Ai thổi giá thiết bị y tế 'đốt túi' người bệnh nghèo?

31/07/2017 - 10:30

PNO - Những con số làm nghẹn lòng người, và làm… “cháy túi” bao bệnh nhân với không ít hoàn cảnh khó khăn, thương tâm, thậm chí vì chi phí chữa bệnh mà tới cảnh kiệt quệ, túng quẫn.

Những con số. Lại những con số khiến chúng ta phải, hoặc buộc phải giật mình. Tuần trước là “con voi” 3,06 tỉ USD “chui” qua những “lỗ kim” để sang được tận bên kia địa cầu nước Mỹ chi trả cho các khoản mua nhà đất. Còn mới đây, là thiết bị y tế trúng thầu vào các bệnh viện với giá được thổi lên trên trời.

Ai thoi gia thiet bi y te 'dot tui' nguoi benh ngheo?
 

Thế nhưng trong khi đó, không ít dự án bệnh viện ngàn tỉ vì… quá nặng tiền nên phải chịu cảnh “màn trời chiếu đất” vì thiếu vốn, như dự án Bệnh viện Đa khoa Nam Định, dự án Bệnh viện Sản nhi Ninh Bình...

Thì đây, số liệu mới được Kiểm toán Nhà nước chính thức công bố: ở một tỉnh miền núi, giá thiết bị y tế trúng thầu mua sắm cho bệnh viện cao hơn 2,53 lần, tức được hiểu là bằng 253% so với giá nhập khẩu bán đến Việt Nam của nhà sản xuất. 

Có những thiết bị, giá trúng thầu cao gấp 4-7 lần (400%-700%). Thậm chí có thiết bị giá nhập khẩu 5,3 triệu đồng nhưng bệnh viện mua 114 triệu đồng, gấp 21,5 lần (tức bằng 2.150%)…

Những con số này biết nói, và thực sự gây nhức nhối. Bởi có quá nhiều dấu hỏi đằng sau sự chênh lệch giá quá lớn giữa giá nhập về đến Việt Nam và giá bán cho các bệnh viện công được lý giải một cách dễ dãi: vì không có dữ liệu giá để tham khảo; vì các bệnh viện, cơ quan y tế không thể lấy được thông tin giá nhập từ hải quan; vì không lấy được giá gốc từ nhà sản xuất… 

Mua sắm thiết bị, vật tư y tế cho nhà nước sao khó tìm kiếm được dữ liệu giá gốc để tham khảo hay kiểm soát đến thế. Trong khi nếu là tiền túi của những người tham mưu, duyệt giá thì chắc không dễ dàng bỏ qua tình trạng thiết bị bị thổi giá đến mức khủng khiếp như vậy.

Những giải thích rằng vì thiếu dữ liệu so sánh, tham khảo; không có được nguồn thông tin về giá từ nhà sản xuất, v.v… đều không đủ sức thuyết phục. 

Ai thoi gia thiet bi y te 'dot tui' nguoi benh ngheo?
 

Vì sao vậy? Vì chính trong các số liệu được Kiểm toán Nhà nước công bố, trong khi BV Chợ Rẫy mua chỉ có giá hơn 1,5 triệu đồng thì BV Việt Đức lại mua với giá hơn 5 triệu đồng cùng một thứ vật tư. 

Tương tự, một loại vật tư/hóa chất khác, Chợ Rẫy mua giá hơn 14 triệu đồng thì Viện Huyết học Truyền máu Trung ương lại mua với giá hơn 42,5 triệu đồng…

Những con số làm nghẹn lòng người, và làm… “cháy túi” bao bệnh nhân với không ít hoàn cảnh khó khăn, thương tâm, thậm chí vì chi phí chữa bệnh mà tới cảnh kiệt quệ, túng quẫn. 

Còn rất nhiều trường hợp chênh lệch giá “trên trời” như vậy. Chúng ta có quyền đặt ra câu hỏi, có phải có rất nhiều “lỗ kim” để cho những số tiền chênh lệch khủng khiếp như trên “chui” qua một cách hợp lý và dễ dàng?

Giá thuốc, thiết bị, vật tư y tế… “trên trời” đấu thầu vào bệnh viện thì ngân sách chịu. Ngân sách từ tiền thuế của dân thì tất nhiên là dân gánh. Song với bệnh nhân thì phải gánh tới hai lần: gánh thuế đóng vào ngân sách, và gánh cả chi phí thuốc men, khám chữa bệnh, các dịch vụ y tế... tăng giá.

Những mức giá bị nâng cao ngất theo các loại thuốc, thiết bị, vật tư đi vào bệnh viện thì đầu ra của nó chính là các hóa đơn viện phí, tiền thuốc, chi phí thủ thuật, v.v… 

Vâng, những khoản chênh lệch của hàng trăm, hàng ngàn loại thuốc, vật tư, thiết bị y tế kia gộp lại thành những “con voi”, thế nhưng chỉ thấy nhà nước thiệt, dân phải gánh chịu, tịnh không thấy ai phải chịu trách nhiệm.

Thụy Du

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI