Từ 1/4, 3 mặt hàng bình ổn giá sẽ tăng giá

30/03/2022 - 11:27

PNO - Từ ngày 1/4/2022, các mặt hàng thịt, trứng gia cầm trong chương trình bình ổn thị trường (BOTT) sẽ áp dụng giá bán mới. Riêng thịt heo vẫn giữ giá bình ổn.

Trao đổi với Báo Phụ Nữ TPHCM, ông Trương Chí Thiện, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt, cho biết các Sở ban ngành đã duyệt giá bình ổn mới mặt hàng trứng gia cầm, áp dụng từ ngày 1/4/2022. Theo đó, trứng gà 29.500 đồng/hộp (10 quả), tăng 1.500 đồng so với giá cũ là 28.000 đồng/hộp (10 quả); trứng vịt 35.000 đồng /hộp (10 quả), tăng 2.000 đồng so với giá cũ là 33.000 đồng/hộp (10 quả).

Bà Phạm Thị Huân - Tổng giám đốc Công ty TNHH Ba Huân cũng xác nhận với phóng viên Báo Phụ Nữ TPHCM mức giá Sở Tài Chính duyệt tăng áp dụng cho trứng gà là 28.000 đồng lên 29.500 đồng/vỉ 10 quả và giá trứng vịt từ 33.000 đồng lên 35.000 đồng/vỉ 10 quả. Tuy nhiên, mức giá này đang chờ UBND TP duyệt, nếu kịp sẽ áp dụng từ ngày 1/4/2022, nếu chậm hơn có thể đến ngày 3, 4/4/2022 mới áp dụng giá bán mới.

Theo ông Thiện, công ty đề xuất xin tăng giá trứng gà, vịt lên 2.000 đồng/vỉ 10 trứng, Sở Tài Chính duyệt tăng 1.500 - 2.000 đồng/vỉ 10 trứng gà, vịt. Mức giá này doanh nghiệp chấp nhận gồng gánh trong một thời gian.

Giá trứng gia cầm trong chương trình bình ổn thị trường chính thức tăng 1.500 đồng/ vỉ 10 trứng gà và tăng 2.000 đồng/vỉ 10 trứng vịt, áp dụng từ ngày 1/4/2022.
Giá trứng gia cầm trong chương trình bình ổn thị trường chính thức tăng 1.500 đồng/ vỉ 10 trứng gà và tăng 2.000 đồng/vỉ 10 trứng vịt, áp dụng từ ngày 1/4/2022

Với sản lượng cung ứng khoảng 1 triệu quả trứng gia cầm/ngày cho thị trường TPHCM và một số tỉnh lân cận, bà Ba Huân cho biết mặc dù giá thức ăn chăm nuôi tăng cao đẩy tổng chi phí đầu vào đã tăng 20 - 30%, nhưng công ty cố gắng để chia sẻ với người tiêu dùng, năm nay Ba Huân quyết định tham gia chương trình BOTT loại trứng gà 650gr/vỉ 10 quả thay vì loại 600gr/vỉ 10 quả như năm trước.

Cũng xác định giảm bớt lợi nhuận, chia sẻ cùng người tiêu dùng, song ông Thiện cũng lo ngại giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng cao và chưa biết đỉnh ở đâu, nông dân sợ giá bán tăng không tương ứng với giá nguyên liệu đầu vào nên trại nào tới lứa thải gà thì sẽ không tái đàn hoặc tái đàn số lượng ít, dẫn tới thiếu hụt nguồn cung. Hiện nguồn cung đang thiếu hụt khoảng 10 - 20%, Vĩnh Thành Đạt vẫn đảm bảo cung ứng cho thị trường từ 700 - 1 triệu quả trứng gia cầm/ngày.

Đại diện công ty TNHH San Hà, Ba Huân cũng cho biết, từ ngày 1/4/2022, giá gà, vịt trong chương trình BOTT cũng chính thức áp dụng giá mới. Theo đó, gà công nghiệp 45.000 đồng/kg, gà thả vườn 67.000 đồng/kg, gà ta 92.500 đồng/kg; vịt 68.000 đồng/kg. Giá gà công nghiệp pha lóc các loại, gồm: đùi 48.000 đồng/kg, ức 48.000 đồng/kg, chân 51.000 đồng/kg, đầu 13.000 đồng/kg.

So với mức giá thịt gà, vịt bình ổn áp dụng từ ngày 1/4/2021 thì mức giá trên tăng từ 5.000 - 8.500 đồng/kg gà các loại và 6.000 đồng/kg vịt. Lãnh đạo hai đơn vị này cho rằng mức giá điều chỉnh đợt này hợp lý, vừa giúp doanh nghiệp giảm bớt áp lực chi phí đầu vào tăng cao, vừa có thể chia sẻ với người tiêu dùng phần nào.

Riêng đối với thịt heo, ông Phan Văn Dũng, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Việt Nam kỹ nghệ súc sản (Vissan), cho hay khi Vissan thực hiện chương trình BOTT, giá heo hơi đăng ký là 51.000 đồng/kg, đến thời điểm này giá heo hơi đã 56.000 đồng/kg. Mặc dù đầu tháng 4/2022 đến chu kỳ BOTT mới, giá cả nhiều mặt hàng leo thang và có đủ các tiêu chí để điều chỉnh tăng giá, nhưng trong cuộc họp với Sở Tài chính hôm qua (29/3), Vissan quyết định không tăng giá hàng BOTT để chia sẻ với người tiêu dùng trong bối cảnh khó khăn hiện nay.

Theo ông Dũng, từ đầu tháng 3/2022, giá xăng dầu tăng liên tục, ảnh hưởng đến giá các nguyên liệu đầu vào và chỉ số tiêu dùng cũng tăng cao, có khả năng ảnh hưởng đến lạm phát cũng tăng cao. Vissan cũng gặp rất nhiều khó khăn, nhu cầu tiêu dùng của người dân chưa phục hồi sau đại dịch, xăng dầu tăng giá đẩy chi phí logistic tăng cao, một số nguyên phụ liệu nhập từ nước ngoài cũng tăng giá theo đà tăng giá của thế giới.

"Trước tình hình trên, Vissan áp dụng đồng loạt nhiều giải pháp, như tìm nguồn nguyên liệu thay thế có tính lâu dài để bù đắp cho nguồn nguyên liệu không nhập được từ nước ngoài; rà soát giảm chi phí; không tăng giá hàng hóa để chia sẻ lợi nhuận với người tiêu dùng...", ông Dũng nói. 

Nguyễn Cẩm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI