Trăm mối lo toan khi tết cận kề - Bài 2: Doanh nghiệp tìm mọi cách giữ chân người lao động

06/01/2022 - 06:16

PNO - Tăng tiền lương, tiền thưởng so với mọi năm, tặng vé xe cho người lao động về quê ăn tết, thưởng tiền cho người quay lại công ty sau tết, cải tiến quy trình sản xuất để tăng năng suất và thu nhập cho lao động… là những giải pháp của các doanh nghiệp nhằm giữ chân người lao động.

Không để người lao động chịu thiệt

Tùy lĩnh vực kinh doanh và tình hình hoạt động mà mỗi doanh nghiệp (DN) có cách chăm lo cho người lao động khác nhau. Do có sự tăng trưởng mạnh nên DN sản xuất lương thực, thực phẩm, DN dệt may có mức thưởng cho người lao động cao hơn các DN ở lĩnh vực khác.

Bà Trần Thị Kiều Oanh - Giám đốc nhân sự Sài Gòn Food - cho biết năm nay, toàn thể nhân sự thuộc hội đồng quản trị chia sẻ ngân sách để bảo toàn chính sách chăm lo tết cho cán bộ, công nhân viên. Mỗi người lao động sẽ được thưởng hai tháng lương, thưởng thâm niên, tiền phép năm. Công ty còn tặng quà tết, tổ chức xe cho công nhân về quê ăn tết và trở lại làm việc. Dự tính, kinh phí dành chăm lo tết cho người lao động của Sài Gòn Food là hơn 36 tỷ đồng.

Ông Phạm Xuân Hồng - Chủ tịch Hội Dệt May Thêu Đan TPHCM - thông tin dù vẫn còn nhiều khó khăn nhưng lĩnh vực dệt may vẫn tăng trưởng từ 15 - 20% nên các DN dự tính sẽ thưởng cao hơn so với năm 2020. Riêng ở Công ty cổ phần May Sài Gòn 3, mức thưởng sẽ cao hơn 10% so với năm 2020.

Ngoài tăng tiền thưởng, Sài Gòn Food sẽ cải tiến quy trình, đầu tư thiết bị để giúp người lao động tăng thu nhập trong năm 2022 ảnh: Sài Gòn Food
Ngoài tăng tiền thưởng, Sài Gòn Food sẽ cải tiến quy trình, đầu tư thiết bị để giúp người lao động tăng thu nhập trong năm 2022 ảnh: Sài Gòn Food

Theo bà Lý Thanh Phong - Giám đốc Công ty TNHH 3D Hub Global - các dự án sản xuất tranh phục vụ quảng cáo, công trình kiến trúc, nhà hàng, khách sạn trong nước bị ngưng và chậm lại nhưng may mắn là các đơn hàng quốc tế vẫn ổn định, giá trị đơn hàng ngày một lớn hơn. Đồng thời, do thiếu nhân sự, đơn hàng cuối năm lại nhiều, nhân viên tăng ca liên tục nên thu nhập của người lao động cũng gia tăng. Nhờ đó, DN vẫn tạo được công ăn việc làm và đảm bảo đời sống cho người lao động.

Bà khẳng định: “Mức thưởng năm nay dự kiến tăng so với mọi năm. Đối với nhân viên làm việc dưới một năm, công ty thưởng theo tháng với mức trung bình 1 triệu đồng/tháng làm việc. Chẳng hạn, nếu làm mười tháng thì thưởng 10 triệu đồng và ai cũng được nhận tiền thưởng”.

Một số DN kinh doanh ít hiệu quả vẫn cố gắng giữ mức thưởng bằng với năm 2020, đồng thời tặng thêm quà cho người lao động. Như Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Xuất nhập khẩu Phát Linh TAB chủ yếu kinh doanh bằng hình thức online nên ngân sách giảm mạnh nhưng vẫn cố gắng duy trì mức lương và thưởng tết như mọi năm. Bà Võ Thị Thùy Trang - Giám đốc DN này - cho biết bà đang tự làm thêm mứt, dưa kiệu các loại để tặng cho nhân viên và đại lý.

Do ảnh hưởng của dịch bệnh, Công ty cổ phần ATZ Life đã đóng cửa nhiều cửa hàng tại các trung tâm thương mại trên toàn quốc, chuyển một số cửa hàng sang kinh doanh online nhưng do sức mua yếu nên doanh số rất thấp, chưa đủ để bù đắp chi phí vận hành. Trong suốt 20 năm kinh doanh, công ty này vẫn luôn thưởng một tháng lương cho người lao động. Năm nay, dù khó khăn, công ty vẫn trích một phần quỹ dự phòng để thưởng vào dịp tết.

Bà Thanh Tâm - Giám đốc ATZ Life - nói: “Hiện tại, chúng tôi đang cân đối ngân sách nên chưa có con số cụ thể. Nhưng ngoài tiền mặt, ATZ Life sẽ thưởng bằng hiện vật là các sản phẩm cao cấp của công ty như nến thơm, túi thơm, tinh dầu và các sản phẩm chăm sóc sức khỏe. Hy vọng những nỗ lực của DN sẽ mang lại nhiều niềm vui cũng như giữ chân được người lao động trong bối cảnh nhiều người quyết định trở về quê sinh sống do e ngại dịch bệnh bùng phát”.

Tương tự, kết quả kinh doanh của Công ty TNHH gỗ VAM Furniture - không đạt mục tiêu đề ra nên mức thưởng tết dự kiến sẽ thấp hơn so với năm 2020. Mức thưởng bình quân cho mỗi người lao động sẽ tương đương với một tháng thu nhập bình quân trong năm. Ông Nguyễn Thanh Tuấn - Giám đốc công ty - cho biết sẽ tặng thêm quà cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn, mua vé xe cho người lao động quay trở lại làm việc sau tết.

Thưởng cho người quay lại sau tết

Ông Phạm Xuân Hồng cho biết, điều các DN dệt may đang lo lắng chính là thiếu lao động sau tết. Ông nói, hiện nay hầu hết các DN vẫn còn thiếu lao động do một số ở quê chưa quay trở lại, số người mắc COVID-19 tăng nhanh, số lao động xin nghỉ ở nhà trông con, hỗ trợ con học trực tuyến còn nhiều. Những năm trước, cứ sau kỳ nghỉ tết, DN lại thiếu lao động do công nhân chưa muốn đi làm hoặc nghỉ việc luôn. Năm nay, dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương nên chắc chắn sau tết, lại xảy ra tình trạng thiếu lao động. Đó lại là thời điểm DN cần nhiều lao động để đáp ứng đơn hàng cho đối tác.

“Mới đây Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TPHCM dự báo, nhu cầu lao động hiện nay của DN dệt may, điện tử là khoảng 30.000 người; sau tết cần khoảng 75.000 người. Để thu hút người lao động quay trở lại làm việc sau tết, Công ty cổ phần May Sài Gòn 3 cam kết thưởng thêm từ 1-2 triệu đồng/người nếu họ quay trở lại làm việc” - ông Phạm Xuân Hồng chia sẻ.

Sài Gòn Food đã lên kế hoạch sản xuất và đảm bảo việc làm cho 100% người lao động trong năm 2022. Hiện công ty đang có nhu cầu tuyển thêm 300 công nhân để tăng sản lượng trong năm mới. Công ty sẽ thưởng cho những người quay trở lại làm việc đúng lịch 700.000 đồng/người. “Chúng tôi đã thành lập Ban Hỗ trợ an sinh công nhân viên để chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của công nhân viên, đặc biệt là công nhân sản xuất. Chúng tôi cũng sẽ tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 mũi ba để đảm bảo an toàn cho người lao động. Chúng tôi cũng thực hiện các dự án cải tiến quy trình, đầu tư thiết bị, giúp người lao động tăng năng suất và tăng thu nhập tối thiểu 20% so với năm 2021” - bà Trần Thị Kiều Oanh nói về kế hoạch giữ chân người lao động của DN.

Bà Nguyễn Ngọc Hương - Giám đốc điều hành Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thiên Nhiên Việt - cho biết trong năm 2021, DN không để nhân viên nào phải mất việc. Với mục tiêu mở rộng và bứt phá đã đề ra cho năm 2022, bà Ngọc Hương cũng cam kết sẽ tạo thêm nhiều việc cho người lao động hơn nữa.

Theo khảo sát mới đây của Việc Làm Tốt - kênh tuyển dụng và tìm kiếm việc làm online - sau đợt giãn cách xã hội, đã có ít nhất 1,3 triệu người rời các thành phố lớn về quê tránh dịch. Chỉ có 58% người đã về quê có dự định quay trở lại TPHCM làm việc, 42% còn lại khẳng định sẽ không quay lại.

Sau đợt giãn cách xã hội, mức độ đầu tư của DN nước ngoài (FDI) vào Việt Nam vẫn tăng trưởng tích cực; số lượng việc làm đăng tuyển trên trang Việc Làm Tốt tăng gấp ba lần, số lượt truy cập tìm việc tăng mười lần so với thời gian giãn cách. Bà Trần Ngọc Minh - Giám đốc Việc Làm Tốt - nhận định: “Sự phát triển về công nghiệp, dịch vụ vẫn tập trung ở một số thành phố lớn. Lượng công việc sẵn có ở các địa phương khó đáp ứng được hết lượng lao động gia tăng đột biến do rời thành phố cùng lúc. Khi không tìm được việc ở quê nhà, người lao động sẽ phải quay trở lại TPHCM tìm việc làm ngay sau tết. Do vậy, lượng ứng viên sau tết sẽ tăng”. 
 

Bài cuối: Cần giải pháp căn cơ cho doanh nghiệp và người lao động

Nguyễn Cẩm -Thanh Hoa

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI