TPHCM: 153 cơ sở mầm non ngoài công lập giải thể, nguy cơ giải thể

21/10/2021 - 16:42

PNO - Sở GD-ĐT TPHCM thông tin, hiện toàn thành phố có 153 trường, nhóm, lớp mầm non ngoài công lập giải thể và nguy cơ giải thể.

Bà Lương Thị Hồng Điệp - Trưởng phòng Giáo dục mầm non, Sở GD-ĐT TPHCM - cho biết đến nay, qua rà soát mới nhất về tình hình hoạt động các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập, toàn Thành phố có 153 trường, nhóm, lớp mầm non ngoài công lập giải thể và có nguy cơ giải thể. Bao gồm: 21 trường, 44 nhóm trẻ, 49 lớp giải thể, 20 trường tạm dừng hoạt động và 19 trường có nguy cơ giải thể.

Theo số liệu thống kê của Sở GD-ĐT TPHCM vào đầu tháng 9/2021, năm học 2021-2022 toàn Thành phố có 920 trường mầm non ngoài công lập với 16.260 giáo viên và 183.458 trẻ, tăng 3.597 trẻ so với năm học trước.

Tính trên toàn Thành phố, tổng số trẻ trong độ tuổi mầm non năm trong năm học này là 339.298 trẻ, tăng 5.140 trẻ so với năm học trước. Như vậy, số trẻ học tại các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập chiếm khoảng 54% tổng số trẻ toàn Thành phố.

Giữa bối cảnh các doanh nghiệp ngành giáo dục mầm non phải ngưng hoạt động, đang vô cùng khó khăn do dịch bệnh gây ra, mới đây, gần 100 chủ trường mầm non ngoài công lập tại TPHCM đã gửi kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ về các chính sách hỗ trợ đặc biệt cho người lao động và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực giáo dục tư thục mầm non trong bối cảnh khó khăn do dịch COVID-19.

Tập thể chủ trường mầm non đề xuất Thủ tướng một số chính sách ưu đãi đặc biệt để hỗ trợ cán bộ, nhân viên, giáo viên ngành mầm non tư thục, cũng như hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động trong ngành để cùng nhau vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Trong đó, kiến nghị tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục mầm non tư thục đáp ứng đủ Bộ tiêu chí an toàn phòng, chống dịch trong trường học của Sở GD-ĐT TPHCM được sớm hoạt động trở lại.

Tổ chức đối thoại giữa đại diện các cơ sở giáo dục mầm non tư thục và đại diện Sở GD-ĐT, Sở Y Tế, UBND TP để thảo luận các phương án nhằm tháo gỡ khó khăn, đóng góp ý kiến đảm bảo môi trường lớp học an toàn phòng dịch, bảo vệ sức khỏe của học sinh.

Có thêm gói hỗ trợ cho riêng giáo viên, nhân viên làm việc trong ngành giáo dục mầm non tư thục để trang trải chi phí sinh hoạt cơ bản. Ưu tiên tiêm vắc xin COVID-19 cho giáo viên, cán bộ và nhân viên từ địa phương khác quay trở lại TPHCM làm việc.

Ngoài ra, các chủ trường cũng kiến nghị nhiều giải pháp khác liên quan đến tài chính như được miễn giảm toàn bộ chi phí điện, nước, internet phát sinh trong thời gian ngưng hoạt động. Miễn giảm toàn bộ phí bảo hiểm xã hội, y tế nhưng người lao động vẫn được hưởng lợi ích từ thẻ bảo hiểm y tế trong thời gian ngưng hoạt động và mở rộng tối thiếu 12 tháng các loại chi phí bảo hiểm xã hội, y tế, công đoàn kể từ thời điểm hoạt động bình thường.

Miễn giảm các loại thuế phải đóng như thuế thu nhập cá nhân của người lao động, thuế thu nhập doanh nghiệp trong khoảng thời gian tối thiểu 24 tháng kể từ thời điểm hoạt động bình thường.

Hỗ trợ các gói vay tín dụng không lãi suất hoặc lãi suất ưu đãi với thời gian tối thiểu 24 tháng để doanh nghiệp trang trải các chi phí cơ bản như tiền thuê nhà, tiền lương các bộ phận túc trực tại khuôn viên trường, chi phí sửa chữa cơ sở vật chất sau thời gian dài không sử dụng.

Hỗ trợ giãn nợ, khoanh nợ đối với các khoản vay tín dụng cho doanh nghiệp hoặc cho các chủ nhà thế chấp tài sản cho ngân hàng là địa điểm trường học cho thời gian tối thiểu 24 tháng.

Liên quan đến vấn đề này, đại diện Sở GD-ĐT TPHCM cho hay, hiện sở chưa nhận được đơn kiến nghị của các trường mầm non ngoài công lập nhưng đã nắm bắt được các khó khăn của hệ thống mầm non ngoài công lập và đang cùng với các địa phương tìm cách tháo gỡ.

Vị này cho rằng, trước hết các địa phương cần ngồi xuống cùng các trường mầm non ngoài công lập trên địa bàn, lắng nghe những khó khăn, nguyện vọng từ phía các đơn vị, sau đó tổng hợp đề xuất gửi lại Sở GD-ĐT TPHCM. Từ tổng hợp đề xuất đó, sở sẽ gửi đến UBND TP để xin hướng giải quyết.

Én Bông 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI