Bác sĩ thiếu thuốc chữa bệnh vì giám đốc xin nghỉ!

02/07/2020 - 06:02

PNO - Bệnh viện An Bình (TP.HCM) bị thiếu hụt nhiều loại thuốc điều trị tiểu đường, tim mạch, tiêu hóa… trong thời gian dài, khiến người bệnh khó khăn trong khám chữa bệnh. Giải thích lý do này, nhiều bác sĩ cho rằng do giám đốc xin nghỉ.

“Nghèo mới mua bảo hiểm y tế, sao giờ không có thuốc?”

Phản ánh đến Báo Phụ nữ TP.HCM, bà N.T.Q.A. (54 tuổi, ở Q.5, TP.HCM) bức xúc, bà bị đau tim kèm cao huyết áp và có đăng ký khám bảo hiểm y tế (BHYT) ban đầu tại Bệnh viện (BV) An Bình (Q.5, TP.HCM) nhưng sau nhiều tuần tái khám đều không có thuốc cao huyết áp Amlodipine 5mg. “Bác sĩ khuyên tôi ngày nào cũng phải uống thuốc điều trị cao huyết áp và phải uống đúng giờ… nhưng lại giải thích BV hết thuốc. Sợ tôi không mua thuốc, bác sĩ gọi con gái tôi vào giải thích và mong thông cảm”, bà A. chia sẻ.

Chị Nguyễn Thị Bảo T. cho biết, nhiều tháng nay bác sĩ kê đơn nhưng chị vẫn tự bỏ tiền túi ra mua thuốc SaVi Mesalazine 500mg
Chị Nguyễn Thị Bảo T. cho biết, nhiều tháng nay bác sĩ kê đơn nhưng chị vẫn tự bỏ tiền túi ra mua thuốc SaVi Mesalazine 500mg

Ngày 23/6, chúng tôi có mặt tại khu phát thuốc BV An Bình. Cầm toa thuốc trên tay, chị Nguyễn Thị Bảo T. (Q.8, TP.HCM) ngồi thẩn thờ vì chỉ nhận được ba loại thuốc, riêng loại thuốc đắt tiền BV đã hết. Chị T. kể, chị điều trị viêm loét trực tràng chảy máu mạn tính, bị trĩ độ 1 cùng với bệnh bướu cổ tại BV An Bình hơn một năm nay. 

Sau khi nội soi trực tràng toàn bộ và làm sinh thiết, bác sĩ kê toa cho chị ba loại gồm: 28 viên thuốc chống viêm đường tiêu hóa SaVi Mesalazine 500mg, 28 gói thuốc nhuận tràng thẩm thấu ở ruột sorbitol 5g và 28 ống Domuvar để điều trị, phòng ngừa rối loạn hệ vi sinh vật đường ruột. Mỗi khi tái khám, chị nhận đủ các loại thuốc này, trừ thuốc SaVi Mesalazine 500mg.

“Từ khi dịch COVID-19 xuất hiện đến nay, lần nào BV cũng nói hết thuốc, khuyên tôi ra ngoài mua. Trước đây, bác sĩ kê cho tôi mỗi ngày uống 1 viên SaVi Mesalazine 500mg, giá dao động 7.500-8.500 đồng/viên thì tôi còn chịu được. Nhưng sau đó tái khám, bệnh không giảm nên tăng liều lên ngày ba viên, giờ tăng lên sáu viên thì tôi đâu có tiền. 

Tôi đi làm thuê, từ rửa chén cho quán cơm, bưng hủ tíu… nên 90 viên thuốc này phải mua hơn 700.000 đồng là quá khả năng. Tôi nghèo mới mua BHYT, sao giờ không có thuốc?”, chị T. nói. Cô điều dưỡng ở phòng chị T. vừa khám cho hay: “Số thẻ BHYT của chị T. có ghi rõ là đối tượng mua theo hộ gia đình - những người này thường không có công việc ổn định nên gặp khó khăn khi khám chữa bệnh. Lúc khám xong, chị T. cứ ngồi ì ra giằng co với bác sĩ là sao lần nào cũng không có thuốc”.

Tương tự, cầm thẻ BHYT đối tượng mua theo hộ gia đình, chị Trần Thị Ngọc H. cũng cho biết, được bác sĩ kê ba loại thuốc điều trị viêm dạ dày gồm: Esomeprazole 40mg điều trị tình trạng tăng a-xít dạ dày, thuốc chống nôn Domperidon và men vi sinh, nhưng chị chỉ nhận được mỗi men vi sinh. Cô y tá giải thích, BV hết thuốc Esomeprazole, riêng thuốc Domperidon chỉ còn 200 viên nhưng dành cho bệnh nhân nội trú.

Thuốc có nhưng nhỏ giọt

Bệnh nhân chờ nhận thuốc tại Bệnh viện An Bình
Bệnh nhân chờ nhận thuốc tại Bệnh viện An Bình


Trao đổi với Báo Phụ nữ TP.HCM, bác sĩ Vũ Minh Đức, Phó giám đốc Bệnh viện An Bình, cho hay, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc thiếu thuốc cho bệnh nhân đến khám, trong đó có việc giám đốc BV xin nghỉ đột ngột nên BV rơi vào chậm thanh toán cho các công ty dược.

Cụ thể, bác sĩ Bùi Mạnh Côn, Giám đốc BV An Bình nộp đơn xin nghỉ từ ngày 10/4/2020. Bốn ngày sau, Sở Y tế TP.HCM có quyết định cho bác sĩ Vũ Minh Đức được điều hành BV nhưng trừ hạng mục chi. Điều này khiến việc mua thuốc cung ứng cho BV gặp khó khăn. Sau đó, BV An Bình kiến nghị Sở Y tế được thực chi để có thể giao dịch với cả trăm công ty dược, trang thiết bị y tế, hóa chất… phục vụ bệnh nhân. 

“Đến ngày 11/5, Sở Y tế cho phép BV An Bình được thực chi. Lúc đó, BV mới gửi văn bản cho các công ty danh mục thuốc cần phải mua. Nhưng các công ty yêu cầu phải làm lại giấy tờ để bổ sung phụ lục hợp đồng vì trước đó bác sĩ Côn là người đại diện BV ký giấy tờ này. Sau đó, BV mất thêm 15-20 ngày làm giấy tờ gửi kho bạc để trả tiền cho các công ty… 

Một số vấn đề khác tiếp tục phát sinh như một số công ty dược sai phụ lục, sai hóa đơn phải làm lại. Dù vậy, họ cũng không giao hàng hoặc giao hàng nhỏ giọt, nên không thể đổ hết cho BV. Tóm lại, có nhiều nguyên nhân dẫn đến thiếu thuốc, chủ yếu bắt nguồn từ việc ở thế thụ động chậm thanh toán nên các công ty không cung ứng thuốc”, bác sĩ Đức chia sẻ.

Ông Phan Văn Mến, Giám đốc Bảo hiểm xã hội TP.HCM, cho rằng: người dân đã tin tưởng và tham gia BHYT thì BV phải có trách nhiệm đảm bảo đầy đủ thuốc trong danh mục thanh toán BHYT để phục vụ người bệnh. Nếu BV để xảy ra thiếu thuốc thì cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ đề nghị BV có trách nhiệm trả lại tiền cho bệnh nhân.

Theo bác sĩ Đức, hiện các công ty dược đã cung cấp thuốc lại cho BV khoảng 90%, đặc biệt là các loại thiết yếu và BV sẽ làm việc với những bệnh nhân ra ngoài mua thuốc để đảm bảo quyền lợi cho họ. 

Văn Thanh

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(2)
  • HTQ 02-07-2020 22:54:38

    Lần trước đã có bài báo rất nhiều BS nghỉ việc,nay đến BS giám đốc nghỉ luôn, vậy ai sẽ là đầu tàu cho BV đây

  • N.P 02-07-2020 22:49:10

    Là 1 BN lâu năm của BV An Bình, tôi thật sự rất xót xa vì phải thấy cảnh BS "rát cổ họng" mong BN thông cảm, xoa dịu BN vì không có thuốc để cung ứng cho BN. Mong các cấp xem xét để BN được hưởng lợi ích từ BHYT

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI