Ăn tết thời chợ gạo nước sông

30/01/2022 - 12:15

PNO - Những ký ức về tết xưa vẫn còn in đậm trong tâm trí của nhiều nghệ sĩ.

NSND Thoại Miêu: Thèm được quay lại tết xưa 

NSND Thoại Miêu tâm sự ngày trước bà thường đi diễn từ mùng 1 tết, đến mức nhiều đồng nghiệp thường chọc bà là “nữ hoàng lưu diễn”. Thông thường mỗi đợt diễn tết kéo dài từ nửa tháng đến một tháng nên mọi người đều tự chuẩn bị thức ăn, bánh mứt để góp vào ăn tết chung. Mỗi tối diễn xong cả đoàn lại cùng nhau quây quần ăn tết.

“Không đón tết cùng với gia đình, chỉ vui tết cùng anh em trong đoàn nhưng thật sự khoảng thời gian ấy rất hạnh phúc. Mọi người trong đoàn xem như người trong nhà. Bây giờ tôi thèm được đi diễn chung cùng anh em, ăn chung mâm, ở chung với nhau, thèm được quay trở lại những kỷ niệm và ký ức lúc xưa nhưng sao khó quá”, nữ nghệ sĩ trải lòng.

Giờ đây điều kiện biểu diễn tốt hơn nhưng NSND Thoại Miêu vẫn nhớ sân khấu ngày xưa, được sống chung đoàn hát
Giờ đây điều kiện biểu diễn tốt hơn nhưng NSND Thoại Miêu vẫn nhớ sân khấu ngày xưa, được sống chung đoàn hát

NSND Thoại Miêu vẫn nhớ như in lần đón tết đặc biệt ở nhà dân tại Đồng Tháp ngay mùng 1. Bà lo sợ đầu năm người dân thường kiêng kỵ. Nhưng trái với suy nghĩ ban đầu, đoàn được đón tiếp rất nồng hậu, chu đáo khiến bà không khỏi xúc động khi cảm nhận được sự chân thành, tình cảm mà khán giả dành cho các nghệ sĩ.

Mỗi lần có dịp đi ngang Đồng Tháp, NSND Thoại Miêu đều dành thời gian ghé thăm ngôi nhà ấy, cùng mọi người ôn lại kỷ niệm xưa.

Nữ nghệ sĩ còn nhớ lại những lúc hát ở Cần Giờ, Phan Rí hay các vùng biển… Nhiều lúc đang diễn thì gặp gió xoáy khiến buổi diễn trục trặc. “Những lúc như vậy anh em hậu đài phải tập trung lên trên sân khấu để giữ cảnh trí, chứ gió khủng khiếp lắm”, nữ nghệ sĩ kể.

NSND Thoại Miêu chia sẻ, bây giờ anh em đồng nghiệp không còn thường xuyên gặp nhau như trước. Dẫu vậy, mọi người vẫn thường xuyên gọi điện hỏi han nhau và cứ mỗi lần họp mặt luôn khắc khoải không biết bao giờ mới được đi hát, đi lưu diễn như hồi xưa.

NSƯT Thanh Nguyệt và những cái tết khó quên

Nhớ về những ngày đã qua, NSƯT Thanh Nguyệt luôn có cảm giác trái ngược. Mỗi dịp tết đến cũng là lúc bà nhớ mẹ quay quắt. Tết năm 1964, khi đang theo đoàn hát biểu diễn, bà nhận tin mẹ qua đời. Cảm giác buồn đau, suy sụp bao trùm lên cô gái trẻ thời điểm đó, nhưng trách nhiệm với khán giả, đoàn hát buộc bà vẫn phải đứng trên sân khấu. 

“Khoảnh khắc ấy tôi khó thể nào quên được. Có lẽ, đó cũng là mùa tết buồn nhất từ trước đến nay. Nhưng đâu ai tránh được quy luật sinh lão bệnh tử. Càng lớn, càng hiểu được điều đó tôi cảm thấy bớt đau lòng hơn”, bà tâm sự.

Một năm sau đó, vào mùa tết năm 1965, bà lại nhận niềm vui lớn trong đời, cũng là kỷ niệm khó quên trong đời cầm ca. NSƯT Thanh Nguyệt được bà bầu Kim Chưởng giao vai chính Tiểu Long Nữ trong vở Song long thần chưởng tại rạp Nguyễn Văn Hảo (rạp Công Nhân hiện tại). Trước đó, tại đoàn này, vai chính hầu hết do NSƯT Phượng Liên đảm nhận.

“Để lên được vị trí đào chánh trong đoàn thuở xưa rất khó. Vì thế, khi nhận được cơ hội này tôi chỉ biết tự động viên bản thân cố gắng. Đêm diễn đó, khán giả vỗ tay rần rần, báo chí cũng dành rất nhiều lời khen. Những bài báo đó, tôi vẫn còn giữ đến hiện tại. Tết mang theo nhiều niềm vui, sự phấn khởi nhưng có lẽ đây là mùa tết vui nhất”, bà nói.

Nghĩ về kỷ niệm tết xưa, lòng NSƯT Thanh Nguyệt buồn vui lẫn lộn
Nghĩ về kỷ niệm tết xưa, lòng NSƯT Thanh Nguyệt buồn vui lẫn lộn

NSƯT Thanh Nguyệt nói ngày trước dịp tết bà thường đi diễn ở tỉnh. Hầu như nghệ sĩ không có thời gian nghỉ ngơi bởi mỗi ngày phải hát 2-3 suất. Thời gian rảnh, cả đoàn cùng ngồi lại ăn cơm với những món ăn đặc trưng ngày tết. Hoàn cảnh thiếu thốn, anh chị em nghệ sĩ ai có bánh mứt, trái cây… gì sẽ góp vào để mâm cỗ ngày tết thêm đủ đầy.

Niềm vui lớn nhất của bà trong những ngày tết là suất nào khán giả cũng đông nghẹt.

Sau khi rời đoàn Kim Chưởng, bà về đoàn Kim Chung. Bà và NSND Lệ Thủy thay phiên diễn tại đoàn 1 và đoàn 5 của gánh hát đại bang này. Thời điểm đó, bà thường hát cặp cùng cố NSƯT Minh Phụng, cố NS Tấn Tài, NSND Minh Vương… Bà nhớ nhất những lúc vãn hát, anh chị em nghệ sĩ lại ngồi quây quần cùng nhau ăn bữa cơm, bàn luận về suất diễn vừa qua. Những ngày tết chỉ quanh quẩn trong đoàn hát. Cũng vì thế, tình thương, sự gắn kết của nghệ sĩ cũng nhiều hơn.

“Nghĩ lại những năm tháng tuổi trẻ đó lòng tôi cảm thấy vui sướng kỳ lạ. Chúng tôi không có tết như mọi người nhưng niềm vui đứng trên sân khấu lớn hơn rất nhiều. Nhiều bạn diễn của tôi đã không còn. Ai rồi cũng phải đi theo quy luật của cuộc đời, nghĩ lại thật buồn”, bà nghẹn ngào.

NSƯT Phượng Loan: Tết xưa cực nhưng vui

Nhắc lại "tết xưa", NSƯT Phượng Loan cho hay, nghệ sĩ sẽ được cho về nhà để ăn tết sớm cùng gia đình. Sáng hoặc trưa 30 âm lịch, tất cả tụ họp lại ở đoàn để chuẩn bị lên đường lưu diễn. Thường, thời điểm này các đoàn hát sẽ đi miền Trung vì thời tiết đẹp. Sau đó, đoàn sẽ diễn dần vào trong miền Nam. Mỗi chuyến đi như thế kéo dài 2-3 tháng.

Khoảng thời gian mọi người chơi tết cũng là lúc nghệ sĩ bận rộn nhất. Mỗi ngày đoàn phải diễn 2-3 suất, nên hầu như nghệ sĩ không có thời gian chơi tết. “Cảm giác vui nhất là đi dọc đường được nhìn người người, nhà nhà nô nức chuẩn bị đón tết. Trong lòng anh chị em nghệ sĩ lại vui vì được biểu diễn. Những ngày này, hát nhiều chúng tôi có thu nhập cao hơn, có khi được ông bầu, bà bầu trả nhiều hơn nữa nên rất vui, phấn khởi”, chị "khoe".

NSƯT Phượng Loan luôn nhớ về những ngày tết xưa tại đoàn hát với niềm hạnh phúc vô bờ bến
NSƯT Phượng Loan luôn nhớ về những ngày tết xưa tại đoàn hát với niềm hạnh phúc vô bờ bến

Thời điểm hoàng kim, mỗi suất hát có đến hàng ngàn khán giả. Khi vãn hát cũng là thời điểm gần giao thừa. Sau khi chia tay khán giả, anh chị em nghệ sĩ xúm xít cùng nhau dọn mâm cỗ cúng giao thừa, đón năm mới. Bà bầu hoặc ông bầu sẽ đứng ra cúng chính. Đêm đó, hầu như nghệ sĩ không ngủ.

Mùng 1 tết, cả đoàn sẽ có bữa cơm chung với nhau, sau đó tất cả đều tranh thủ hóa trang để kịp giờ lên sân khấu. Vãn hát, cả đoàn lại cùng nhau chơi lô tô. Đó cũng là thú vui phổ biến trong các đoàn hát vì quy tụ được đông người. 

“Do công việc bận rộn, mỗi địa phương lại có phong tục khác nhau nên chúng tôi cũng không dám đến nhà người dân vào ngày tết, sợ phạm phải những điều kiêng kỵ. Những ngày này, hầu như chỉ có anh chị em nghệ sĩ trong đoàn quây quần cùng nhau. Nơi nào được diễn trong rạp thì anh chị em có chỗ ngủ tốt một chút, nơi nào không có thì phải ngủ gầm sân khấu dựng tạm. Nhưng tôi vẫn không thấy khổ cực, mà rất vui”, NSƯT Phượng Loan nhớ lại.

Trung Sơn - Chung Thu Hương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI