Vì sao chủ dịch vụ lẫn khách hàng đều ngại quẹt thẻ thanh toán?

02/11/2017 - 17:00

PNO - Trong tháng Mười vừa qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã chỉ đạo phát triển hình thức thanh toán qua máy quẹt thẻ (POS, mPOS và các loại thiết bị chấp nhận thẻ khác) nhằm thúc đẩy hạn chế sử dụng tiền mặt.

Tuy nhiên, trên thực tế, số điểm dịch vụ mua sắm, ăn uống có trang bị máy quẹt thẻ cũng như số khách hàng thanh toán qua hình thức này đều chưa nhiều; thậm chí, một số chủ dịch vụ còn vờ báo “máy hư” để được thanh toán tiền mặt. 

Cửa hàng không trang bị máy, dân không mặn mà

Xu hướng mua sắm ở các cửa hàng, siêu thị, trung tâm thương mại trở nên phổ biến nhưng nhu cầu thanh toán bằng thẻ qua POS vẫn tăng chậm, người dân vẫn thích dùng tiền mặt khi thanh toán.

Theo khảo sát của chúng tôi tại siêu thị Aeon Mall Tân Phú (TP.HCM), trong buổi tối 25/10, có vài trăm lượt khách thanh toán hàng mua sắm nhưng chỉ có khoảng 10 người quẹt thẻ ATM qua máy POS, trong đó có 6 người có thói quen thanh toán qua thẻ ATM, 4 người còn lại do không đem đủ tiền mặt nên mới dùng thẻ và họ cho biết không thích quẹt thẻ vì sợ lộ thông tin.

Khảo sát tại Trung tâm thương mại Diamond Q.1 (TP.HCM) vào đêm 22/10, chúng tôi thấy ở 10 gian hàng mua sắm, ăn uống, giải trí,  cũng chỉ lác đác khoảng chục khách quẹt thẻ thanh toán bằng POS.

Vi sao chu dich vu lan khach hang deu ngai quet the thanh toan?
 

Một số khách cho biết, họ dùng tiền mặt để chi trả bởi đã nhiều lần hỏi thanh toán bằng thẻ nhưng cửa hàng không có máy nên sau đó cứ mua hàng là rút tiền trả cho nhanh.

Thực tế, mạng lưới đặt máy quẹt thẻ cũng chưa đồng đều, chủ yếu tập trung tại siêu thị, trung tâm thương mại hoặc các cửa hàng có tên tuổi ở thành phố lớn.

Ngay ở các thành phố lớn, nhiều cửa hàng đông khách cũng chưa chủ động trang bị máy. Có thể kể, quán cà phê C.On (đường Ngô Thời Nhiệm, Q.3, TP.HCM), có 100-200 lượt khách/ngày nhưng quán không có máy POS; cửa hàng Hoa Quả Tươi (giao lộ Nguyễn Đình Chiểu - Nguyễn Thiện Thuật, Q.3) có đông khách hàng cao cấp nhưng chủ cửa hàng vẫn ưu tiên thanh toán bằng tiền mặt. Nhiều cửa hàng tiện lợi ở các huyện ngoại thành TP.HCM hiện vẫn chưa trang bị máy quẹt thẻ. 

E ngại tốn thêm chi phí

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Sơn - Phó tổng giám đốc kiêm Giám đốc khối Nghiên cứu chiến lược và quan hệ kinh doanh quốc tế, Ngân hàng Thương mại cổ phần Bưu điện Liên Việt, lý do chính khiến các ngân hàng lẫn chủ cửa hàng còn e ngại lắp máy POS là do mất chi phí 2% cho mỗi giao dịch.

Cụ thể, chi phí đầu tư một máy POS khoảng 400 USD, khấu hao trong ba năm; mức phí cửa hàng phải đóng cho ngân hàng khi khách thanh toán thẻ nội địa trung bình là 1%, thẻ quốc tế khoảng 2-2,5% và các ngân hàng phải trả cho tổ chức thẻ quốc tế hơn 1%. 

Chủ quán cà phê C.On chia sẻ: “Với một hóa đơn 3 triệu đồng, nếu khách thanh toán bằng thẻ quốc tế thì tôi phải trả 60.000 đồng. Mỗi tháng, tôi phải trả phí quẹt thẻ không ít, rồi đóng tiền thuế khoảng 800.000 đồng/máy nên sau một thời gian sử dụng, tôi trả máy POS lại cho ngân hàng”. 

Dự kiến đến năm 2020, sẽ có ít nhất 300.000 POS, đồng thời có 100% siêu thị, cửa hàng hiện đại, kho bạc nhà nước có máy quẹt thẻ.

Theo đại diện một ngân hàng, để khuyến khích chủ kinh doanh đặt máy POS, trước hết, cần hạ phí quẹt thẻ. Nhà nước nên làm việc với các tổ chức thẻ quốc tế để có thể hạ phí quẹt thẻ hoặc có chiến dịch giảm phí từng đợt. Trường hợp thẻ quốc tế không giảm phí thì các ngân hàng cần khuyến khích người dân sử dụng thẻ nội địa.

Thẻ thanh toán quốc tế có cái lợi là xài trước, trả sau, miễn lãi suất 45 ngày nên đa phần người dân dùng thẻ quốc tế để thanh toán.

Nếu có nhiều hình thức hấp dẫn như thẻ thanh toán quốc tế thì thẻ thanh toán nội địa sẽ thu hút nhiều người xài hơn. Bên cạnh đó, nên áp dụng mức phí quẹt thẻ phù hợp từng lĩnh vực kinh doanh hoặc giá trị giao dịch. 

Chị Nguyễn Thị Nhung - chủ một đại lý vé máy bay tại xã Bà Điểm, H.Hóc Môn, TP.HCM - cho rằng, không thể tính mức phí kinh doanh ăn uống ngang với mức phí bán vé máy bay.

Ví dụ, mỗi vé máy bay bán ra dù giá trị cao hay thấp, đại lý cũng chỉ lời khoảng 50.000 đồng. Nếu khách mua vé máy bay trị giá 3 triệu đồng, đại lý phải đóng cho ngân hàng 60.000 đồng (phí 2%), tức phải chịu lỗ 10.000 đồng.

Trong khi, hóa đơn kinh doanh ăn uống có giá 3 triệu đồng thì cửa hàng đã lời ít nhất vài trăm ngàn đồng, nếu phải đóng phí 60.000 đồng thì cửa hàng vẫn còn lời. Do vậy, khách muốn quẹt thẻ, chị Nhung đều báo “máy bị hư” để khỏi mất phí. 

Bà Nguyễn Thị Thanh Sơn cho biết, thực tế, nhiều người không mặn mà việc quẹt thẻ vì họ nghĩ rằng, chỉ có thẻ visa mới dùng để thanh toán, còn thẻ ATM thì không. Để khuyến khích người dân quẹt thẻ thanh toán, các ngân hàng cần phải triển khai tích cực các chương trình phổ biến kiến thức đến mọi tầng lớp nhân dân. 

Ngoài ra, người dân cũng còn e ngại tình trạng bị trộm cắp dữ liệu khi quẹt thẻ. Do đó, tiến sĩ Chu Nguyên Bình - Phó tổng giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Bắc Á - cho rằng, các ngân hàng cần sớm triển khai các công nghệ bảo mật tiên tiến, tăng cường kiểm tra, rà soát, giám sát chặt chẽ các đơn vị thanh toán thẻ, đăng ký sử dụng POS nhằm phát hiện kịp thời các hành vi gian lận, trộm cắp tiền. 

Tính đến hết quý II/2017, Việt Nam có khoảng 121 triệu thẻ ngân hàng đã phát hành. Với dân số khoảng 95 triệu dân, tính trung bình, mỗi người dân sở hữu 1,3 chiếc thẻ. Thẻ ATM mở nhiều, nhưng chỉ 15% thẻ được dùng để quẹt thẻ thanh toán, 85% còn lại chỉ dùng để rút tiền. 

(Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam)

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI