate của Tập đoàn An Gia ở tận khu vực đường cao tốc TPHCM - Trung Lương vẫn "liều" rao giá bán từ 1,8 tỷ đồng/căn

Từ trước đến nay, ở khu vực này, chưa có dự án nào dám chào bán căn hộ với mức giá vượt quá 1,5 tỷ đồng/căn. Để bán được hàng, chủ dự án quảng cáo có rất nhiều tiện ích, như công viên 1,9ha, hồ bơi tiêu chuẩn Olympic, an ninh đa lớp… trong khi chúng chỉ là sản phẩm trong tương lai. 

Tương tự, dự án Picity ở P.Thạnh Xuân, Q.12 do Tập đoàn Pi Group làm chủ đầu tư hiện cũng đang quảng cáo trên mạng với giá bán khoảng 1,5 tỷ đồng/căn, dù khu này cách trung tâm thành phố khoảng trên dưới 20km. Trong khi đó, lâu nay, giá bán căn hộ chung cư ở khu vực này chỉ khoảng trên dưới 1,2 tỷ đồng/căn. Thậm chí, theo ghi nhận của chúng tôi, nhiều dự án đã đưa vào sử dụng ở khu vực này vẫn có giá bán rẻ hơn khoảng 200-300 triệu đồng so với giá bán của dự án Picity. 

Cách trung tâm TPHCM trên dưới 20km, dự án Picity của Tập đoàn Pi Group chưa có giấy phép xây dựng nhưng đang rao giá lên đến từ 1,5 tỷ đồng/căn
Cách trung tâm TPHCM trên dưới 20km, dự án Picity của Tập đoàn Pi Group chưa có giấy phép xây dựng nhưng đang rao giá lên đến từ 1,5 tỷ đồng/căn

Tại Q.Thủ Đức, dự án Metro Star cũng được rao bán trên thị trường với mức giá gần 40 triệu đồng/m2 (trên 2 tỷ đồng/căn). Trong khi đó, theo ghi nhận của chúng tôi, hầu hết căn hộ chung cư ở khu vực này có giá bán chỉ khoảng 1,6-1,8 tỷ đồng/căn. 

Thống kê của batdongsan.com cho thấy, dù nhu cầu tìm mua BĐS của người dân đang giảm rất mạnh nhưng giá bán nhà đất tại TP.HCM vẫn tăng cao. Riêng trong tháng Hai, giá căn hộ tại TP.HCM tăng khoảng 10,9% so với cùng kỳ năm 2019, trung bình hơn 44 triệu đồng/m2. Đất nền, nhà phố dù khó “ra hàng” nhưng các chủ đầu tư vẫn neo ở mức cao.

Liều ăn nhiều? 

Theo một lãnh đạo của batdongsan.com, thực tế, nhu cầu mua nhà ở tại TP.HCM vẫn đang cao hơn rất nhiều so với lượng sản phẩm được chào bán trên thị trường. Thị trường lại đang khan hiếm căn hộ do các vướng mắc về pháp lý khiến nhiều chủ đầu tư vẫn tự tin khi đưa ra mức giá bán cao. 

Tập đoàn tư vấn BĐS JLL vừa đưa ra nhận định về sự tác động của dịch bệnh COVID-19 đối với từng phân khúc BĐS. Cụ thể, đơn vị này dự báo, hoạt động đầu tư có thể chậm lại trong nửa đầu năm 2020 do các nhà đầu tư do dự trước tình hình bất ổn của nền kinh tế. Các lĩnh vực như bán lẻ và khách sạn bị ảnh hưởng nặng nề, các nhà đầu tư có thể nghiêng về những tài sản trú ẩn an toàn, cân nhắc về rủi ro cũng như ổn định thu nhập và khả năng vận hành. 

Chính vì vậy, trước những biến động kinh tế lớn như hiện nay, các nhà đầu tư có xu hướng phân bổ vốn vào BĐS nhiều hơn do biên độ lợi nhuận hấp dẫn hơn so với các loại tài sản khác. Loại hình đầu tư này còn giúp thu lợi nhuận từ tiền thuê ổn định. Bên cạnh đó, nhu cầu nhà ở vốn là nhu cầu ổn định, ít bị ảnh hưởng bởi các tác động từ thị trường.

Tuy nhiên, theo chuyên gia BĐS Nguyễn Trọng Hoàng, những nhận định trên có thể sai lầm. Nhà, đất đúng là một trong những kênh trú ẩn an toàn nhưng còn một kênh trú ẩn an toàn hơn nữa trong lúc này là tiền mặt. Trước tình hình diễn biến của dịch bệnh chưa rõ ràng, khả năng các nhà đầu tư sẽ chuyển sang trạng thái phòng ngự bằng cách “giam” tiền ở các ngân hàng để phòng tránh rủi ro.

“Vì vậy, theo tôi, việc các chủ đầu tư đang quá lạc quan khi đánh giá xu hướng thị trường theo nhiều mặt tích cực và đẩy giá bán quá cao là mạo hiểm, bởi đặc điểm riêng của thị trường BĐS là một khi đã định hình, giá bán rất khó thay đổi. Định mức giá bán phù hợp ngay từ ban đầu vẫn tốt hơn là đẩy giá cao để rồi “bán không được, giảm giá không xong” - ông Hoàng nói. 

Lãnh đạo một tập đoàn BĐS có trụ sở ở Q.3, TP.HCM, tiết lộ giao dịch BĐS đã sụt giảm mạnh từ khoảng sáu tháng qua, nên từ cuối năm ngoái, rất nhiều dự án không bán được hàng khi tung ra thị trường với giá cao. Nay chủ đầu tư vẫn duy trì giá bán cao nhưng thực chất đã bắt đầu giảm giá qua các hình thức khuyến mãi, chiết khấu, giãn tiến độ thanh toán… 
Giá nhà đất 

Giao dịch trong dân giảm mạnh 

Trong khi các công ty BĐS vẫn “neo” giá cao thì giá giao dịch trong dân đang giảm mạnh. Trên các tuyến đường Nguyễn Xiển, Bưng Ông Thoàn, Bùi Quốc Thái, Bùi Xương Trạch (Q.9), giá bán đất trong dân giảm khoảng 10-15% so với giá bán cách nay khoảng sáu tháng. Giá giao dịch nền đất, nhà phố ở Q.Thủ Đức, Q.12, H.Hóc Môn, H.Bình Chánh cũng có xu hướng giảm với mức tương tự. Đối với phân khúc căn hộ, các nhà đầu tư thứ cấp (mua đi bán lại) cũng đang chào bán với mức lỗ khoảng 100-300 triệu đồng/căn. 

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trần Khánh, các nhà đầu tư BĐS thường dựa vào nguồn vốn ngân hàng rất lớn, chủ yếu mua bán theo hình thức “lướt sóng”. Do đó, khi dịch bệnh xảy ra bất ngờ, giao dịch ảm đạm, các đối tượng này sẽ rơi vào tình thế căng thẳng, buộc phải tháo chạy bằng mọi giá, tránh ôm nợ ngân hàng. 

Còn chuyên gia BĐS Nguyễn Trọng Hoàng nhận định, dù các chủ đầu tư dự án có kỳ vọng quá cao, vẫn khó thoát khỏi diễn biến thực tế của thị trường. Khi thị trường chung đã giảm giá thì các chủ đầu tư cũng buộc phải đưa sản phẩm về đúng giá thực.

Minh Quân 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI