Bao lâu rồi ta chưa ôm nhau?

23/04/2021 - 12:35

PNO - Cái ôm chữa lành những thương tổn, truyền thêm cho con người sức mạnh và hy vọng theo một cách nồng ấm nhất, trực tiếp nhất.

Giữa hàng tỷ tấm hình được chụp mỗi ngày trong kỷ nguyên của hình ảnh này, người ta thấy xúc động đến kỳ lạ khi giải Ảnh Báo chí thế giới của năm vinh danh nhiếp ảnh gia Đan Mạch Mads Nissen với tấm ảnh chụp bà cụ nhỏ bé ôm lấy một y tá trong viện dưỡng lão. Cái ôm thật chặt của hai phụ nữ, bất chấp giữa hai người là tấm ni-lông ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm COVID-19. Ngắm ảnh, thấy hình như cũng vì cái ôm ấy mà tấm ni-lông đã chùng lại, gập lại, những nếp gấp mềm mại bao quanh vòng ôm của bà cụ, như cũng mềm đi vì hơi ấm của con người.

Tuy nhiên, sự kỳ lạ của tấm ảnh không phải vì cái ôm, mà vì trong bối cảnh cả thế giới đang bị giấu mặt sau những chiếc khẩu trang, phải giãn cách xã hội, tất cả những hành động tiếp xúc gần gũi đều bị hạn chế, đến như cái bắt tay cũng không còn hợp thời.

Giữa việc giãn cách để tồn tại, và cái ôm, có chút nghịch lý. Nôm na có thể nói trong bối cảnh này, ôm là rủi ro, nguy cơ lây nhiễm, cái ôm có thể là cái chết. Tấm ảnh đã gửi một thông điệp: khao khát được ôm một người đã mạnh hơn, đã vượt qua nỗi sợ chết. Dù có đối mặt với cái chết, con người vẫn muốn được ôm.

Cái ôm ở đây như một hành động sống, cùng với vóc dáng nhỏ bé, mái tóc bạc của một cụ bà đã gần cạn kiệt thời gian, tất cả gợi nên cảm giác khao khát về một cuộc sống thật sự, một cuộc sống có hơi ấm của đồng loại, cuộc sống mà có lẽ người ta đã nhận chân được ý nghĩa của nó sau khoảng thời gian cách ly.

Cảm xúc đã mạnh hơn lý trí. Nó nhắc nhở con người rằng ở đâu và lúc nào, chúng ta cũng vẫn cần những cái ôm. Không cần ngôn ngữ, không cần diễn đạt cầu kỳ, không cần chuẩn bị phụ kiện gì rắc rối, chính bản thân cái ôm đã là ngôn ngữ, đã là cách diễn đạt tuyệt vời, đã là phương tiện mà ai cũng có để nói lên tình cảm, sự gắn bó, chia sẻ an ủi và nguồn năng lượng tinh thần lớn lao.

Cái ôm chữa lành những thương tổn, truyền thêm cho con người sức mạnh và hy vọng theo một cách nồng ấm nhất, trực tiếp nhất.

Khi ôm ai đó, một phản ứng tự nhiên của cơ thể khiến mình thường hay nhắm mắt lại. Có thể bản thân chúng ta không để ý đến điều này, nhưng đó là khoảnh khắc thực sự chúng ta chìm vào một tiểu vũ trụ riêng biệt. Nhắm mắt cũng là để nhìn tận vào bên trong mình, ngay cả khi bạn không chủ ý tìm kiếm một điều gì cả, cái nhìn ấy cũng sẽ khiến bạn bình yên hơn. Trong một cái ôm thật sự, có cả cho và nhận, có san sẻ gắn kết với ai đó và có cả sự trở về với chính bản ngã của mình.

Đã bao lâu rồi chúng ta chưa ôm nhau? Người Việt nói riêng, và phương Đông nói chung, thường hay tiết chế tình cảm, ngại phô bày những cảm xúc riêng tư một cách quá lộ liễu, quá nồng nhiệt. Quán tính ấy là một phần, nhưng cũng có khi sự thiếu vắng những cái ôm còn do sự lười biếng.

Con người ngày càng sở hữu nhiều hình thức giao tiếp phong phú hơn, đến nỗi cái ôm thành một sự xa xỉ bị quên lãng. Đôi khi chúng ta ở rất gần nhau nhưng không thể hoặc không hề chạm vào nhau. Đôi khi chúng ta cận kề nhau nhưng tâm trí xa nhau hàng vạn dặm. Chúng ta quan tâm đến những kết nối xa vời trong thế giới ảo, mà không quan tâm tới ấm lạnh của người bên cạnh mình. Cứ nghĩ gần bên mà, có gì đâu mà vội, cứ từ từ… Cho đến khi buộc phải xa nhau, buộc phải giữ khoảng cách, con người mới thấy khao khát được gặp nhau, được choàng tay ôm lấy nhau bằng tất cả tình cảm.

Nhớ một câu của J.Quest: “Nơi tuyệt vời nhất trên thế giới là bên trong vòng tay ôm lấy bạn”. Nhớ rằng, chúng ta đều đã được ôm từ lúc mới chào đời, hay thực ra, chúng ta lớn lên từ những ẵm bồng, ôm ấp ấy. Trả lại cho người yêu thương quanh mình một cái ôm có lẽ không phải là một đòi hỏi quá nhiều.

Tấm ảnh “chiếc ôm đầu tiên” nhắc chúng ta điều đó: đã bao lâu rồi chúng ta chưa ôm nhau? 

Hoàng Mai

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI