Bất chấp lệnh cấm, vẫn băm nát rừng để khai khoáng

24/11/2018 - 06:00

PNO - Sau năm lần bảy lượt “ghi nhận” sai phạm trong hoạt động bới tung các ngọn núi lấy than mang bán, UBND tỉnh Sơn La cũng có công văn yêu cầu dừng khai thác. Thế nhưng, máy móc, xe cộ trong mỏ vẫn hoạt động ầm ĩ.

Sau năm lần bảy lượt “ghi nhận” sai phạm trong hoạt động bới tung các ngọn núi lấy than mang bán, UBND tỉnh Sơn La cũng có công văn yêu cầu dừng khai thác. Thế nhưng, máy móc, xe cộ trong mỏ vẫn hoạt động ầm ĩ. Có vẻ những lần xử lý sai phạm trước đây của tỉnh Sơn La đều chưa đủ “sức nặng” để các đơn vị khai khoáng chấp hành.

Những cánh rừng bị băm nát

Cách huyện lỵ Mộc Châu khoảng 80km, xã Suối Bàng (H.Vân Hồ, tỉnh Sơn La) như “cái rốn” giữa núi rừng. Quãng đường từ xã Tô Múa xuống xã Suối Bàng gần 20km đi thẳng tuột xuống đáy vực. Khí hậu chuyển từ mát sang oi bức. Đến bản Nà Lồi, Pưa Ta, không khí càng thêm ngột ngạt. Đường toàn bùn đất đen sì, dốc, trơn trượt, xe 2 cầu thận trọng lắm mới bò lên được đỉnh núi. Càng lên cao, càng rõ hình ảnh núi rừng khu này đã bị hai đơn vị khai thác than băm vằm trơ trụi. Các dòng suối mùa khô cạn trơ đáy, đá dưới khe bị nhuộm một màu đỏ quạch.

Bat chap lenh cam, van bam nat rung de khai khoang
Cả một góc rừng tan hoang vì bị khai thác khoáng sản

Đang có hai doanh nghiệp khai thác than gầy ở Suối Bàng - nơi có trữ lượng 2,4 triệu tấn. Nằm cùng một khu, Công ty cổ phần Khoáng sản Sơn La khai thác than từ trên đỉnh núi xuống, cứ bóc một lớp đất để lấy một lớp than, rồi lại một lớp đất như chiếc bánh kem xốp nhiều tầng.

Nhìn xuống rất sâu bên quả núi đối diện, xe goòng của Công ty cổ phần Đầu tư khoáng sản KTB lùi lũi nối đuôi nhau cõng than ra từ những hang hốc trong lòng núi. Có đứng trên “đỉnh” của Suối Bàng này mới thấy cả một dải núi cao, thấp tan hoang. Những nơi đổ thải thì sạt lở xuống các bản dưới chân núi hoặc về phía lòng hồ thủy điện Hòa Bình. Cây keo được cắm lên để “khắc phục” sạt lở, nhưng “mười cây chết chín, một cây gật gù”.

Ở bản Suối Khẩu, một gia đình người Mường đang giăng những tấm bạt mới tinh lên quây khắp các mặt nhà sàn. Ông chủ nhà kêu oai oái: “Nhà đang thoáng mà lại thành bí, nhưng không quây lại thì bụi lắm, không chịu được”. Không nằm ở bản có hai mỏ than “cư ngụ”, nhưng xe tải chở than từ các mỏ xuống bến cảng đi qua đây ầm ầm cuốn theo thứ bụi màu xám xịt, nên các hộ nằm ven đường ở Suối Khẩu đều phải quây kín mít như bưng.

Sống nghèo trên vùng khoáng sản

Dưới bản Nà Lồi, bà Mùi Thị Ư tẩn mẩn gói những chiếc bánh chưng bé xíu. Mấy tháng nữa mới đến kỳ giáp hạt, nhưng thóc gạo trong nhà bà đã hết từ lâu.

Bà Ư bảo: “Gạo này là con gái bà cho đấy. Nhà bà có bốn sào ruộng, nhưng hai năm trước, nước lũ lên cao cuốn theo bùn đất thải của mỏ than trên kia; khi nước rút thì bùn thải phủ kín ruộng. Từ đó đến nay đã bốn vụ, hai sào ruộng không cho một hạt thóc nào. Cây lúa cắm xuống, bao nhiêu phân tro bón vào mà lúa vẫn nghẹn, không thể nào lớn được”.

Bat chap lenh cam, van bam nat rung de khai khoang
Những ngôi nhà quây kín mít để ngăn bụi của bà con bản Suối Khẩu

Các hộ chịu ảnh hưởng trực tiếp từ hai mỏ than, nếu bị ảnh hưởng lớn thì đã nhận tiền và di dời lên khu tái định cư, bị ảnh hưởng nhẹ cũng nhận được một ít tiền đền bù. Nhưng những hộ bị ảnh hưởng gián tiếp (bị bùn thải do mưa lũ kéo đến lấp, đất canh tác đã “chết”) như nhà bà Ư thì dù đã làm đơn kiến nghị mấy lần, vẫn không nhận được chút đền bù thiệt hại nào.

Bí thư Đảng ủy xã Suối Bàng - ông Mùi Văn Mếu - không giấu giếm: “Vào mùa mưa, sạt lở mất các tuyến đường thì họ sẵn sàng đi sửa chữa giúp địa phương. Làm ruộng mà buộc phải sử dụng nguồn nước đã nhiễm thải thì họ hỗ trợ phân bón, vôi khử chua, nhưng không thể cải tạo được đất đã ô nhiễm. Một trận mưa trôi đất đá, vùi lấp, họ cũng có bồi thường hỗ trợ. Những hỗ trợ đó chỉ nhỏ lẻ khi đã xảy ra rồi, chứ cái gốc rễ ô nhiễm thì không giải quyết được. Nguồn nước ô nhiễm, không khí cũng ô nhiễm. Những bãi thải trôi xuống ảnh hưởng cả sông ngòi, sau này xã có muốn làm cá lồng cũng không được vì nước bị nhiễm hóa chất. Rừng thì mất độ che phủ, nguy cơ sạt lở rất cao”.

Nằm trên cả triệu tấn khoáng sản, mấy chục năm nay, người ta đã khoét núi Suối Bàng lấy than mang bán, nhưng cán bộ xã vẫn ngày đêm đau đáu tìm cách để Suối Bàng thoát khỏi danh sách “xã đặc biệt khó khăn”. 879 hộ với khoảng 4.000 nhân khẩu mà có đến 458 hộ nghèo, 82 hộ cận nghèo. Trưởng bản Nà Lồi - ông Mùi Văn Văn - thở dài: “Bản có 55 hộ mà 25 hộ chủ yếu dùng nước suối Ngần chảy xuống từ mỏ than để sinh hoạt, rồi suối Ngần lại đổ xuống lòng hồ Hòa Bình. Riêng Nà Lồi bị vùi lấp 4ha ruộng lúa do sạt lở từ hoạt động khai thác than. 70 hộ ở bản Bó, 57 hộ ở bản Pưa Ta và 37 hộ ở bản Suối Khẩu cũng bị ảnh hưởng”.

Sai phạm kéo dài, không ai chịu trách nhiệm

Ngày 19/9, UBND tỉnh Sơn La đã ban hành văn bản số 3248/UBND-KT yêu cầu Công ty KTB dừng hoạt động khai thác than tại mỏ than Suối Bàng II, xã Suối Bàng để khắc phục các khuyết điểm. Điều đáng nói là, những “khuyết điểm” này đã diễn ra từ nhiều năm trước.

Bat chap lenh cam, van bam nat rung de khai khoang
Nước xả thải từ các mỏ than đã nhuộm đỏ quạch đá suối, trở thành nước sinh hoạt của bà con rồi đổ thẳng xuống lòng hồ

Năm 2015, theo báo cáo số 222/BC-STNMT của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Sơn La, Công ty KTB không hoàn thiện việc nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo quy định, không thực hiện công tác bảo vệ môi trường, không khắc phục các tồn tại qua các đợt thanh tra, kiểm tra của các cơ quan quản lý nhà nước. Từ khi được UBND tỉnh Sơn La cấp giấy phép khai thác than (ngày 8/12/2010), đến khi có báo cáo số 222/BC-STNMT nói trên là 5 năm, đơn vị này luôn viện dẫn nhiều lý do để không hoàn thành các thủ tục theo quy định.

Đặc biệt, khi chúng tôi có mặt tại mỏ than, cả Công ty KTB và Công ty cổ phần Khoáng sản Sơn La đều đang khai thác lộ thiên, trong khi họ chỉ được cấp phép khai thác hầm lò. Chưa kể, dù UBND tỉnh đã ra văn bản yêu cầu dừng khai thác, Công ty KTB vẫn tiếp tục đào than. Thế nhưng, lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Sơn La vẫn khăng khăng rằng Công ty KTB đã dừng hoạt động.

Khi chúng tôi khẳng định cả phần mỏ phía trên của Công ty cổ phần Khoáng sản Sơn La lẫn phần mỏ phía dưới của Công ty KTB đều đang hoạt động, cán bộ sở mới phân bua: “Chúng tôi là cơ quan quản lý cấp tỉnh, không thể nắm bắt tình hình trong một sớm một chiều. Trong khi nội dung văn bản đã rất rõ là theo điều 18 và 81 của Luật Khoáng sản 60/2010/QH12, trách nhiệm là của cơ sở, huyện phải chỉ đạo xã. Phòng Khoáng sản có mấy anh em thì không thể đi hết được”. Khi nghe chúng tôi hỏi, qua điện thoại, Chủ tịch UBND H.Vân Hồ - ông Nguyễn Huy Anh - nói chắc nịch: “Bây giờ làm gì còn than nữa mà chuyển. Chắc là họ chuyển cái cũ thôi”.

Ông Lò Cầm Hoàng - Chủ tịch UBND xã Suối Bàng - ngán ngẩm: “Xã đã giám sát và báo cáo, nhưng quyền xử lý là của huyện, của tỉnh. Tháng nào, Sở Tài nguyên và Môi trường cũng phối hợp với xã để kiểm tra, nhiều khi sở vào thẳng mỏ, không qua xã. Quan trọng vẫn là xử lý chưa triệt để. Sai phạm của họ đã kéo dài thế, sở cứ thu hồi giấy phép, buộc họ nghỉ hẳn đi cho dân đỡ khổ”. 

Ngọc Minh Tâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI