Việt Nam bị đánh giá yếu khi tham gia chuỗi giá trị toàn cầu

18/11/2020 - 18:34

PNO - Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, hiện nay mức độ tham gia của Việt Nam vào các chuỗi giá trị toàn cầu và khu vực vẫn còn hạn chế.

Nhận định được nhiều đại biểu đưa ra tại diễn đàn “Dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu và phát triển bền vững vùng cung ứng nguyên liệu sau COVID-19” do Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TPHCM (ITPC) tổ chức ngày 18/11 tại TPHCM.

Cụ thể, mức độ tham gia của Việt Nam vào các chuỗi giá trị toàn cầu (GVC) và khu vực thấp hơn nhiều so với các nước cùng khối ASEAN (Singapore, Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippines).

Nhiều doanh nghiệp Việt mong muốn được các đơn vị hỗ trợ, kết nối để xuất khẩu được sản phẩm sang các nước
Nhiều doanh nghiệp Việt mong muốn được các đơn vị hỗ trợ, kết nối để xuất khẩu được sản phẩm sang các nước

Số liệu của Ngân hàng Thế giới cho thấy, năm 2018, Việt Nam chỉ tạo ra được 20,4 tỷ USD thông qua việc tham gia vào các GVC, xếp thứ 53 trên tổng số 174 quốc gia. Đồng thời, mức độ tham gia vào các công đoạn tinh vi phức tạp của Việt Nam vẫn còn thấp.

Theo Báo cáo Phát triển thế giới (WDR) năm 2020, mức độ tham gia của Việt Nam hiện nay đang ở cấp độ “chế biến chế tạo mức hạn chế” và cần tiến lên GVC để nâng cao năng suất. Một số quốc gia khác trong ASEAN như Malaysia, Thái Lan và Philippines hiện đã ở trình độ “chế biến chế tạo và dịch vụ tiên tiến” (cao hơn 1 cấp so với Việt Nam).

GVC hiện chiếm tới 66% giao dịch thương mại, tuy nhiên mức độ nội địa hóa của Việt Nam vẫn còn ở mức thấp, chỉ đạt 28% trong tổng kim ngạch thương mại, thấp hơn gần 2 lần so với Trung Quốc. Ước tính, cứ 1% tăng lên trong sự tham gia vào GVC sẽ làm tăng mức thu nhập bình quân đầu người lên hơn 1% (nhiều hơn 2 lần so với thương mại truyền thống). Vì vậy, việc tăng cường sự tham gia của Việt Nam vào GVC đóng vai trò quan trọng để thúc đẩy nhanh năng suất và tăng trưởng. 

Nguyễn Cẩm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI