2021: Âm nhạc trực tuyến có đủ sức sống?

03/01/2021 - 06:52

PNO - Chưa đầy một năm, các show âm nhạc trực tuyến phủ sóng cả thế giới. Ngay khi các sân khấu bán vé có khả năng trở lại hậu đại dịch, liệu âm nhạc trực tuyến có còn tồn tại?

Russ Tannen, giám đốc kinh doanh của công ty bán vé Dice cho biết trước tháng 4/2020, công ty chưa bao giờ nói về việc phát triển các chương trình giải trí trực tuyến. Hình thức này đã được mọi người thử thực hiện hoặc nghĩ đến trong quá khứ nhưng không thật sự hiệu quả.

Kết thúc năm 2020, khi các tour diễn lớn vẫn chưa thể tổ chức thì âm nhạc trực tuyến tiếp tục thắng thế. “Thành thật mà nói, tôi yêu thích trải nghiệm này. Trong năm nay, nhóm tôi đã tổ chức 2 sự kiện phát trực tuyến. Khi biểu diễn với hình thức này, có điều gì đó đặc biệt khi biết mọi người đang nghe ở nhà. Giống như có một cuộc điện thoại với ai đó, và bạn đang được kết nối”, nghệ sĩ guitar Carlos O’Connell nói.

Clip ca khúc Amazing grace do danh ca mù người Ý Andrea Bocelli thể hiện được phát trực tuyến với hơn 2 triệu người nghe cùng lúc:

 

Ở giai đoạn đầu của dịch COVID-19, các nghệ sĩ thử nghiệm việc phát trực tuyến miễn phí trên các trang mạng xã hội chỉ để nhằm giao lưu với khán giả. Khi đó, các chương trình liên tục bị gián đoạn vì đường truyền không ổn định do lượng truy cập cao. Công ty bán vé Dice đã nhanh chóng chớp cơ hội, thực hiện buổi biểu diễn trực tiếp cao cấp đầu tiên với Lewis Capaldi với phí tham dự giá 5 bảng Anh.

Russ Tannen nói khi bắt đầu, công ty không nghĩ có thể thực hiện 4.500 sự kiện trong năm 2020, khởi động hình thức kiếm tiền từ phát trực tuyến như một "mũi nhọn" của đơn vị trong tình hình mới.

Các show âm nhạc trực tuyến thu hút lượng người xem khủng trong năm qua.
Các show âm nhạc trực tuyến thu hút lượng người xem khủng trong năm qua.

Các công ty khác cũng bắt đầu tổ chức bán vé cho các show ca nhạc tại nhà. Show của Laura Marling tổ chức vào tháng 6 bán được 6.500 vé. Sau Laura Marling, vào tháng 7, show Nick Cave’s Idiot Prayer bán được 35.000 vé. BTS cũng có hơn 750.000 người theo dõi chương trình của họ vào mùa hè. Dua Lipa’s Studio 2054 nhận được lượt nghe hơn 5 triệu lần. Ca sĩ opera Andrea Bocelli bán được 70.000 vé cho chương trình trực tuyến Believe in Christmas mặc dù đối tượng người nghe của nam ca sĩ đa phần lớn tuổi và ít hiểu về công nghệ.

Vượt qua nhiều hoài nghi từ đầu, âm nhạc trực tuyến có trả phí tồn tại như một hình thức giải trí khó thay thế trong thời điểm dịch bệnh vẫn đang hoành hành. Chi phí thu lại từ các đêm diễn trực tuyến cũng không hề thấp, thậm chí theo O’Connell, khoản cát-sê được trả khá cao, có thể gọi là “con số mơ ước trong dịch bệnh”.

Ca khúc Ngộ do các nhạc sĩ nổi tiếng Việt Nam thể hiện, sản phẩm mở đầu cho các đêm nhạc trực tuyến tổ chức mỗi tháng 1 lần. Tại Việt Nam, trong dịch bệnh, hình thức âm nhạc trực tuyến cũng khá phát triển:

 

Từ góc độ khán giả, sự ra đời của các chương trình âm nhạc trực tuyến đã lấp được khoảng trống giải trí bấy lâu. Tuy nhiên, điều mọi người quan tâm rằng khi dịch bệnh được kiểm soát, âm nhạc trực tuyến sẽ đi về đâu?

Theo Russ Tannen, cả hai hình thức trực tiếp và trực tuyến sẽ cùng tồn tại. Giám đốc kinh doanh của công ty Dice khẳng định âm nhạc trực tuyến đã có được một số lượng khán giả nhất định và họ sẽ tiếp tục sử dụng dịch vụ. “Thật khó nếu bạn sống xa trung tâm thành phố nhưng muốn thưởng thức các chương trình âm nhạc trực tiếp, hoặc bạn không đủ khả năng chi trả, không thể ra đường vào buổi tối. Vậy thì âm nhạc trực tuyến sẽ tiếp tục được ưa chuộng”, Russ Tannen nói.

Các bác sĩ tại Pháp thể hiện nhạc phẩm được tự quay tại nhà, bệnh viện nhằm cổ vũ tinh thần của lực lượng y tế:

 

Trung tâm Barbican đã sớm đoán biết thói quen giải trí của khán giả sẽ thay đổi sau khi dịch được kiểm soát nên tiến hành việc livestream các chương trình có người xem. Barbican đã thực hiện 11 chương trình trực tuyến, trong đó có 8 chương trình có sự tham gia của một lượng nhỏ khán giả.

“Chúng tôi đã sử dụng thời gian ngừng hoạt động vì dịch để cải thiện các sản phẩm phát trực tuyến, đầu tư thiết bị và nâng cao trình độ nhân viên. Chúng tôi thật sự vui mừng vì những gì đã đạt được và sẽ tiếp tục kết hợp các hình thức giải trí khác nhau”, đại diện Barbican nói.

Hiện, không phải nghệ sĩ nào cũng sẵn sàng trình diễn trực tuyến thay vì đứng trên các sân khấu ngoài trời với sức chứa vài ngàn người. Tuy nhiên, cả nghệ sĩ và các công ty giải trí phải chấp nhận một sự thật rằng thói quen thưởng thức của khán giả đã thay đổi, và điều họ cần làm là cho người xem có thêm cơ hội để lựa chọn những sản phẩm chất lượng thay vì chờ đợi dịch bệnh được kiểm soát hoàn toàn mới mở lại các tour diễn lớn.

Minh Tú

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI