Xuất hiện vùng áp thấp đe dọa các tỉnh Nam Trung bộ và Nam bộ

14/11/2018 - 20:06

PNO - Dự kiến trong 2, 3 ngày tới, trên biển Đông sẽ xuất hiện một vùng áp thấp có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh Nam Trung bộ và Nam bộ.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, hiện có 1 rãnh áp thấp hình thành trên khu vực Nam biển Đông và có trục ở khoảng 5-8 độ vĩ Bắc. Dự báo trong ngày 15 và 16/11, do ảnh hưởng của rãnh áp thấp có xu hướng hoạt động mạnh dần lên, nên ở vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau, khu vực Nam biển Đông (gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) có mưa dông và gió giật mạnh cấp 6-7.

Trong khoảng 2-3 ngày tới, trên khu vực quần đảo Trường Sa sẽ xuất hiện một vùng áp thấp và có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới. Áp thấp nhiệt đới sẽ di chuyển nhanh theo hướng Tây và sau đó ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh Nam Trung bộ, Nam bộ.

Xuat hien vung ap thap de doa cac tinh Nam Trung bo va Nam bo
Dự kiến sẽ còn 2 đến 3 cơn bão xuất hiện trong năm 2018

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cảnh báo, từ nay đến hết năm 2018 có thể xuất hiện 1-2 cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới trên khu vực biển Đông và 1 cơn bão sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền ở các tỉnh thuộc Trung bộ.

Ngoài bão và áp thấp nhiệt đới gây mưa lớn, gió mạnh trên biển và đất liền, các hiện tượng thời tiết nguy hiểm khác sẽ có khả năng xảy ra trên phạm vi cả nước, đặc biệt các hiện tượng dông lốc, mưa đá, mưa lớn cục bộ trong những tháng cuối năm.

Để chủ động ứng phó với vùng áp thấp có khả năng hình thành áp thấp nhiệt đới, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đề nghị Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các bộ, ngành, tỉnh, thành phố chỉ đạo triển khai thực hiện một số nội dung sau:

1. Theo dõi chặt chẽ diễn biến của vùng áp thấp trên các phương tiện thông tin; thông báo, hướng dẫn cho thuyền trưởng, chủ các phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển để chủ động phòng tránh.

2. Tổ chức nắm bắt tình hình tàu thuyền đang hoạt động trên biển, giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra; quản lý chặt chẽ việc ra khơi của các tàu thuyền, các hoạt động kinh tế trên biển và ven biển để đảm bảo an toàn về người và tài sản.

3. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.

4. Tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai và Văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.

Phan Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI