Áo dài theo bước nam nhi

11/09/2020 - 10:24

PNO - Nhìn các anh duyên dáng, chị em chúng tôi cũng vui thầm, nhưng không muốn nó trở thành quy định cứng nhắc.

Thành Thái (1879-1954) được xem là vị vua nhà Nguyễn đầu tiên mạnh dạn cắt tóc ngắn, mặc Âu phục, học cả lái ca-nô và xe hơi, đi vi hành thì cho dân chúng nhìn thấy rõ mặt chứ không đến mức nghĩ là con trời nên cứ cao cao tại thượng chẳng gần gũi muôn dân.

Quãng thời gian trị vì của vua Thành Thái (1889-1907) nhìn chung cũng nhạt nhòa, nhưng lại nằm gọn trong thời điểm người Pháp đang triển khai các kế hoạch táo bạo xây dựng xã hội thuộc địa, nên những gì văn minh, mới mẻ, tân tiến đã đi thẳng vào cung đình chứ không còn lảng vảng bên ngoài.

Vị vua trong cung như muốn làm mẫu cho thiên hạ, nhất là cánh đàn ông lề mề, bảo thủ ôm chặt các quy tắc hành xử mang đậm phong thái nhà nho, để quen dần với bước chuyển lớn lao của thời đại. Cắt tóc, mặc Âu phục, chuyện tưởng là “nhỏ như muỗi”, nhưng đúng như ký giả Phan Khôi từng thảng thốt, “gây ra sự cải cách ấy cho thành được phong tục, cũng khó khăn lắm, khốn đốn lắm”.

Công chức ngành văn hóa xứ Huế sẽ mặc áo dài khăn xếp (ảnh: internet)
Công chức ngành văn hóa xứ Huế sẽ mặc áo dài, khăn xếp mỗi tháng một lần (ảnh: internet)

Nếu không có chuyện cắt tóc, đổi trang phục sang phong cách Âu, đàn ông Việt có lẽ sẽ chịu rất nhiều điểm trừ trong mắt chị em hôm nay. Cứ lật giở tài liệu văn bản hay hàng ngàn bức ảnh về Đông Dương cuối thế kỷ XIX đầu XX thì mới thấy quý ông Việt, từ thường dân cho đến chức sắc quan lại, đều khá hom hem, nhếch nhác. Thân hình thấp nhỏ và gầy thường xuyên dính bệt trong mớ áo dài khăn xếp tối màu, lại thêm búi tóc ngất ngưởng, râu ria lơ thơ và bộ móng tay dài phụ họa, tất cả, đều không đủ bộc lộ khí chất nam nhi cường tráng nếu chiếu theo mỹ từ của quảng cáo nam dược bây giờ.

Phan Khôi còn cho biết, từ Huế đổ vô, đàn bà cũng búi tóc và quần áo thì không khác đàn ông là mấy, nên nhiều lúc xem sau lưng, “đàn bà đàn ông có thể lẫn lộn được”. Tình trạng khó phân biệt liền anh hay liền chị ấy, có thể nói, làm các nhà nho duy tân bực mình, rồi thành cổ động cho sự thay đổi dáng vẻ bề ngoài, ít nhất là để tạo ra khác biệt về giới. Họ muốn bỏ cái dại, cái hèn lưu cữu trong thể chất và đầu óc, để có thể khôn và mạnh “ở với ông Tây”. 

Ngoại trừ chuyện ăn uống thì có lẽ, các cuộc cách mạng trang phục quần áo chưa bao giờ là mối bận tâm hàng đầu của đời sống xã hội Việt truyền thống. Trang phục trong dân gian dành cho thường dân, từ Lý - Trần trở về sau, cơ bản không thay đổi, loanh quanh vài kiểu quần áo đơn nhất, như áo giao lĩnh, áo tứ thân, đàn bà thì váy, yếm, còn đàn ông lao động và lính tráng thì đa phần cởi trần đóng khố.

Dạng áo the, khăn xếp mặc định cho nam giới như hôm nay chúng ta thích thú, xuất phát từ dạng áo cổ đứng cài khuy từ thế kỷ XVIII, còn trước đó, vẫn là áo giao lĩnh tràng vạt (cổ áo vắt chéo). Chỉ đến thời Minh Mạng, quý ngài có nhiều thê thiếp bậc nhất triều Nguyễn, mới ban lệnh loại bỏ áo tứ thân, váy đụp, khăn vuông, khố và bắt buộc nam nữ đều mặc áo dài năm thân cài khuy. Tuy vậy, dân chúng ở nơi thôn dã nghèo khó, cái ăn không đủ, lấy đâu mặc đúng, nên vẫn tiếp tục cởi trần đóng khố, không ngần ngại “show hàng” trước mưa gió nhiệt đới khắc nghiệt.

Rất có thể, sau Khải Định một trăm năm, các quý anh công chức ngành văn hóa xứ Huế sẽ gây một sự hiếu kỳ, bình luận rôm rả không kém khi họ thực hiện ý tưởng mặc áo dài, khăn xếp mỗi tháng một lần.

Khác với vị vua gầy gò mang gươm và nón làm phụ kiện, quý anh công chức hôm nay có vẻ mập mạp đôi chút, mang điện thoại và laptop cưỡi xe máy đi làm ở chốn công sở. Không biết trong trang phục đó thì hiệu quả công việc có tăng lên, nhưng kiểu gì cũng mất thêm thời gian ngắm vuốt, hất tà trước vén tà sau cho mỗi lần đứng lên ngồi xuống và lúc giải lao thưởng trà, đi vệ sinh.

Nhìn các anh duyên dáng, chị em chúng tôi cũng vui thầm, nhưng không muốn nó trở thành quy định cứng nhắc. Để áo dài theo bước nam nhi tung tẩy hình ảnh truyền thống, trộm nghĩ, nên để tự do tự nguyện, thích hợp tùy lúc, tránh ép buộc quá mức, không khéo thành chuyện thủ cựu ngược đời.

Nhi Nữ Thường Tình

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • Jennynguyen 22-10-2020 17:14:49

    Áo dài nam không nên chít eo. Vì vai của nam giới rộng hơn mông, nên khi may lấy thân áo bằng bề ngang vai thì áo nam sẽ trông "phóng khoáng" hơn và người mặc cũng dễ cử động hơn. Áo nam không nên may vải màu sắc quá lòe loẹt vì như vậy sẽ giống như ...chú hề. Về quần dài thì nên mặc màu tối hoặc màu trắng hoặc màu xám. Không nên mặc quần tiệp màu nếu màu áo quá tươi, vì sẽ trông giống ..."đóng tuồng". Nói chung, tuy ban đầu hơi khó chịu vì chưa quen, nhưng khi ra nước ngoài, vào những cuộc họp mang tính quốc tế, noi mà mọi người đều mặc quốc phục, bạn sẽ thấy rất vinh dự nếu được mặc áo dài vì cho thấy đất nước VN có bản sắc dân tộc riêng.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI