Bánh tráng trộn: tưởng vô hại mà hại không tưởng

29/11/2020 - 06:41

PNO - Bánh tráng trộn - món ăn vặt khoái khẩu của rất nhiều người, đặc biệt là các bạn trẻ, nhưng sau vụ việc 6 học sinh tại Đà Nẵng nhập viện nghi bị ngộ độc do món ăn này, không ít người phải giật mình.

 

Bánh tráng trộn: Tưởng vô hại nhưng hại không tưởng

 Tại TPHCM, loại bánh này hiện đang bán đầy rẫy trước các cổng trường, vẫn thu hút nhiều em học sinh và sinh viên mặc cho nguồn gốc nguyên liệu trộn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ngộ độc.

Bánh tráng “ướp” mồ hôi tay, bụi đường, vi khuẩn...

Theo ghi nhận của chúng tôi, hầu hết các con đường, hẻm, trước cổng các trường học trên địa bàn TPHCM đều có nhiều điểm bán bánh tráng trộn. Do bán tại các gánh hàng rong, xe đẩy nên phần lớn gia vị như muối tôm, sa tế, nước sốt bò, sốt mayonnaise; các nguyên liệu như rau răm, xoài, khô bò, ruốc sấy… đều không được che chắn kỹ lưỡng.

Người bán bánh tráng trộn tay không bốc nguyên liệu, bào xoài, cắt rau răm,... rồi vô tư cầm, nắm tiền cho khách. Ảnh: Quốc Thái
Người bán bánh tráng trộn tay không bốc nguyên liệu, bào xoài, cắt rau răm... rồi vô tư cầm, nắm tiền cho khách. Ảnh: Quốc Thái

Kế bên trường tiểu học, THCS Lam Sơn (Bùi Hữu Nghĩa, Q. Bình Thạnh) có đến 3 điểm bán bánh tráng trộn. Tại một điểm bán, chúng tôi thấy người bán đang ngồi bệt dưới đất để trộn bánh tráng cho khách. Tất cả gia vị, nguyên liệu trộn bánh tráng chỉ đựng trong các hũ nhựa cũ kỹ, cáu bẩn, phơi lộ thiên giữa trời nắng nóng, thu hút nhiều ruồi nhặng.

Đang dùng tay trần bào vội mớ xoài, lặt mớ rau răm, thấy có học sinh đến mua, người bán vội vàng chùi tay vào áo, dùng đôi găng tay nilon đã nhuốm vàng khè sa tế (đôi găng tay này đã dùng trộn bánh tráng cho hàng trăm học sinh trước đó – PV) hốt bánh tráng, các loại gia vị và bắt đầu trộn. Tùy theo nhu cầu học sinh, ăn bánh tráng trộn với muối không hoặc cho khô bò nhiều hay ít mà giá từ 10.000 – 30.000 đồng/bịch.

Nhộn nhịp nhất là trước cổng trường Đại học Ngoại Ngữ TPHCM (đường Sư Vạn Hạnh, Q.10) với hàng chục điểm bán bánh tráng trộn. Để thu hút sinh viên, các điểm còn bán cả bánh tráng cuốn, bánh tráng nướng, tất cả đều chế biến lộ thiên ngoài trời, tẩm không biết bao nhiêu khói xe ngoài đường. Chúng tôi bắt gặp không ít hình ảnh dùng đôi tay trần để lột trứng, cuốn bánh tráng (người bán cho rằng dễ cuốn – PV) rồi cầm tiền thối cho sinh viên, tiếp đến lại dùng đôi tay này cuốn phần bánh cho người khác, trong khi tiền là nơi ẩn náu của nhiều loại vi khuẩn vi rút độc hại mà mắt thường không thể nhìn thấy được.

Trước cổng trường THCS Minh Đức (Nguyễn Thái Học, Q.1) cũng có hàng chục xe và gánh hàng rong bán bánh tráng trộn, xoài lắc túc trực. Do lượng học sinh ùa ra mỗi khi tan học khá đông nên các gánh này luôn chuẩn bị nguyên liệu trộn bánh tráng từ trước và khá nhiều. Không ít rổ xoài bào sẵn được chất đống dưới gầm xe và không biết bao nhiêu bụi bẩn đã bám vào đây.

Nhiều gánh bánh tráng trộn, bánh tráng nướng xuất hiện gần khu vực trường THCS, THPT trên địa bàn TPHCM. Ảnh: Thanh Hoa
Nhiều gánh bánh tráng trộn, bánh tráng nướng xuất hiện gần khu vực trường THCS, THPT trên địa bàn TPHCM. Ảnh: Thanh Hoa

Tại một số trường học khác như THPT Nguyễn Thị Minh Khai, THPT Nguyễn Thị Diệu (Q.3)… trước đây không ít điểm bán bánh tráng trộn túc trực ngay trước cổng trường, nhưng trong ngày 25/11, chúng tôi không thấy các gánh hàng này xuất hiện nữa hoặc có thì cũng đứng một khoảng xa cổng trường. Hỏi ra thì được biết họ bị giáo viên trong trường nhắc nhở nên tạm thời đứng bán ở chỗ khác, song học sinh vẫn tìm đến để mua.

Không chỉ quy trình chế biến bánh tráng tiềm ẩn nguy cơ gây ngộ độc mà nguồn gốc nguyên liệu, gia vị trộn bánh tráng cũng rất đáng lo. Các loại khô bò, ruốc sấy đều có màu sắc đỏ lòe loẹt không tự nhiên, đựng trong bao nilon loại 5-10 ký, không hề có nhãn mác; nước sốt mayonnaise hoặc sốt bò đựng trong các can nhựa loại 5-10 lít đã nhuốm màu cáu bẩn. Đa phần người bán đều cho rằng tất cả đều mua ngoài chợ đầu mối hoặc trên “chợ” mạng.

Nhập nhèm nguyên liệu trộn

Tại chợ An Đông (Q.5) và chợ Bình Tây (Q.6), nguyên liệu và gia vị làm bánh tráng trộn được bán rất nhiều với giá khá rẻ. Chẳng hạn, khô bò sợi xé sẵn chỉ có giá 190.000 – 310.000 đồng/ký, sốt mayonnaise thùng giá 165.000 đồng/thùng 3 ký; ruốc sấy 38.000 đồng/ký; nước sốt bò giá 44.000 đồng/ký, hành sấy giá 59.000 đồng/ký, muối giá 53.000 đồng/ký… Các tiểu thương cho rằng tất cả đều là hàng trong nước.

Đa số các người bán cho hay, nguồn nguyên liệu làm bánh tráng, gia vị họ đều mua ngoài chợ nên tiềm ẩn rất nhiều rủi ro về mất vệ sinh an toàn thực phẩm. Ảnh: Thanh Hoa
Đa số các người bán cho hay, nguồn nguyên liệu làm bánh tráng, gia vị họ đều mua ngoài chợ nên tiềm ẩn rất nhiều rủi ro về mất vệ sinh an toàn thực phẩm. Ảnh: Thanh Hoa

Song thực tế, khi so các giá thành để làm ra các nguyên liệu trên, không một ai rõ vì sao lại có giá rẻ như vậy. Chẳng hạn, thịt bò tươi tại chợ đang có giá 270.000 – 280.000 đồng/ký, khoảng 2-3 ký bò tươi mới làm ra được 1 ký thịt bò khô; hay như hành tươi thời điểm rẻ nhất có giá 40.000 – 50.000 đồng/ký, ảnh hưởng mưa bão thì có giá 70.000 – 80.000 đồng/ký, khoảng 3 ký hành tươi mới làm ra được 1 ký hành phi, đó là chưa kể tiền dầu ăn; còn ruốc khô được làm từ tép trấu tươi, có giá cũng trên 100.000 đồng ký, để ra một ký ruốc khô phải từ 5-7 ký tép trấu tươi. 

Chủ sạp thịt bò Thanh Thảo (tại chợ Bà Hoa, Q.Tân Bình) cho biết, khô bò giá rẻ thường là hàng thùng nhập từ Trung Quốc có giá chỉ khoảng 130.000 đồng/ký. Các loại ruốc, hành phi, sốt mayonnaise phải nhập từ Trung Quốc về thì mới có giá rẻ. Nếu nhập chính ngạch thì không đáng bàn, nhưng nếu hàng nhập lập thì rất khó kiểm soát về chất lượng. Nhiều điểm bán hàng trên “chợ” mạng cũng khẳng định, các loại khô bò dùng trộn bánh tráng phần lớn nhập từ Trung Quốc, mua loại khô bò giá rẻ này thì bán mới có lời.

Ban ATTP TPHCM cho hay, trách nhiệm chính trong việc quản lý các gánh hàng rong, hàng quán vỉa hè thuộc về địa phương.
Ban Quản lý ATTP TPHCM cho hay, trách nhiệm chính trong việc quản lý các gánh hàng rong, hàng quán vỉa hè thuộc về địa phương. Ảnh: Quốc Thái

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề quản lý hàng rong trong đó có các gánh bán bánh tráng trộn, bà Phạm Khánh Phong Lan – Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm TPHCM cho hay, thức ăn đường phố, hàng rong cũng như hàng quán, là những loại thức ăn nhanh, thuộc trách nhiệm quản lý của UBND phường, xã, thị trấn sở tại. Ngoài việc tuyên truyền, hướng dẫn, chính quyền các địa phương phải thường xuyên kiểm tra, nếu phát hiện hàng rong vi phạm an toàn thực phẩm phải lập tức xử lý.

Cũng theo đại diện Ban An toàn thực phẩm, thời gian qua, một số quận huyện trên địa bàn Thành phố đã kiểm tra, giải tỏa các điểm bán đồ ăn vặt ở các cổng trường. Tuy nhiên, một số vẫn bán hàng theo hình thức “du kích”. Tại nhiều trường học, cứ gần giờ ra chơi hoặc giờ tan học khoảng 30 phút là những chiếc xe bán hàng lưu động với đầy các đồ ăn lại xuất hiện. Những cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ, nhận thức pháp luật còn kém nên xử phạt cũng rất khó. Do đó, việc kiểm tra, phát hiện sai phạm chủ yếu dừng lại ở nhắc nhở.

Quốc Thái – Thanh Hoa

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • 2 lua 30-11-2020 10:04:42

    Nói chung, tất cả hàng hoá ngoài phố khó có thể vượt qua tiêu chuẩn ATTP. Từ khâu nguồn gốc đến chế biến hay giữ gìn vệ sinh. Khi ăn ngoài phố mình phải chấp nhận thôi.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI