TPHCM: Hơn 90 chủ trường mầm non kiến nghị tìm lối thoát

22/10/2021 - 06:25

PNO - Sau một thời gian dài ngừng hoạt động để phòng chống dịch COVID-19, hiện hầu hết trường mầm non gặp rất nhiều khó khăn về tài chính, dẫn đến phá sản, giải thể.

 

Mới đây, hơn 90 chủ đầu tư trường mầm non tư thục với tổng số hơn 200 cơ sở đóng trên địa bàn TPHCM đã làm đơn kiến nghị tìm giải pháp tháo gỡ tình thế khó khăn vì phải ngừng hoạt động nhiều tháng.

Các chủ trường cho biết, số tháng thực tế ngưng hoạt động của năm 2020 là 3,5 tháng và của năm 2021 tính từ tháng Năm đến hết tháng Chín là 5 tháng. Với áp lực từ tiền thuê mặt bằng và hỗ trợ giáo viên, nhân viên, nếu ngưng hoạt động kéo dài, sẽ có nhiều cơ sở giáo dục mầm non tư thục buộc phải đóng cửa. 

TPHCM: 153 cơ sở mầm non ngoài công lập giải thể, nguy cơ giải thể
TPHCM: 153 cơ sở mầm non ngoài công lập giải thể, nguy cơ giải thể

Anh Minh Tuấn, Chủ trường mầm non Ngôi làng vui vẻ (quận Bình Thạnh), mỗi tháng phải trả hơn 75 triệu đồng tiền thuê mặt bằng, chưa tính lương nhân viên và các chi phí khác. Trường anh mở cửa từ năm 2020, đến nay chỉ hoạt động được vài tháng. Từ tháng Năm đến nay, trường chỉ có thể hỗ trợ giáo viên thời gian đầu chứ không duy trì được lâu. Các cô không thu nhập rất khó khăn, người về quê, người bỏ nghề chuyển việc… Thời gian này, anh phải cầm cự bằng cách đề nghị chủ nhà giảm tiền thuê mặt bằng, lấy tiền tiết kiệm để bù vào…

Hệ thống mầm non Kid’s Club sau khi hỗ trợ lương giáo viên được vài tháng đầu thì cũng đến lúc giúp giáo viên tìm việc làm khác tạm thời, chỉ mong giữ chân giáo viên cho đến ngày mở cửa lại. Bởi chỉ cần mất 20% nhân sự khi hoạt động lại sẽ gặp khó.

Theo anh Tuấn, sau một thời gian dài ngừng hoạt động, hiện hầu hết trường mầm non gặp rất nhiều khó khăn về tài chính, dẫn đến phá sản, giải thể. Giáo viên được tiêm hai mũi vắc xin nhưng hiện không có việc làm. Vì vậy, anh đề xuất một số chính sách ưu đãi để hỗ trợ cho cán bộ, giáo viên, nhân viên trường mầm non tư thục vượt qua giai đoạn khó khăn này. 

Đó là, tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục mầm non tư thục đáp ứng đủ Bộ tiêu chí an toàn phòng, chống dịch trong trường học của TPHCM để sớm hoạt động trở lại; tổ chức đối thoại giữa cơ sở giáo dục mầm non tư thục với Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế, UBND TPHCM, để thảo luận các phương án nhằm tháo gỡ khó khăn; hỗ trợ các gói vay tín dụng không lãi suất hoặc lãi suất ưu đãi với thời gian tối thiểu 24 tháng để doanh nghiệp trang trải tiền thuê nhà, tiền lương các bộ phận túc trực tại khuôn viên trường, chi phí sửa chữa cơ sở vật chất sau thời gian dài không sử dụng; miễn giảm toàn bộ phí bảo hiểm xã hội, y tế nhưng người lao động vẫn được hưởng lợi ích từ thẻ bảo hiểm y tế trong thời gian ngưng hoạt động; miễn giảm toàn bộ thuế phải đóng như thuế thu nhập cá nhân của người lao động, thuế thu nhập doanh nghiệp tối thiểu 24 tháng kể từ lúc hoạt động bình thường…

Theo các chủ đầu tư, tổng thời gian nghỉ việc không lương của nhân viên các doanh nghiệp giáo dục mầm non năm 2021 là gần sáu tháng và có thể kéo dài. Đây có thể được xem là một trong những lao động buộc phải ngưng làm việc do yêu cầu chống dịch. Do đó, đề xuất có thêm gói hỗ trợ cho riêng giáo viên, nhân viên trường mầm non tư thục để trang trải chi phí sinh hoạt cơ bản, để giữ chân họ lại với nghề. 

Báo cáo về tình hình chuẩn bị năm học mới 2021-2022 của Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM cho thấy, có ít nhất 151 cơ sở giáo dục mầm non tư thục đã giải thể vì không trụ nổi với dịch bệnh. Thành phố có hơn 12.300 giáo viên, nhân viên bị mất việc, 82% trong số này là giáo viên mầm non. 

Thanh Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI