Vì sao hiệu trưởng "dính án", trường vẫn đạt chuẩn quốc gia?

25/11/2020 - 16:34

PNO - Hiệu trường cùng nhiều cán bộ trường "dính án" kỷ luật, song Sở GD-ĐT Nghệ An cho rằng, sai phạm xảy ra đã lâu, khi tập thể nhà trường đã nỗ lực phấn đấu thì cần phải ghi nhận thành tích của trường.

Tháng 3/2020, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Bùi Đình Long ký quyết định công nhận Trường THCS Nghi Vạn (huyện Nghi Lộc, Nghệ An) đạt chuẩn quốc gia sau khi có tờ trình từ Sở GD-ĐT Nghệ An.

Vài tháng sau khi trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia, nguyên hiệu trưởng cùng kế toán, thủ quỹ của trường này phải hầu tòa vì tội “tham ô tài sản” và “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” khiến dư luận đặt nghi vấn về quyết định trên.

Trường THCS Nghi Vạn
Trường THCS Nghi Vạn

Theo hồ sơ vụ án, lợi dụng cơ chế kiểm soát chưa chặt chẽ của các cơ quan chức năng có thẩm quyền, Vương Thị Nga (nguyên kế toán Trường THCS Nghi Vạn) đã cố ý lập sai bảng lương để trình cấp trên duyệt cao hơn thực tế quy định.

Từ năm 2013-2017, nữ kế toán này lập sai dự toán quỹ lương của trường cao hơn thực tế hơn 1,5 tỷ đồng. Trong đó, Nga chiếm đoạt hơn 900 triệu đồng. Lê Thị Tư (thủ quỹ của trường) chiếm đoạt hơn 200 triệu đồng.

Trước khi phiên tòa diễn ra, UBND huyện Nghi Lộc đã quyết định buộc thôi việc đối với kế toán Vương Thị Nga và thủ quỹ Lê Thị Tư; Hiệu trưởng  Đậu Thị Tân bị kỷ luật giáng chức và nhiều giáo viên khác cũng bị kỷ luật khiển trách do liên đới.

Trao đổi về vấn đề này, bà Trần Thị Ánh Tuyết - Phó chủ tịch UBND huyện Nghi Lộc - cho biết, sự việc xảy ra từ năm 2013-2014. Sau khi bị giáng chức hiệu trưởng một thời gian thì bà Tân xin nghỉ việc. Ngoài ra, sau khi xem xét lại, huyện Nghi Lộc cũng đã thu hồi hình thức kỷ luật khiển trách 5 giáo viên của trường do nhận thấy không có tư lợi trong vụ việc.

Trong quá trình xây dựng trường chuẩn những năm gần đây, hiệu trưởng mới rất tốt, rất nỗ lực phấn đấu.

“Trường chỉ có vi phạm về tài chính là một trong 28 tiêu chí của 5 tiêu chuẩn đánh giá, thẩm định trường đạt chuẩn quốc gia mức 1. Vậy nên huyện đã xin được chiếu cố và gửi lên sở để trình xem xét ban hành quyết định công nhận trường chuẩn”, bà Tuyết nói.

Theo bà Tuyết, huyện đã “chiếu cố” cho Trường THCS Nghi Vạn tránh lãng phí cơ sở vật chất đã được đầu tư. Nếu kéo dài thì cơ sở vật chất sẽ xuống cấp, hư hỏng, khi đó sẽ phải đầu tư lại vừa tốn ngân sách, vừa mất thời gian.

Phó chủ tịch UBND huyện Nghi Lộc khẳng định không có chuyện địa phương này đề xuất công nhận đạt chuẩn quốc gia cho Trường THCS Nghi Vạn để chạy theo thành tích như thông tin trên mạng xã hội, bởi thời điểm trước đại hội là tỉnh đã đạt 74% trường chuẩn, vượt chỉ tiêu đề ra; huyện Nghi Lộc cũng đã đạt 87%, vượt chỉ tiêu 7%.

Ông Thái Văn Thành - Giám đốc Sở GD-ĐT Nghệ An - cho hay, trước khi trình UBND tỉnh Nghệ An để công nhận đạt chuẩn quốc gia cho Trường THCS Nghi Vạn, Sở đã yêu cầu UBND huyện Nghi Lộc giải trình về những sai phạm liên quan đến vấn đề tài chính của trường.

“Sau khi kỷ luật thì trường đã có hiệu trưởng, kế toán, thủ quỹ mới. Những năm gần đây, trường phát triển tốt thì cũng phải ghi nhận chứ không thể vì sai phạm của cá nhân trước mà bỏ qua”, ông Thành nói.

Ngày 25/9, TAND tỉnh Nghệ An mở phiên tòa xét xử và tuyên phạt Vương Thị Nga (52 tuổi) 7 năm tù, Lê Thị Tư (56 tuổi) 3 năm tù, cho hưởng án treo về tội “Tham ô tài sản” và Đậu Thị Tân (56 tuổi) 12 tháng cải tạo không giam giữ về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Phan Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI