Xóa tệ nạn không chỉ là chuyện của công an!

07/08/2020 - 12:00

PNO - Tháng Bảy vừa qua, đường dây mua bán dâm với giá hàng ngàn USD bị triệt phá tại một khách sạn 4 sao ở TP.HCM đã khiến cộng đồng xôn xao. Đáng nói là hoạt động phi pháp ấy đã tồn tại từ rất lâu trước khi bị phát giác.

Dựa vào“tai mắt” nhân dân 

Đường dây mua bán dâm nói trên tồn tại không chỉ ở duy nhất một khách sạn nơi bị bắt quả tang mà còn “dây mơ rễ má” với một khách sạn cao cấp khác. Người ta sẽ hỏi rằng, “tai mắt” của nhân dân ở đâu? Lẽ nào những việc làm sai trái kéo dài như vậy lại qua mắt được ban quản lý khách sạn cùng đội ngũ nhân viên hùng hậu? Nhiều bạn đọc cũng thắc mắc vì sao trên đường Cộng Hòa hay trước công viên Phú Lâm, hằng đêm vẫn thấy các cô gái ăn mặc mát mẻ, ngồi xe máy hoặc đứng gốc cây, tồn tại từ năm này sang năm khác? 

Thực tế, ngành công an và chính quyền TP.HCM vẫn quyết liệt trong công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm. Bên cạnh việc triệt phá các đường dây bán dâm, xóa sổ các địa bàn có nguy cơ nảy sinh tệ nạn, thành phố còn thực hiện nhiều phương án phòng ngừa, hỗ trợ, đặc biệt là công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến chính sách pháp luật nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và nâng cao ý thức trách nhiệm của các ngành, các cấp và người dân trong việc phòng, chống ma túy, mại dâm.

Bước đầu thành phố đã hình thành được các mạng lưới kết nối đối với các dịch vụ can thiệp, giảm hại, thông qua đó hỗ trợ học nghề, giải quyết việc làm cho người nghiện ma túy, người bán dâm, gắn với các chương trình, chính sách an sinh xã hội tại địa bàn để họ ổn định cuộc sống, không tái phạm. 

Ngày 12/7, Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an vừa phối hợp với Công an TP.HCM triệt phá đường dây mua bán dâm ngàn đô
Ngày 12/7, Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an vừa phối hợp với Công an TP.HCM triệt phá đường dây mua bán dâm ngàn đô

Ngoài ra, công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống mại dâm, mua bán người cũng được tổ chức thực hiện bằng nhiều hình thức đa dạng, nội dung phong phú, phù hợp với từng nhóm đối tượng tại địa bàn các quận, huyện, phường, xã, thị trấn… Đặc biệt, bằng sự nhạy bén, năng động, Hội LHPN các quận, huyện đã kiên trì phối hợp với công an tuyên truyền, đấu tranh, phòng ngừa tệ nạn mại dâm và mua bán người. Hội đã xây dựng lực lượng nòng cốt tại các khu phố, xóm ấp, tổ nhân dân làm “tai mắt” cho công an và cùng nâng cao cảnh giác, phát hiện, tố giác, đấu tranh, góp phần hiệu quả trong công tác phòng, chống tệ nạn xã hội nói chung và tệ nạn mại dâm, mua bán người nói riêng.

Làm nhiều nhưng cản ngại cũng còn nhiều!

Trong báo cáo “Kết quả công tác phòng, chống mại dâm 6 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2020 trên địa bàn TP.HCM” của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM ghi nhận: hiện còn 20 tụ điểm, tuyến đường thuộc 26 xã, phường, thị trấn ở 11 quận, huyện và có 105 người hoạt động mại dâm đứng đường hoặc dùng xe máy chạy theo chào mời khách mua dâm. 

Toàn đợt kiểm tra từ ngày 15/12/2019 đến 15/6/2020, đoàn kiểm tra liên ngành văn hóa - xã hội thành phố đã kiểm tra 2.197 lượt cơ sở, phát hiện 970 vụ vi phạm hành chính về lĩnh vực văn hóa, thông tin và phòng, chống tệ nạn xã hội. Trong đó, có 22 vụ vi phạm liên quan đến mại dâm và khiêu dâm, kích dục. Lực lượng chức năng đã xử phạt 970 vụ vi phạm với tổng số tiền phạt hơn 5,5 tỷ đồng. Ngày 12/7, Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an đã phối hợp với Công an TP.HCM triệt phá một đường dây gái gọi với giá “ngàn đô” như đã đề cập ở trên.

Trong số những vụ việc nói trên, Viện Kiểm sát nhân dân thành phố đã khởi tố 14 vụ với 19 đối tượng, đề nghị truy tố 11 vụ với 16 đối tượng liên quan đến hoạt động mại dâm. Tòa án nhân dân thành phố đã xét xử 7 vụ với 8 đối tượng. Tuy nhiên, theo nhận định của Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội TP.HCM, hiện nay, tệ nạn mại dâm vẫn tồn tại, hoạt động dưới nhiều hình thức biến tướng, ngày càng tinh vi và diễn biến khá phức tạp.

Cụ thể, tình trạng mại dâm nơi công cộng có xu hướng “giảm” nhưng thực chất là chỉ giảm trên bề nổi. Các hình thức mua bán dâm thông qua trung gian, qua đối tượng chăn dắt, bảo kê; mại dâm tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ… vẫn còn tồn tại. Trong khi đó, các văn bản quy phạm pháp luật chưa kịp thời sửa đổi, bổ sung các biện pháp chế tài để xử lý một cách thống nhất, đồng bộ và kiên quyết đối với các hành vi vi phạm của những cơ sở này. Dù quy định pháp luật xử phạt hành vi này khá nặng, cụ thể ở Điều 327 Bộ luật Hình sự về tội chứa mại dâm có thể phạt tù tối đa 20 năm hoặc tù chung thân kèm phạt tiền lên đến 100 triệu đồng. Thế nhưng, do thiếu những hướng dẫn chi tiết nên khó cho việc truy cứu trách nhiệm hình sự với tội phạm này. 

Đại Dương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI