PNO - Không thể bàn cãi về trạng thái nhân loại đang gồng mình chống chọi lại đại dịch COVID-19. Việt Nam cũng không nằm ngoài vòng xoáy, với con số mắc và tử vong ngày càng nhiều. Thế mà, chúng ta vẫn phải loay hoay với việc tổ chức kỳ thi để xét tốt nghiệp THPT hết đợt một đến đợt hai…
Nếu hỏi có thể tổ chức kỳ thi được không? Câu trả lời là có thể. Song, chúng ta tổ chức kỳ thi để làm gì, đặt trong bối cảnh có sự nguy hiểm và tốn kém.
Liệu còn có đợt ba?
Cuối cùng, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) cũng ấn định thời gian tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt hai vào ngày 6 và 7/8 (thí sinh làm thủ tục dự thi vào ngày 5/8). Thời điểm trên, 19 tỉnh, thành khu vực phía nam vừa thực hiện xong giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 bốn ngày, dĩ nhiên đó là khi các địa phương khống chế được dịch. Trong khi đó, phần lớn thí sinh thi đợt hai lại tập trung nhiều ở các tỉnh, thành phía nam. Có khoảng 26.000 thí sinh ở 42 tỉnh, thành chưa dự thi đợt một có nguyện vọng tham dự thi đợt hai. Đây là các thí sinh thuộc diện F0, F1, F2 hoặc ở khu vực cách ly, phong tỏa do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Trong đó, tỉnh An Giang có số thí sinh dự thi đợt hai nhiều nhất, tiếp đến là Đồng Tháp, Bình Định, TP.HCM…
Ông Trần Quang Bảo, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Kiên Giang, cho biết: Có 67 thí sinh thi dự thi đợt hai tại Kiên Giang và chỉ tổ chức tại một điểm thi. Trong đó, tỉnh có 54 thí sinh. Sở GD-ĐT có xin UBND tỉnh đồng ý cho 13 thí sinh của địa phương khác gửi về thi gồm TP.HCM năm em, Hậu Giang bảy và Quảng Trị một. Hiện tỉnh đã xây dựng các kịch bản tổ chức thi trong thời điểm phòng, chống dịch COVID-19.
Nếu trong thời gian thi, có thí sinh xảy ra trường hợp các F thì tùy theo trường hợp F nào sẽ thực hiện theo kịch bản của F đó. Nếu có thí sinh là F0 thì ngừng thi để được xét đặc cách theo quy định của Bộ GD-ĐT. Trường hợp thí sinh là F1, F2 thì thi tại một phòng thi riêng biệt và ăn ở tại điểm thi.
Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT đợt một tại TP.HCM - ẢNH: TIÊU HÀ
“Triển khai công tác thi tốt nghiệp THPT ngay thời cao điểm phòng, chống dịch bệnh như hiện nay, thuận lợi thì ít mà khó khăn thì nhiều. Tuy nhiên, những khó khăn đó không vượt tầm kiểm soát của Sở GD-ĐT tham mưu cho UBND tỉnh”, ông Trần Quang Bảo nhấn mạnh.
Một cán bộ ngành giáo dục TP.HCM khi được hỏi về kế hoạch tổ chức thi đợt hai đã tình thật chia sẻ là không dám nói trước. Bởi theo ông, giữa tình hình dịch bệnh thế này, kế hoạch rất dễ... việt vị. Cũng không loại trừ tình huống đến ngày thi, nhiều thí sinh vẫn không thể dự thi, ở đợt một đã thấy rõ điều này.
Chiều 20/7, Bộ GD-ĐT có hướng dẫn tổ chức kỳ thi đợt hai. Trong đó, đối tượng dự thi lần này gồm: thí sinh bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên chưa dự thi hoặc không thể hoàn thành thi đợt một, thí sinh chưa dự thi hoặc đã dự thi nhưng không thể hoàn thành thi đợt một vì các lý do khác với lý do bị ảnh hưởng bởi dịch. Một giáo viên THPT tại tỉnh Đồng Nai đặt ra tình huống trong đợt hai, vẫn có thí sinh vì dịch không thể dự thi thì liệu có diễn ra đợt ba hay sẽ xét đặc cách tốt nghiệp?
“Nếu vẫn phải xét đặc cách cho những thí sinh không thể thi đợt hai thì rõ ràng không có giải pháp tối ưu cho tất cả. Vậy tại sao phải tổ chức thêm một đợt thi chỉ với khoảng 26.000 thí sinh giữa lúc cả nước vẫn căng mình chống dịch? Tổ chức một hội đồng thi dù với bao nhiêu thí sinh vẫn phải đảm bảo đủ thành phần, quy trình, lên kịch bản từng tình huống… rất tốn kém cả người lẫn tài chính”, vị này cho biết.
Thêm áp lực lên các địa phương
Theo Bộ GD-ĐT, tổ chức thi đợt hai, các sở GD-ĐT thành lập hội đồng thi để tổ chức thi tại địa phương; hoặc có thể trao đổi, thống nhất để chuyển thí sinh đến thi ở hội đồng thi của địa phương khác. Trong trường hợp chuyển thí sinh đến dự thi ở hội đồng thi của địa phương khác, sở GD-ĐT nơi thí sinh nộp hồ sơ đăng ký dự thi chịu trách nhiệm chuyển các thông tin cần thiết cho hội đồng thi nơi thí sinh chuyển đến dự thi để phục vụ công tác tổ chức thi. Đồng thời, bảo đảm việc đi lại, ăn nghỉ đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch và an toàn sức khỏe, ổn định tâm lý cho thí sinh trong quá trình dự thi…
Tổ chức một đợt thi trên diện rộng phải xử lý bao nhiêu tình huống xảy ra để đảm bảo quyền lợi cho thí sinh và an toàn cho tất cả người tham gia kỳ thi. Câu hỏi đặt ra là vất vả như vậy để đạt mục tiêu gì?
Thạc sĩ Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (Q.10, TP.HCM), cho biết: “Việc tổ chức hai đợt thi cách nhau một tháng là bình thường trong bối cảnh bình thường. Nhưng nhân loại đang ở giữa đại dịch, tình hình dịch trong nước đang bùng phát mạnh mẽ. Nhiều địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội sẽ rất vất vả để chuẩn bị tổ chức ngay kỳ thi. Quyết định này của Bộ GD-ĐT gây thêm áp lực lên các địa phương, khó khăn chồng khó khăn”.
Theo thầy Huỳnh Thanh Phú, quyền lợi cao nhất lúc này của học sinh là an toàn chứ không phải học tập. Tổ chức thêm một đợt thi, lại tập trung người trong khi chủng vi-rút mới lây lan siêu nhanh. Kinh nghiệm từ thi đợt một cho thấy, thi xong, nhiều trưởng điểm thi, thí sinh thành F. Nếu muốn tổ chức thi hãy đợi khi dịch được khống chế thực sự, nếu không hãy xét đặc cách tốt nghiệp, xét tuyển đại học để các trường đại học lo.
Theo hiệu trưởng một trường phổ thông, để tổ chức một kỳ thi, tốn kém rất nhiều. Thù lao cho một nhân viên phục vụ điểm thi khoảng 500.000 đồng/người, cán bộ coi thi khoảng 600.000 đồng/người, phó điểm thi khoảng 1,2 triệu đồng/người, trưởng điểm thi khoảng 1,5 triệu đồng/người. Đó là chưa kể các lực lượng khác ngoài ngành giáo dục phục vụ kỳ thi, sao in đề, vận chuyển, chấm thi, thanh tra… đều có thể tính ra bằng con số. Ở đợt một, TP.HCM huy động hơn 12.000 giáo viên, cán bộ tham gia làm nhiệm vụ, số tổng không nhỏ. Tính trên bình diện cả nước, trong đó nhiều địa phương phải vận chuyển đề thi bằng tàu, con số là khổng lồ. Đổi lại, kết quả tốt nghiệp dù chưa có nhưng thường không thấp dưới 90%.
“Tôi nghĩ rằng kỳ họp Quốc hội tới, các nhà chức trách cần xem xét lại Luật Giáo dục 2019. Đây là những điều khoản được xây dựng cho hoàn cảnh bình thường. Khi đại dịch xảy ra, cần thay đổi kịp thời và phù hợp với tình hình mới. Trong hoàn cảnh đặc thù không thể tổ chức kỳ thi, việc xét tốt nghiệp THPT giao về cho địa phương”, thầy Huỳnh Thanh Phú đề xuất.
Ngày 3/11, Thành Đoàn TPHCM phối hợp cùng Trung tâm Hỗ trợ học sinh, sinh viên thành phố tổ chức ngày hội “Học sinh Trung học phổ thông” năm học 2024-2025.
Đại diện nhà trường cho biết, đã giải quyết các khó khăn chồng chất của nhà trường trong suốt 2 tháng qua, AISVN dự kiến khai giảng trở lại vào tháng 1/2025.
Đề xuất này được ông Huỳnh Văn Chương - Cục trưởng Quản lý chất lượng - nêu tại hội nghị tổng kết kỳ thi tốt nghiệp THPT giai đoạn 2020-2024 sáng 31/10.
Sáng 31/10, Bộ GD-ĐT tổ chức hội nghị tổng kết công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT giai đoạn 2020-2024, chuẩn bị kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025.
Sáng 30/10, Sở GD-ĐT TPHCM tổ chức sơ kết kết quả thực hiện kế hoạch xây dựng "Thành phố học tập toàn cầu UNESCO trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2024-2030".