Trình diễn áo dài nhăn nhúm sao gọi là tôn vinh áo dài?

19/11/2022 - 18:41

PNO - Trong sự kiện được tổ chức tại đường sách Nguyễn Văn Bình (quận1, TPHCM) vào sáng 19/11, một số chiếc áo dài được trình diễn trong tình trạng nhăn nhúm, nhàu nhĩ.

Chiếc áo dài nhăm nhúm đầy những vết gấp được trình diễn trong sự kiện vào sáng 19/11
Chiếc áo dài đầy những vết nhăn được trình diễn trong sự kiện sáng 19/11

Đó có lẽ là nếp nhăn của quần áo gấp, xếp lâu ngày chưa được ủi. Đáng nói là một số dài được giới thiệu trong sự kiện ở tình trạng này. Một vị khách quay sang người bên cạnh, đặt câu hỏi: “Vì sao có thể như thế?”, khi xem màn trình diễn.

Đây ít nhất là lần thứ 3, trong một sự kiện về văn hoá, áo dài xuất hiện trong tình trạng như thế. Trong một buổi họp báo vào đầu tháng 3/2022, một nhóm vũ công diện áo dài nhăm nhúm lên biểu diễn. Trong đó, chiếc quần phi bóng trông rất luộm thuộm bởi những vết nhăn chi chít, khó có thể đổ thừa do việc di chuyển, đi đứng tạo nên. Một lần khác, trong sự kiện giao lưu văn hoá, có cả khách nước ngoài, áo dài lại xuất hiện trong tình trạng kém chỉn chu tương tự. Thực trạng này tái diễn liên tục khiến công chúng không khỏi đặt vấn đề về ý thức, trách nhiệm của đơn vị tổ chức, quản lý văn hoá lẫn người trình diễn. 

Từ rất lâu, chuyện tươm tất, sạch sẽ trong ăn mặc đã được đề cao hàng đầu. Trải qua một quá trình dài, người Việt Nam từ mặc ấm, đã biết mặc đẹp. Đẹp mỗi thời mỗi khác nhưng sự chỉn chu, tươm tất thì chưa bao giờ thay đổi. Vì lẽ đó, hình ảnh chiếc áo dài nhăm nhúm, xuất hiện công khai trước đám đông khó được chấp nhận, là hiển nhiên. Đó không chỉ là vấn đề của một cá nhân, tổ chức, mà còn chạm đến lòng tự hào, sự tự tôn của một cộng đồng, dân tộc. 

Hai chiếc áo dài khác cũng có nhiều vết nhăn
2 chiếc áo dài khác cũng có nhiều vết nhăn từ áo đến quần trông rất luộm thuộm

Áo dài đang trong tiến trình để được xác lập là di sản của quốc gia, tiến đến phạm vi thế giới. Trang phục này không chỉ dừng lại ở việc làm đẹp, che chắn đơn thuần, mà bên trong còn gói gọn lịch sử, văn hoá của dân tộc, trải dài hàng trăm năm. 

Trong một cuộc trò chuyện vào tháng 4/2022, bà Venny Afwany Alamsyah (nghệ nhân, nhà nghiên cứu văn hoá nổi tiếng của Indonesia) cho biết qua áo dài người ta dễ hình dung được sự thanh lịch của người Việt Nam. Tin rằng, chính người Việt phải càng hiểu điều này, để giữ gìn, phát huy. Sự thanh lịch cũng bao hàm cả sự tươm tất, gọn gàng. Để chiếc áo dài xuất hiện phẳng phiu trước mắt công chúng, chắc chắn không phải chuyện khó, quan trọng con người có nghiêm túc thực hiện hay không. 

Có rất nhiều chiến dịch, thông điệp để truyền đi tình yêu với áo dài. Công chúng cũng từng vài lần “tranh đấu” để khẳng định áo dài là bản sắc, là văn hoá của người Việt trong bối cảnh “tranh tối, tranh sáng” về văn hoá. Nhưng yêu áo dài, trước tiên phải được chúng xuất hiện trong hình ảnh chỉn chu, mực thước, trước khi tính đến những chuyện lớn lao hơn. Vì đó cũng là cách thể hiện lòng tự tôn dân tộc.

Hà Anh 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI