Bánh chưng rán tí tách gọi tên

27/01/2018 - 07:00

PNO - Khi biết rõ rằng mọi cung bậc cảm xúc chỉ đến từ một thức quà quê, người ta có được quyền rưng rưng nhớ nhà, nhớ tết nữa hay không.

Hà Nội những ngày cận tết thường là những ngày lạnh nhất. Một nền nhiệt độ luôn ở lưng chừng thấp và thấp hơn - có thể đốn ngã bất cứ ai không quen với cái thời tiết khắc nghiệt mà ai đó đã ví hệt một bà góa cô độc.

Như tôi của những năm tháng ẩm ướt đó. Lao ra Hà Nội từ một trời nắng vàng ươm Sài thành, tôi mang theo mình rất nhiều hăm hở với hàng trăm dự tính về một chặng đời mới. Những công việc phải làm, những con người phải gặp, những nơi phải đến và những món ăn nhất định phải nếm qua. 

Banh chung ran ti tach goi ten
 

Chỉ có giá rét - thứ vốn đã được lường trước với rất nhiều chuẩn bị trong tư thế sẵn sàng, là đủ khả năng đánh bật mọi háo hức. Vào một buổi chiều nặng trĩu hơi nước, tôi lặng lẽ nhìn người đi đường ôm những nhánh đào nhuộm hồng con phố. Khi bóng hồng mờ dần cùng những vòng xe rất vội, tôi lại lặng lẽ ngắm hoàng hôn trở về màu xám chì buồn bã, nghe nỗi nhớ nắng vàng dậy lên da diết. Tết về sát ngõ rồi. Không biết giờ này má đã gói bánh tét chưa. Nghĩ tới đó tôi đã thấy mắt mình nhòe đi.

Thật may chiều hôm ấy, tôi gặp được người phụ nữ ngồi rán mải miết một mâm bánh chưng ở chợ Đồng Xuân. Tò mò vì sự đông đúc một cách khác lạ ở góc chợ, tôi rảo bước nhanh hơn đến chỗ đặt bếp than đỏ hồng trước số nhà 26 Cầu Đông. Người phụ nữ ngồi sau mâm bánh chưng rán đang reo tí tách với đám mỡ dầu, tay thoăn thoắt lật trở những chiếc bánh đã vàng ươm kín mặt. Hạt nếp dẻo mềm trước đó giờ đã giòn tan, đủ vững chãi bọc xung quanh lớp nhân đậu xanh bùi bùi, thịt mỡ beo béo bên trong.

Để đạt đến độ đủ giòn, đủ cứng cáp, đủ bảo vệ đám nhân yếu mềm thơm tho không bị bục ra ngoài, bàn tay người rán bánh không được phép sơ sẩy một phút giây nào. Lật sớm thì bánh không giòn, trễ hơn thì cháy quá lửa. Chỉ có thể ở một thời điểm gần như được lập trình bởi máy tính. Ơ, hóa ra, bàn tay chị đang làm công việc của một chiếc máy tính mà chị không hề hay biết.

Bánh chưng rán giòn tan ăn kèm dưa góp, củ kiệu luôn là món ăn vét tủ lạnh ở nhà tôi sau mỗi dịp tết. Vị ngon nhức nhối của nó đủ đánh bại mọi cảm giác ngấy gạo nếp, thịt mỡ của những ngày ăn tết phủ phê. Còn lúc này, khi tết vẫn chưa thực sự ùa vào nhà, mà người Hà thành đã được chiêu đãi một món ăn chống ngấy quanh năm. Cảm giác này đối với một cô gái miền Nam chỉ dám ăn bánh chưng miền Bắc một cách rón rén vào những ngày tết ngắn ngủi như tôi, có vẻ là hơi xa xỉ một chút. Vì vậy, mà tôi thấy mình bỗng dưng giàu có, chỉ trong một buổi chiều rặt những năng lượng tiêu cực. 

Đó là lần đầu tiên trong đời tôi ăn hết veo một cái bánh chưng rán. Lẽ dĩ nhiên cũng vì nó chỉ bé bằng lòng bàn tay người trưởng thành. Và cũng bởi vì những dưa góp, củ kiệu, thịt xiên nướng, chả cốm, xúc xích, lạp xưởng... ăn kèm phong phú của chị bán hàng, quá ư là... đưa đẩy, mời gọi. Tôi thò bàn tay lạnh giá của mình bốc một miếng bánh to. Cái lạnh của tiết trời dường như tan biến đâu đó giữa những giòn rụm nóng hổi trong vòm miệng. Phải thưởng thức bánh chưng rán bỏng môi này, trong thời tiết khắc nghiệt này, giữa lúc cô độc nhất này, người ta mới nhận ra được cảm giác vỗ về ủ ấm không phải tự dưng mà có. Và khi biết rõ rằng mọi cung bậc cảm xúc chỉ đến từ một thức quà quê, người ta có được quyền rưng rưng nhớ nhà, nhớ tết nữa hay không... 

Hạnh Di

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI