Xét xử ông Nguyễn Thành Tài: Không có năng lực, Công ty Hoa tháng năm vẫn bước vào dự án nhà nước

17/09/2020 - 13:42

PNO - Chỉ mới 4 tháng chào đời, chưa có kinh nghiệm về kinh doanh bất động sản, chưa có năng lực tài chính, Công ty Hoa tháng năm của Lê Thị Thanh Thúy vẫn dễ dàng bước vào dự án xây khách sạn 5 sao của TPHCM tại khu đất vàng số 8-12 Lê Duẩn.

Hòn Ngọc Viễn Đông vừa ra đời đã “chết yểu”

Trước khi Công ty Hoa tháng năm của bị bà Lê Thị Thanh Thúy được ông Nguyễn Thành Tài - nguyên Phó chủ tịch UBND TPHCM cho phép tham gia vào dự án xây khách sạn và trung tâm thương mại tại số 8-12 Lê Duẩn, đã từng có một công ty của nhà nước được cho ra đời để xúc tiến thực hiện dự án của TPHCM nhưng đã thất bại.

Đó là Công ty Cổ phần Hòn Ngọc Viễn Đông (Hòn Ngọc Viễn Đông), ra đời năm 2008 với các cổ đông là các công ty 100% vốn nhà nước, gồm: Công ty Quản lý kinh doanh nhà TPHCM; Công ty vàng bạc đá quý TPHCM; Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn. Theo công văn 815 ngày 5/2/2008, UBND TPHCM giao Hòn Ngọc Viễn Đông là chủ đầu tư dự án tại số 8-12 Lê Duẩn, quận 1.

Theo chủ trương ban đầu của TPHCM, phải đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư có uy tín và kinh nghiệm trong lĩnh vực khách sạn; không áp dụng hình thức liên doanh. Tại phiên tòa sáng 17/9 (ngày thứ 2 xét xử vụ án Nguyễn Thành Tài và đồng phạm), đại diện UBND TPHCM cho biết chủ trương này để đảm bảo quản lý nhà nước với công sản vì đây là vị trí đắc địa và còn mang tính chất ngoại giao của TPHCM.

Để hỗ trợ cho Hòn Ngọc Viễn Đông, ngày 13/3/2008, UBND TPHCM ra quyết định thu hồi khu đất 8-12 Lê Duẩn (lúc này đang được 4 công ty thuộc Bộ Công thương thuê). Ngày 11/6/2009, Công ty Quản lý kinh doanh nhà (đơn vị nhà nước được giao nhiệm vụ thực hiện việc quản lý nhà đất công sản) gửi văn bản yêu cầu 4 công ty phải di dời, bàn giao mặt bằng. Nhưng 4 công ty này không thực hiện mà có văn bản đề nghị được mua nhà, đất theo chỉ định hoặc tham gia dự án. UBND TPHCM không đồng ý.

Nhưng cuối cùng, Hòn Ngọc Viễn Đông đã phải tuyên bố giải thể sau khi ông Nguyễn Thành Tài ký công văn 5206 ngày 6/10/2009 cho 4 công ty này được liên doanh, liên kết với Công ty Quản lý kinh doanh nhà TPHCM. Sau đó, ông Nguyễn Thành Tài chỉ đạo Công ty Quản lý kinh doanh nhà TPHCM làm chủ đầu tư dự án với vốn góp 50%; đứng tên thuê đất với Nhà nước theo giá thị trường; 4 công ty kia góp vốn 50%.

Về quyết định này, ông Nguyễn Thành Tài tại phiên xử sáng 17/9/2020 cho biết nhận được khiếu nại và văn bản của 4 công ty đề nghị họ là người thuê đất từ sau 1975 đến nay. Và theo Quyết định 140 của Thủ tướng Chính phủ thì họ là người được ưu tiên góp vốn, chứ không phải 3 công ty kia. Dẫn đến Hòn Ngọc Viễn Đông phải giải thể.

"Có mấy lý do khiến tôi chấp thuận: phải hoàn thành nhiệm vụ mà UBND giao cho; là một Phó chủ tịch thường trực, tôi phải làm sao đẩy nhanh tiến độ dự án, phải khắc phục khó khăn. Lúc bấy giờ, Công ty Quản lý kinh doanh nhà TPHCM và 4 công ty thuê khu đất 8-12 Lê Duẩn luôn bày tỏ cam kết là sẽ thực hiện được dự án này. Do vậy, tôi chấp thuận chủ trương. Suốt quá trình đó (2008-2011) tôi không nghe bất cứ ý kiến cơ quan tham mưu nào cho rằng chủ trương đó là sai”, ông Nguyễn Thành Tài nói.

Hoa tháng năm nhẹ bước vào khu đất vàng

Sự thất bại của Hòn Ngọc Viễn Đông bỗng chốc trở thành bàn đạp để Công ty Hoa tháng năm (Hoa tháng năm - trụ sở tại số 12 đường Lê Thánh Tôn, phường Bến Nghé, quận 1) tham gia vào dự án 8-12 Lê Duẩn. Hoa tháng năm của bà Lê Thị Thanh Thúy (quê Quảng Nam) đăng ký kinh doanh lần đầu vào ngày 6/4/2010.

Bị cáo Lê Thị Thanh Thúy, Chủ tịch HĐQT Hoa tháng năm, Chủ tịch HĐQT Lavenue
Bị cáo Lê Thị Thanh Thúy - Chủ tịch HĐQT Hoa tháng năm, Chủ tịch HĐQT Lavenue - tại phiên tòa sáng 17/9/2020

Chỉ 4 tháng sau, vào 6/8/2010, Lê Thị Thanh Thúy ký công văn gửi Công ty Quản lý kinh doanh nhà TPHCM, tự giới thiệu có năng lực tài chính, có kinh nghiệm trong lĩnh vực nhà hàng, khách sạn, xin tham gia dự án.

Thời điểm đó, Hoa tháng năm chỉ vừa thành lập được 4 tháng và chưa thực hiện dự án bất động sản nào - theo lời khai của Lê Thị Thanh Thúy tại phiên tòa ngày 16/9/2020. Tuy vậy, bà Nguyễn Thị Thu Thủy - Giám đốc Công ty Quản lý kinh doanh nhà TPHCM (đã bỏ trốn và đang bị truy nã) vẫn đề xuất cho Hoa tháng năm tham gia góp vốn 30% vào dự án 8-12 Lê Duẩn trong tỷ lệ góp vốn 50% của Công ty Quản lý kinh doanh nhà TPHCM. Đề xuất này được ông Nguyễn Thành Tài chấp thuận tại cuộc họp ngày 17/8/2010.

Không những chỉ được góp vốn, bà Lê Thị Thanh Thúy còn trở thành Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT), người đại diện theo pháp luật của Công ty cổ phần đầu tư Lavenue (ra đời để thực hiện dự án 8-12 Lê Duẩn theo sự chấp thuận của ông Nguyễn Thành Tài).

Tại phiên tòa sáng 17/9, bị cáo Lê Thị Thanh Thúy còn cho biết các cổ đông chỉ phải góp 30% để thực hiện dự án, 70% giá trị dự án đã được một ngân hàng đồng ý cho vay. Riêng về mối quan hệ của bà Thúy và ông Tài, tại phiên xử sáng 17/9, bà Thúy khẳng định là quan hệ giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước, ông Tài không giới thiệu bà Thúy với Công ty Quản lý kinh doanh nhà TPHCM dù 2 người có quen biết nhau từ trước, cụ thể là ông Tài rất thân với một người trong gia đình bà Thúy. 

Ông Tài cũng khẳng định mối quan hệ giữa họ là giữa lãnh đạo TPHCM và với doanh nghiệp, dù cũng thừa nhận có quen biết từ trước với gia đình bà Thúy.

Luật sư trao đổi với các bị cáo trước giờ xử án
Luật sư trao đổi với các bị cáo trước giờ xử án

Cũng theo lời khai của bị cáo Lê Thị Thanh Thúy tại phiên tòa ngày 16/9, vào cuối tháng 8/2010, tại một hội thảo xúc tiến đầu tư, khi được tiếp xúc với ông Lê Hoàng Quân – nguyên Chủ tịch UBND TPHCM - bà Thúy đã trình bày mong muốn được đầu tư một khách sạn 5 sao. Sau khi nghe nói Công ty Quản lý kinh doanh TPHCM nhà có nhiều cơ hội hợp tác đầu tư, bà Thúy đến gặp bà Thủy. 

"Chị Thủy có giới thiệu vài dự án ở quận 1, quận 3, nhưng cuối cùng tôi tâm đắc nên chọn dự án số 8-12 Lê Duẩn để đầu tư. Chị Thủy chia sẻ đây là miếng đất có chủ trương xây khách sạn 5 sao từ năm 2007. Công ty chị đang tìm đối tác để cùng góp vốn phát triển dự án”, bà Thúy khai.

Sau những kiến nghị, đề xuất, bút phê, chỉ đạo... cuối cùng khu đất 8-12 Lê Duẩn (diện tích 4.896,3m2) đã được giao cho Công ty Lavenue đầu tư theo công văn ngày 14/6/2011, người ký là ông Nguyễn Thành Tài. Công ty Lavenue được thuê đất tại địa chỉ 12 Lê Duẩn với giá 3,5 triệu đồng/m2/năm; được giao đất tại mặt bằng số 8 Lê Duẩn với giá 621 tỷ đồng. Công ty Lavenue đã nộp hơn 647 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước.

Ngày 30/7/2019, Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự ở Trung ương kết luận tại thời điểm khởi tố vụ án (ngày 7/12/2018), tổng số tiền định giá nhà và đất tại số 8 và 12 Lê Duẩn là hơn 2.574 tỷ đồng. Sau khi trừ đi 647 tỷ Công ty Lavenue đã nộp, hành vi của các bị cáo trong vụ án đã làm thất thoát cho nhà nước số tiền hơn 1.927 tỷ đồng.

Vụ án đang được xét xử tại Tòa án nhân dân TPHCM từ ngày 16/9 đến 21/9/2020.

Hiếu Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI