Báo Nga giật tít: Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố không làm bạn với Mỹ

17/07/2016 - 06:58

PNO - Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binaila Yildirim đã nói rằng Mỹ không phải là bạn của Thổ Nhĩ Kỳ sau khi xảy ra vụ đảo chính bất thành nhằm lật đổ chính quyền của Tổng thống Erdogan, thông tin này được tờ Sputnik của Nga đăng tải

Theo trang Sputnik của Nga, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binaila Yildirim đã nói rằng Mỹ không phải là bạn của Thổ Nhĩ Kỳ sau khi xảy ra vụ đảo chính bất thành nhằm lật đổ chính quyền của Tổng thống Erdogan.

Nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ cho hay, nhà truyền giáo - tu sỹ Fethullah Gulen là người mà chính quyền Ankara cáo buộc tổ chức cuộc đảo chính quân sự đang sống ở bang Pennsylvania, Hoa Kỳ.

Bao Nga giat tit: Tho Nhi Ky tuyen bo khong lam ban voi My
Báo Nga đưa tin Thủ tướng Thổ Nhĩ Kì tuyên bố không làm bạn với Mỹ

Thổ Nhĩ Kỳ đang tìm cách dẫn độ Fethullah Gulen nhưng Hoa Kỳ chưa có phản ứng gì về yêu cầu này.

Được biết, ông Fethullah Gulen (75 tuổi) sống lưu vong tại vùng núi Poconos ở Saylorsburg, bang Pennsylvania (Mỹ) từ năm 1999 và bị buộc tội phản quốc, sau khi rời bỏ Thổ Nhĩ Kỹ giữa lúc bị cáo buộc có các hoạt động Hồi giáo cực đoan dù trước đó từng là đồng minh của ông Erdogan.

Gulen là người đứng đầu phong trào tôn giáo và xã hội xuyên quốc gia mang tên ông. Phong trào này được cho là đã lan rộng tới nhiều quốc gia trên thế giới, với nguồn kinh phí hoạt động lên tới một tỷ USD.

Theo AFP, ông Gulen là kẻ thù chính trị lớn nhất của Tổng thống Erdogan, dù từng là đồng minh của Tổng thống Erdogan, hỗ trợ ông ngồi vào ghế thủ tướng, sau đó là tổng thống. Ông Erdogan từng ngầm thỏa thuận với Gulen để phong trào này hoạt động ở Thổ Nhĩ Kỳ, đổi lại Gulen sẽ sử dụng tiếng tăm, nguồn lực của mình hậu thuẫn cho ông Erdogan trên con đường chính trị.

Bao Nga giat tit: Tho Nhi Ky tuyen bo khong lam ban voi My
Giáo sĩ Fethullah Gulen, người được cho là đứng sau cuộc đảo chính ở Thổ Nhĩ Kì

Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đóng cửa nhiều trường học thuộc Hizmet và sa thải 2.000 cảnh sát ủng hộ giáo sĩ Gulen. Ông Erdogan còn thông báo kế hoạch cho phép chính phủ giám sát chặt chẽ hơn đối với các thẩm phán chịu sự ảnh hưởng của ông Gulen.

Khoảng 1.800 người có liên quan đến ông Gulen đã bị bắt trong chiến dịch đàn áp hai năm qua, trong đó có 750 sĩ quan cảnh sát, 80 binh sĩ. 280 người trong số này vẫn đang phải ngồi tù.

Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ còn huỷ hộ chiếu của ông Gulen vì những mối thù với Tổng thống Erdogan. Ông Erdogan và đảng AK cầm quyền còn cáo buộc ông Gulen cố thành lập một nhà nước tại Thổ Nhĩ Kỳ và kêu gọi dẫn độ giáo sĩ này về từ Mỹ.

Hồi tháng 10/2015, các công tố viên Thổ Nhĩ Kỳ đề nghị toà tối cao ra phán quyết tù chung thân đối với ông Gulen. Ông Erdogan hồi tháng 5 còn thông báo đưa phong trào của ông Gulen vào danh sách khủng bố, theo hãng thông tấn Anadolu.

Cuộc đảo chính do một nhóm binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành tối 15/7 ở thủ đô Ankara và thành phố lớn nhất Istanbul nổ ra bất ngờ, nhưng đã nhanh chóng thất bại.

Hãng tin nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ Anadolu cho rằng, lãnh đạo chủ chốt trong cuộc đảo chính bất thành này là Đại tá Muharrem Kose, mới bị sa thải hồi tháng 3 với cáo buộc cấu kết với phần tử của phong trào của Giáo sĩ Fethullah Gulen chống chính phủ.

Tổng thống Erdogan cũng nói rằng, cuộc đảo chính cho thấy phong trào Gulen là một tổ chức khủng bố có vũ trang, và cáo buộc nhóm đảo chính nhận lệnh từ Fethulla Gulen, giáo sĩ dẫn đầu phong trào Gulen.

Trong một tuyên bố, sau khi tuyên bố chính quyền Ankara đã hoàn toàn kiểm soát tình hình sau vụ đảo chính từ tối ngày 15/7 kéo dài sang ngày 16/7, Thủ tướng Binaila Yildirim cho biết sẽ điều tra mọi khía cạnh của vụ đảo chính và xem xét khả năng có xảy ra đánh giá sai lầm trong hoạt động của hệ thống tình báo hay không.

Thủ tướng Binaila Yildirim nhấn mạnh trong số 2.839 thành viên trong quân đội Thổ Nhĩ Kỳ bị bắt vì liên quan tới vụ đảo chính có cả các sỹ quan cấp cao.

Ông Binaila Yildirim còn cho hay những kẻ là trụ cột của vụ đảo chính còn sống đều đã bị bắt giam chờ điều tra, luận tội.

Khi nói tới giáo sỹ Fethullah Gulen, Thủ tướng Yildirim tuyên bố bất cứ nước nào ủng hộ vị giáo sỹ Hồi giáo này sẽ không phải là bạn của Thổ Nhĩ Kỳ (ám chỉ Mỹ) đồng thời sẽ bị coi là có chiến tranh với quốc gia thành viên NATO này.

Ankara cũng cáo buộc giáo sỹ Gulen đang tìm cách xây dựng một "cấu trúc song song" trong hệ thống tư pháp, giáo dục, truyền thông và quân đội như một cách nhằm lật đổ đất nước.

Tuy nhiên, ông Gulen đã lên án mạnh mẽ vụ đảo chính và phủ nhận những cáo buộc dính líu đến âm mưu này.

Tiêu Giao (Tổng hợp)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI