Tranh thủ “thời gian vàng” giải toả áp lực chọn ngành cho học sinh cuối cấp

13/02/2022 - 15:51

PNO - Nhiều “lỗ hổng” hướng nghiệp của học sinh khối 12 đang được các trường THPT tại TPHCM tận dụng thời gian vàng học trực tiếp triển khai tư vấn, giải toả áp lực chọn ngành cho học sinh cuối cấp.

“Ba bên, bốn phía” cùng vào cuộc

Ngay khi bước vào chương trình học kỳ 2, Trường THCS-THPT Phạm Ngũ Lão (Q.Gò Vấp) đã mạnh dạn phối hợp với các trường đại học tổ chức chương trình tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh cho học sinh khối 12. 

Theo đại diện nhà trường, thiệt thòi của học sinh khối 12 năm nay là phải học trực tuyến kéo dài suốt học kỳ 1, cộng thêm gián đoạn việc học trong năm học trước do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Các em chưa được tiếp cận đầy đủ, trọn vẹn những chương trình hướng nghiệp thường niên của trường.

Tranh thủ thời gian vàng học trực tiếp, trường THPT tại TP.HCM tổ chức đa dạng hoạt động tư vấn hướng nghiệp
Tranh thủ thời gian vàng học trực tiếp, trường THPT tại TPHCM tổ chức đa dạng hoạt động tư vấn hướng nghiệp

“Công tác hướng nghiệp cho học sinh cuối cấp để đạt hiệu quả thì phải được làm liên tục ngay từ năm lớp 10, phải có sự hỗ trợ từ nhiều phía. Trong khi đó, học sinh khối 12 năm nay lại chịu ảnh hưởng nhiều do dịch. Vì vậy, nhà trường tận dụng thời gian vàng học trực tiếp để tổ chức, đẩy mạnh các hoạt động hướng nghiệp, tuyển sinh, hỗ trợ các em tìm hiểu các ngành nghề, chọn được ngành học phù hợp với năng lực của mình”, đại diện Trường THCS-THPT Phạm Ngũ Lão bày tỏ. 

Tương tự, Trường THPT Lê Quý Đôn (Q.3) cũng đang xây dựng kế hoạch tư vấn tuyển sinh trực tiếp cho học sinh khối 12 trong thời gian học trực tiếp. Dù còn băn khoăn về dịch bệnh song lãnh đạo nhà trường cho biết, công tác tổ chức sẽ đảm bảo các biện pháp phòng dịch. Buổi tư vấn được tổ chức tại sân trường trong không gian thoáng để vừa phòng dịch, vừa giúp học sinh cuối cấp giải toả được áp lực trong chọn ngành, trường.

Theo kế hoạch, cuối tháng 2/2022, Trường THPT Nguyễn Công Trứ (Q.Gò Vấp) sẽ có buổi tư vấn hướng nghiệp trực tiếp cho học sinh khối 12. Việc tổ chức tư vấn chuyên sâu về các ngành, nghề, các hướng đi sau khi tốt nghiệp THPT cũng đang được trường cân nhắc cách thức tổ chức trực tiếp, làm sao đảm bảo an toàn phòng dịch cao nhất cho học sinh.

Phó hiệu trưởng Lý Thị Hồng Thắm cho hay, suốt thời gian học trực tuyến, đều đặn mỗi thứ 7 trường đều phối hợp với một số trường đại học tổ chức hướng nghiệp cho học sinh cuối cấp theo các nhóm ngành nghề. GVCN tổ chức các hoạt động định hướng nghề nghiệp. 

Tuy vậy, hình thức này cũng gặp một số hạn chế như nghẽn mạng, thiếu tính tương tác, học sinh e dè trong đặt câu hỏi. GVCN dù hỗ trợ học sinh tư vấn song chỉ có thể một cách khái quát nhất chứ không thể nào tư vấn chi tiết về các ngành nghề. Tận dụng thời gian vàng học trực tiếp, nhà trường muốn bổ khuyết các thông tin mà học sinh còn thiếu sót, hạn chế.

“Việc hướng nghiệp đòi hỏi đi sâu vào đặc thù riêng của từng ngành. Điều này chỉ có thể hiệu quả khi có sự vào cuộc cùng định hướng từ “ba bên, bốn phía”, tức là nhà trường, phụ huynh, GVCN và cả trường đại học”, cô Thắm chia sẻ.  

Phát sinh nhiều “lỗ hổng” ngành nghề của học sinh 

“Cùng con chọn trường thi” là chủ đề buổi họp phụ huynh khối 12 được Trường THPT Nguyễn Du (Q.10) tổ chức ngay trong tuần đầu tiên học sinh trở lại trường sau kỳ nghỉ tết. 

Buổi họp cung cấp đến phụ huynh thông tin về kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, các giai đoạn học, ôn cho học sinh khối 12 trong học kỳ 2. Đặc biệt là giúp phụ huynh có cái nhìn toàn diện, khách quan về việc chọn ngành học, trường học, hỗ trợ học sinh chọn các ngành học phù hợp nhất.

Tới đây, trường sẽ liên tiếp tổ chức các hoạt động tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh trực tiếp cho học sinh để học sinh nắm rõ về các ngành nghề, phương thức tuyển sinh của các trường đại học. Công tác tư vấn cũng được đẩy mạnh qua các kênh GVCN, giáo viên tâm lý, fanpage của trường…

Hiệu trưởng Huỳnh Thanh Phú chia sẻ, thời gian học trực tuyến, trường đã tổ chức nhiều chương trình tư vấn hướng nghiệp trực tuyến cho học sinh khối 12 song hiệu quả của các chương trình này vẫn không thể bằng trực tiếp.

Nhiều học sinh khối 12 còn rất yếu và thiếu kiến thức hướng nghiệp
Nhiều học sinh khối 12 còn rất yếu và thiếu kiến thức hướng nghiệp

“Vẫn sẽ còn một bộ phận học sinh chưa nhận thức đầy đủ về các ngành nghề. Do vậy, giai đoạn này học sinh rất cần nhà trường, giáo viên, phụ huynh thấu hiểu và đồng hành trong việc tư vấn, định hướng cho các em ngành học, trường học phù hợp. Điều này cực kỳ quan trọng trong bối cảnh dịch bệnh khi nhiều ngành nghề đang bị nhiễu thông tin…”, ông Phú nhìn nhận. 

Chuyên gia tư vấn hướng nghiệp - ThS. Phạm Doãn Nguyên thẳng thắn, đến thời điểm này học sinh khối 12 vẫn còn rất “thiếu” và “yếu” thông tin về hướng nghiệp, ngành nghề. Các chương trình tư vấn hướng nghiệp trực tuyến dù đã linh hoạt tiếp cận học sinh song chưa thực sự sâu như mong đợi do các hạn chế về mặt tương tác. 

“Nhiều học sinh đến giờ còn rất mù mờ về ngành nghề. Khi tư vấn trực tiếp, nhiều em đặt câu hỏi rất… ngô nghê về ngành học, việc làm. Chứng tỏ còn một bộ phận học sinh hổng kiến thức hướng nghiệp. “Lỗ hổng” này có thể được bổ trợ từ chính các chương trình tư vấn trực tiếp, từ phía GVCN, sự hỗ trợ của phụ huynh. Từ sự định hướng của người lớn, các em sẽ biết cách đi đúng hướng, chọn được ngành học phù hợp với năng lực”, ThS. Phạm Doãn Nguyên nhận định. 

Phụ huynh nên đồng hành thay vì áp đặt

Hiệu trưởng Huỳnh Thanh Phú nhìn nhận quan niệm con cứ phải vào Bách Khoa, Ngoại Thương đã là rất xưa rồi song vẫn tồn tại trong một số phụ huynh.

Muốn cởi bỏ thì từ nhà trường phải có định hướng đúng đắn, đồng hành cùng phụ huynh để các em chọn môi trường học tập phù hợp với năng lực. Hơn nữa còn giúp các em mạnh dạn theo đuổi đam mê của mình ở các ngành học đang chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 như Du lịch, Y dược…

Phụ huynh nên đồng hành cùng con thay vì áp đặt, là người chắp cánh ước mơ cho con chứ không phải là người bắt con thực hiện ước mơ của mình.

Tấn Dũng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI