Ưu tiên cao nhất trong quyết sách phát triển

10/05/2023 - 05:29

PNO - 44,2 độ C là kỷ lục nhiệt độ nắng nóng cao nhất Việt Nam đã được xác lập vào chiều 7/5 ở tỉnh Nghệ An.

Nắng nóng gay gắt đang hoành hành khắp nơi. Hiện tượng Trái đất nóng dần lên đang tác động tiêu cực tới đời sống, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt và sản xuất, đòi hỏi phải có hành động khẩn cấp ứng phó, thích nghi trước mắt và lâu dài.

Các hiện tượng thời tiết như bão, lũ, nắng nóng, xâm nhập mặn ngày càng nghiêm trọng hơn, diễn biến phức tạp hơn và thường xuyên hơn. Thiên tai bất thường, thời tiết cực đoan không chỉ diễn ra ở những vùng dễ bị tổn thương mà diễn ra trên khắp cả nước.

Hiện tượng Trái đất nóng dần lên đang tác động tiêu cực tới đời sống, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt và sản xuất Gần 13g ngày 5/5, bến xe chợ Vinh vẫn nhộn nhịp cảnh lao động.
Hiện tượng Trái đất nóng dần lên đang tác động tiêu cực tới đời sống, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt và sản xuất (Trong ảnh: Gần 13g ngày 5/5, bến xe chợ Vinh vẫn nhộn nhịp cảnh lao động)

Năm 2009, lần đầu tiên, Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố kịch bản về biến đổi khí hậu, sau đó được cập nhật vào các năm 2012, 2016 và 2020. Các yếu tố khí hậu như nhiệt độ trung bình theo năm, theo mùa và nhiệt độ cực trị; lượng mưa hằng năm, mưa trong các mùa hoàn lưu, mùa khô, mùa mưa, mưa cực trị; một số hiện tượng khí hậu cực đoan như bão và áp thấp nhiệt đới, số ngày rét đậm, rét hại, số ngày nắng nóng và hạn hán.

Chính con người đã góp phần làm trầm trọng thêm tình trạng biến đổi khí hậu bằng hành vi phá rừng, hủy hoại tài nguyên, làm tổn thương nghiêm trọng môi trường.

Nhiệt độ nóng bức, khắc nghiệt là hiện tượng thiên nhiên, nhưng yêu cầu quan trọng trong phát triển bền vững là phòng tránh, giảm thiểu những tác động tiêu cực từ con người, có các giải pháp ứng phó trước mắt và lâu dài. Cần chuyển biến thực chất từ tư duy chống chọi sang chủ động thích ứng thuận thiên, hiệu quả.

Là 1 trong 5 quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, Việt Nam đã cam kết và đã tích cực, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu một cách có trách nhiệm. Tuy nhiên, quá trình này đòi hỏi tính khẩn trương hơn, hành động mạnh mẽ hơn nữa, có những chọn lựa ưu tiên để đảm bảo tính hiệu quả.

Ứng phó với biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan, phục hồi tự nhiên phải trở thành ưu tiên cao nhất trong mọi quyết sách phát triển, là tiêu chuẩn đạo đức cao nhất của mọi cấp, mọi ngành, mọi doanh nghiệp và người dân. Khoa học công nghệ phải đi trước để dẫn dắt và nguồn lực tài chính là đòn bẩy thúc đẩy chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế.

Tư duy chủ động thích ứng thuận thiên cần được nâng tầm lên bằng việc rà soát, cập nhật, điều chỉnh quy hoạch tổng thể quốc gia, vùng miền, từng tiểu vùng, địa phương và từng ngành, nhất là quy hoạch sản xuất, hạ tầng thủy lợi, giao thông và các ngành kinh tế. 

Đối với sản xuất nông nghiệp - đặc biệt là ở vùng đồng bằng sông Cửu Long - cần áp dụng “3 chuyển dịch”, gồm dịch chuyển lịch thời vụ để né hạn, mặn, nắng nóng cực đoan và tận dụng nó để phát triển kết hợp các nguồn năng lượng tái tạo như điện mặt trời; sử dụng giống phù hợp với điều kiện hạn, mặn và mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi có hiệu quả kinh tế hơn cây lúa, kèm theo là các giải pháp kỹ thuật, tín dụng, gắn với thị trường tiêu thụ nông sản; đầu tư nâng cao năng lực cảnh báo sớm thiên tai để chủ động ứng phó.

Những giải pháp công trình là rất cần thiết, nhưng cũng không thể thiếu các giải pháp phi công trình. Chính quyền và người dân không thể ngồi chờ nhưng cũng không nên đổ tiền vội vã vào các công trình cục bộ. Bài toán cân bằng tổng thể, yêu cầu chi phí - lợi ích cần được tính toán hợp lý.

Cần tránh chống chọi thiên tai bằng cách can thiệp thô bạo, tạo ra hệ lụy mới. Cần chú trọng bảo vệ tài nguyên rừng, biển, hệ sinh thái đa dạng, đặc trưng các vùng, miền. Phát triển vùng duyên hải, vùng đặc quyền kinh tế, phát huy vị trí địa kinh tế, chính trị của đồng bằng; thích nghi với hạn mặn, phát triển kinh tế ven biển, kinh tế biển xanh phù hợp… là bước chuyển dịch căn bản để vượt qua khỏi cái bóng của nông nghiệp lúa nước truyền thống từ ngàn đời, hướng đến mục tiêu an toàn, thịnh vượng trong tương lai.

Ứng phó toàn cầu, có chiến lược và chương trình hành động quốc gia, tiếp cận theo vùng, liên vùng, phối hợp liên ngành cùng hành động mới mong thích ứng trước các biến đổi của tự nhiên. 

Tiến sĩ Trần Hữu Hiệp

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI