TPHCM và 13 tỉnh, thành miền Tây Nam bộ bàn giải pháp phát triển du lịch nông nghiệp

20/05/2022 - 17:07

PNO - Ngày 20/5, tại Đồng Tháp đã diễn ra Diễn đàn kết nối du lịch lần thứ II năm 2022 giữa TPHCM và 13 tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long với sự chủ trì của lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Tháp và TPHCM.

Tại diễn đàn, ông Phan Đình Huê - chuyên gia tư vấn du lịch cho biết, hiện nay tất cả cả địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long đều phát triển được các điểm du lịch nông nghiệp. Như tỉnh Trà Vinh với cồn Chim, cồn Hô. Long An với các trang trại ở Đồng Tháp Mười. Vĩnh Long có các nhà vườn cù lao An Bình. Cà Mau trải nghiệm lấy mật ong rừng U Minh... Đáng chú ý, mô hình "Hội quán làm du lịch" của Đồng Tháp đã gắn kết các chủ cơ sở du lịch nông nghiệp trên địa bàn, để phát triển sản phẩm và thị trường hiệu quả.

Diễn đàn kết nối du lịch TPHCM và Đồng bằng sông Cửu Long diễn ra tại Đồng Tháp ngày 20/5
Diễn đàn kết nối du lịch TPHCM và Đồng bằng sông Cửu Long diễn ra tại Đồng Tháp ngày 20/5

Cũng theo ông Huê, khi làm du lịch thì nhà cửa, ruộng vườn phải sạch đẹp, gia chủ phải ăn mặc tươm tất và ứng xử văn minh - lịch sự, đó là cái được lớn hơn doanh thu. "Cái nhà nông cần làm là sản xuất nông sản sạch, chất lượng cao, chế biến thực phẩm an toàn... Và, giữ được cái "trời cho" là cảnh quan, môi trường, không khí trong lành để cùng bán cho khách du lịch, là có thu nhập", ông Huê chia sẻ.

Nhiều đại biểu đánh giá cao tiềm năng du lịch tại vùng đồng bằng châu thổ này, nhất là du lịch gắn với hoạt động sản xuất nông nghiệp.

Phần lớn các địa phương miền Tây Nam bộ mới chỉ tập trung khai thác sản phẩm du lịch sông nước, miệt vườn và đờn ca tài tử...
Phần lớn các địa phương miền Tây Nam bộ mới chỉ tập trung khai thác sản phẩm du lịch sông nước, miệt vườn và đờn ca tài tử...

Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng cho rằng việc phát triển du lịch nông nghiệp còn nhiều mặt hạn chế như sản phẩm đơn giản, hệ thống đơn điệu, chưa gây ấn tượng để níu chân du khách lưu trú lâu ngày... Phần lớn các địa phương mới chỉ tập trung khai thác sản phẩm du lịch sông nước, miệt vườn và đờn ca tài tử. Do vậy, hoạt động du lịch chưa đạt hiệu quả cao, khả năng cạnh tranh hạn chế, trong khi sự cạnh tranh nội vùng ngày càng gia tăng.

Theo ông Phạm Thiện Nghĩa - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, các tỉnh miền Tây Nam bộ có thế mạnh là sản phẩm du lịch gắn với đặc sản làng nghề sẽ giúp du khách có trải nghiệm lý thú về một vùng đồng bằng châu thổ hiền hòa, mến khách với ẩm thực độc đáo, đậm hương sắc đồng quê.

Phó chủ tịch UBND TPHCM
Phó chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức cho rằng, để vực dậy tiềm năng du lịch, cần có sự đầu tư của các doanh nghiệp lớn và chuyên nghiệp 

Ông Dương Anh Đức - Phó chủ tịch UBND TPHCM thông tin thêm, phát triển du lịch nông nghiệp không chỉ có ý nghĩa đối với du lịch mà còn giúp ích cho hoạt động sản xuất nông nghiệp, xây dựng phát triển nông thôn, cũng như cải thiện đời sống bà con nông dân. Nông nghiệp tạo điều kiện để hình thành các sản phẩm du lịch phục vụ nhu cầu của du khách. Hoạt động du lịch lại góp phần quảng bá và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nâng cao giá trị nông phẩm, tạo việc làm và tăng thu nhập cho nông dân, góp phần phát triển nông thôn bền vững.

"Để có thể vực dậy tiềm năng du lịch nông nghiệp miền Tây Nam bộ, cần thiết phải có những nhà đầu tư chuyên nghiệp, doanh nghiệp du lịch lớn đầu tư vào vùng đất này", ông Dương Anh Đức nhận định.

Đông Phong

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI