Bão số 7 suy yếu thành áp thấp nhiệt đới gây mưa lớn tại Bắc bộ

14/10/2020 - 15:42

PNO - Chiều 14/10, theo thông tin từ Trung tâm Dự báo khí tương thủy văn Quốc gia cho biết, bão số 7 (Nangka) đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới khi tiến vào vùng biển từ Thái Bình đến Thanh Hóa. Dự báo gây mưa to tại nhiều nơi thuộc Bắc bộ.

Do ảnh hưởng của bão số 7, ở trên đất liền ven biển đã quan trắc được gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9. Ở khu vực ven biển và đồng bằng Bắc bộ đã mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến từ 40-80mm vào thời điểm 1g đến 13g ngày 14/10.

Vào hồi 13g, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 19,7 độ Vĩ Bắc; 106,4 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển ven bờ các tỉnh từ Thái Bình đến Thanh Hóa. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-60km/giờ), giật cấp 9. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 100km tính từ tâm áp thấp nhiệt đới.

Dự báo trong 12 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 10-15km, đi vào đất liền các tỉnh từ Thái Bình đến Nghệ An, sau đó suy yếu thành một vùng áp thấp.

Đường đi của bão số 7 và áp thấp nhiệt đới vừa xuất hiện trên biển Đông.
Đường đi của bão số 7 và áp thấp nhiệt đới vừa xuất hiện trên biển Đông

Đến 1g ngày 15/10, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở khoảng 19,9 độ Vĩ Bắc; 104,0 độ Kinh Đông, trên khu vực thượng Lào. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40km/giờ).

Vùng nguy hiểm trong 12 giờ tới (gió mạnh cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): Vịnh Bắc Bộ, từ vĩ tuyến 18,5 đến vĩ tuyến 21,0 độ Vĩ Bắc. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh.

Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới suy yếu từ bão số 7, ở vùng biển Vịnh Bắc Bộ (bao gồm cả huyện đảo Bạch Long Vỹ) có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9; biển động mạnh. Sóng biển cao từ 2-4m.

Trên đất liền ven biển các tỉnh Bắc bộ và Bắc Trung bộ (từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh) có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9.

Do ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới suy yếu từ bão số 7 kết hợp với không khí lạnh nên từ chiều nay đến ngày 16/10 ở khu vực đồng bằng và ven biển Bắc bộ, Hòa Bình, Nam Sơn La, Phú Thọ, Yên Bái, Thanh Hóa, Nghệ An có mưa to đến rất to với tổng lượng mưa phổ biến khoảng 150-250mm, có nơi trên 300mm; Hà Tĩnh và các nơi khác ở Bắc bộ khoảng 50-100mm. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.

Cũng do ảnh hưởng của bão, từ trưa ngày 14/10, tại khu vực huyện Nghi Sơn (Thanh Hóa) đã xuất hiện mưa to, triều cường bắt đầu dâng cao. Theo yêu cầu của chính quyền, người dân đã cho tàu thuyền vào khu vực trú tránh bão. 

Trước đó, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành công điện khẩn yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; Giám đốc các sở, ngành cấp tỉnh; Giám đốc các Công ty Khai thác công trình thủy lợi, Điện lực Thanh Hóa theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, mưa, lũ; thông tin, cảnh báo kịp thời đến chính quyền địa phương và người dân biết để chủ động triển khai các biện pháp phòng, tránh, ứng phó có hiệu quả, tránh tư tưởng chủ quan.

Tàu thuyền tại thị xã Nghi Sơn được neo đậu cẩn thận.
Tàu thuyền tại thị xã Nghi Sơn được neo đậu cẩn thận

Đồng thời kiểm tra, rà soát, chủ động sơ tán các hộ dân đang sống tại các khu vực nguy hiểm, nhất là các khu vực ven sông, suối, bãi sông, hạ lưu hồ đập, vùng trũng thấp, khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất để đảm bảo an toàn cho người và tài sản.

Riêng khu vực ven biển, cửa sông phải rà soát và chuẩn bị sẵn sàng sơ tán dân theo phương án đã lập khi có lệnh. Tổ chức kiểm tra bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập; nhất là các công trình bị sự cố, đang thi công dở dang, hồ đập xung yếu, hồ đập nhỏ đã đầy nước, có nguy cơ mất an toàn cao; bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện sẵn sàng ứng phó, xử lý khi có tình huống xảy ra.

Bên cạnh đó, rà soát phương án, sẵn sàng triển khai ứng phó, cứu hộ, cứu nạn và khắc phục kịp thời hậu quả thiên tai; đảm bảo thông tin liên lạc, chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính.

An Vũ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI