Vượt khó khăn để gắn kết

25/11/2022 - 13:27

PNO - Vượt lên những khó khăn, chị Cung Kim Phượng - Ủy viên Ban chấp hành Hội LHPN phường 9, quận 10 - vẫn tập hợp được đông đảo chị em cùng sinh sống tại chung cư tham gia sinh hoạt hội.

Trong thời gian qua, các cấp hội phụ nữ tại TPHCM luôn cố gắng để thu hút chị em phụ nữ ở các chung cư tham gia vào các hoạt động hội. Do nhiều nguyên nhân nên kết quả chưa được như mong muốn. Thế nhưng, tại chung cư Ấn Quang (phường 9, quận 10), vượt lên những khó khăn, chị Cung Kim Phượng - Ủy viên Ban chấp hành Hội LHPN phường 9 - vẫn tập hợp được đông đảo chị em cùng sinh sống tại chung cư. Thứ Bảy hằng tuần, chị em đều cùng nhau dọn dẹp vệ sinh môi trường xung quanh chung cư, trồng cây xanh, rau sạch… 

Chị Cung Kim Phượng (bên phải) tham gia trực chốt, đo thân nhiệt cho người dân  trong giai đoạn cao điểm phòng, chống dịch COVID-19
Chị Cung Kim Phượng (bên phải) tham gia trực chốt, đo thân nhiệt cho người dân trong giai đoạn cao điểm phòng, chống dịch COVID-19

Cụ thể, trước đây, ở đầu lô C của chung cư luôn trong tình trạng ẩm mốc, hôi hám, do các hộ dân thường tập trung rác về đây chờ thu gom. Thấy vậy, chị Kim Phượng đã nhờ 1 thầy giáo mỹ thuật “làm đẹp” lại mảng tường, vận động các dì, các chị ngưng bỏ rác, tự tay mình mang cây cảnh đến trồng tại đây. Thấy không gian được làm mới, sạch đẹp, mọi người chẳng những không vứt rác mà còn mang cây đến tặng chị Kim Phượng. Chân cầu thang kề bên đống rác cũ cũng được sơn sửa để trở thành địa điểm sinh hoạt cho hội viên phụ nữ và người dân. Dần dà, giải pháp “Xanh hóa điểm đen - Biến chỗ để rác thành vườn hoa” của chị Kim Phượng trở thành phong trào trên địa bàn phường. 

Không chỉ dọn dẹp, “trong lành hóa” môi trường sống, chị Kim Phượng còn sâu sát với hoàn cảnh của từng chị em hội viên để kịp thời có giải pháp hỗ trợ. Với 6 lô chung cư, ngoài cán bộ hưu trí, đa phần các hộ đều làm nghề buôn bán, kinh doanh, trình độ dân trí cao nhưng không đồng đều. Vì vậy, trong vận động, tuyên truyền, chị Kim Phượng thực hiện theo nguyên tắc “giao lưu trước, tuyên truyền, vận động sau”. Khi không còn khoảng cách, chị mới chia sẻ về các chương trình, mục tiêu hoạt động của hội, động viên chị em tham gia để cùng nhau phát triển. Nhờ vậy, chung cư Ấn Quang hiện đã có 300 trong khoảng 900 hộ gia đình có thành viên là hội viên hội phụ nữ.
Hơn 15 năm gắn bó với công tác hội, chị Kim Phượng cho biết, chính mình đã thay đổi tích cực nhờ hội nên cũng muốn những chị em, bạn bè xung quanh được như mình. “Hoạt động hội giúp gắn kết những người phụ nữ xa lạ thành 1 cộng đồng, và tôi cảm thấy hạnh phúc khi làm được điều này. Ngoài ra, những chương trình tư vấn, tọa đàm về hôn nhân gia đình, phòng chống bạo lực, nuôi dạy con cái… của hội cũng mang đến nhiều kiến thức, giúp chị tư duy độc lập hơn” - chị Kim Phượng suy nghĩ. 

Hồi dịch COVID-19 lên cao, chung cư bị phong tỏa, chị Kim Phượng được phân công tiếp tế lương thực, thực phẩm, thuốc men cho bà con. Rồi cả nhà chị bị nhiễm bệnh, chồng chị qua đời, để lại cho chị 2 đứa con đang tuổi ăn tuổi lớn và mẹ già, khiến chị suy sụp. 

Tưởng chừng sau biến cố, chị sẽ không còn đủ nhiệt huyết cho công tác xã hội, nhưng rồi chị vẫn xông xáo trong các hoạt động hỗ trợ cộng đồng. “Mình còn mẹ già, con nhỏ, nếu không đứng dậy thì làm sao!” - chị Kim Phượng tâm sự. Để hài hòa chuyện xã hội với gia đình, chị luôn cố gắng sắp xếp, hoàn thành công việc nhanh nhất có thể để có thời gian chăm lo các con và làm thêm nhiều công việc để có thu nhập. 

Trang Thư

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI