An Giang sau hợp nhất: Đưa kinh tế biển vươn xa, đưa Phú Quốc ra thế giới

14/07/2025 - 11:54

PNO - Ngày 14/7, Tỉnh ủy An Giang tổ chức Hội thảo khoa học định hướng phát triển kinh tế - xã hội, và góp ý văn kiện đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2025-2030.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Tiến Hải - Bí thư Tỉnh ủy An Giang - cho biết, tỉnh An Giang đang đứng trước một thời cơ lịch sử để phát huy vai trò trung tâm kinh tế biển mạnh của quốc gia, trở thành vùng kinh tế năng động.

Hội tụ đủ các yếu tố “đồng bằng - đồi núi - biển đảo - biên giới”, có tiềm năng lớn về nông nghiệp công nghệ cao, kinh tế biển, kinh tế biên mậu, logistics, du lịch và đô thị thông minh, nhất là du lịch biển chất lượng cao.

Toàn cảnh hội thảo khoa học - Ảnh Phú Hữu
Toàn cảnh hội thảo khoa học - Ảnh Phú Hữu

Nhiệm kỳ 2020-2025, tỉnh An Giang và Kiên Giang đạt 31/40 chỉ tiêu, tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm của tỉnh An Giang sau hợp nhất là trên 8,1%. Đô thị hóa phát triển mạnh ở các khu vực như: Châu Đốc, Phú Quốc, Rạch Giá, Long Xuyên...

Tỉnh An Giang thực hiện 3 khâu đột phá chiến lược đạt kết quả tích cực, nhất là xây dựng kết cấu hạ tầng kết nối. Tuy nhiên, tỉnh An Giang vẫn còn 9 chỉ tiêu chưa đạt Nghị quyết đề ra. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm, thiếu bền vững, chất lượng chưa cao, tỉ trọng của ngành nông lâm thuỷ sản trong cơ cấu kinh tế chuyển dịch rất chậm.

Ông Nguyễn Tiến Hải - Bí thư Tỉnh ủy An Giang phát biểu khai mạc - Ảnh N.H
Ông Nguyễn Tiến Hải - Bí thư Tỉnh ủy An Giang phát biểu khai mạc - Ảnh N.H.

Ông Nguyễn Tiến Hải nhấn mạnh, nhiệm kỳ 2025-2030, An Giang là tỉnh phát triển khá của cả nước; trung tâm kinh tế biển mạnh của quốc gia; đặc khu Phú Quốc đạt tầm cỡ quốc tế; Rạch Giá là trung tâm chính trị - hành chính, thương mại - dịch vụ, tổng hợp và chuyên ngành; vùng tứ giác Long Xuyên - Châu Đốc - Rạch Giá - Hà Tiên là động lực phát triển công nghiệp, logistics và du lịch văn hóa, sinh thái, trung tâm nghiên cứu phát triển giống và sản xuất nông nghiệp, thủy sản, dược liệu ứng dụng công nghệ cao; phát triển kinh tế biên mậu, đầu mối giao thương, hợp tác với Vương quốc Campuchia.

Tỉnh phải có hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phát triển đồng bộ, thích ứng với biến đổi khí hậu; chuyển đổi số trong hệ thống giáo dục, y tế thuộc nhóm đầu cả nước; các giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn và phát huy; quốc phòng, an ninh được giữ vững; đối ngoại chủ động, rộng mở; trật tự an toàn xã hội ổn định; an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao.

PGS.TS Trần Đình Thiên trình bày tham luận tại hội thảo - Ảnh N.H
PGS.TS Trần Đình Thiên trình bày tham luận tại hội thảo - Ảnh N.H.

PGS.TS Bùi Văn Huyền - Viện trưởng Viện Kinh tế - Xã hội và Môi trường, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh - cho rằng, tỉnh An Giang mới có nhiều cái nhất như quy mô kinh tế lớn nhất vùng Tây Nam bộ, dân số đứng thứ ba cả nước, vựa lúa lớn nhất nước, sản lượng nuôi trồng thủy sản đứng đầu khu vực, địa phương tiên phong nông nghiệp công nghệ cao, tăng trưởng kinh tế 6 tháng đạt hơn 8%.

Cũng là địa phương có địa chiến lược và không gian phát triển độc đáo, “con tàu” An Giang vươn ra thế giới. Đồng thời, ông Huyền cũng góp ý định hướng phát triển kinh tế theo hướng “1 nhất thể, 2 trục, 3 đột phát, 4 trụ cột, 5 vùng trọng điểm, 6 danh mục trọng tâm”.

Ông Lê Minh Hoan - Phó Chủ tịch Quốc hội phát biểu tại hội thảo - Ảnh N.H
Ông Lê Minh Hoan - Phó Chủ tịch Quốc hội phát biểu tại hội thảo - Ảnh N.H.

Phó chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan nhấn mạnh, An Giang - Kiên Giang, hợp lực trong dáng hình của tỉnh An Giang mới, không chỉ mở rộng về diện tích, địa giới, mà còn là một không gian cơ hội mới.

An Giang giờ đây vừa là đầu nguồn, vừa là cuối sông; vừa có đất ngập nước, vừa có đất chuyển tiếp ra biển; vừa là vùng sản xuất, vừa là hệ sinh thái đa dạng, độc đáo.

An Giang giờ đây là vùng đất hội tụ: rừng tràm, đất phèn, đồng lúa, núi thiêng và sông lớn; có sông Hậu, có kênh Vĩnh Tế, có biển Tây, có biên giới với nước bạn Campuchia; những cánh đồng tôm - lúa luân canh, những vùng nuôi trồng thủy sản ven rừng, ven biển, ven đảo, những lễ hội tôn giáo đa dạng, những khu du lịch thu hút đông đảo du khách, những làng chài, làng nghề nông gắn bó bao đời.

PGS. TS Trần Đình Thiên - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách của Thủ tướng, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhấn mạnh: Xây dựng An Giang trở thành một cực tăng trưởng chiến lược Vùng, có năng lực cạnh tranh cao, hội nhập quốc tế đẳng cấp, dựa trên 3 trụ đỡ hiện đại: Đổi mới sáng tạo, Thể chế hiệu quả, Doanh nghiệp tư nhân năng động, trong một môi trường phát triển ổn định - mở - linh hoạt và mang tính cạnh tranh cao.

Đồng thời, ông cũng khẳng định tỉnh An Giang đang đứng trước bước ngoặt chiến lược, không thay đổi là tụt hậu nhưng thay đổi nửa vời thì không đủ sức bật. Chỉ bằng cách đổi mới tư duy, kiên quyết cải cách thể chế, đầu tư vào con người và công nghệ, vận hành bộ máy hiệu quả và trong sạch, tỉnh mới có thể chuyển hóa được vị trí địa lý thành lợi thế phát triển, biến truyền thống thành động lực đổi mới, và khẳng định vai trò là một trong những cực phát triển mới của đất nước.

Phú Hữu

 
TIN MỚI