TPHCM: Dịch đã có chiều hướng giảm trong trường học

19/03/2022 - 15:41

PNO - Từ thực tế ghi nhận số ca nhiễm COVID-19 trong trường học tuần qua, Sở GD-ĐT TPHCM đánh giá dịch đã có chiều hướng giảm trong nhà trường.

Cụ thể, tại quận 8, ông Nguyễn Quốc Hưng, Phó trưởng phòng GD-ĐT quận cho hay, số ca nhiễm trong các nhà trường trên địa bàn quận đang “xuống dốc”. F0 phát hiện trong ngày ở các giáo viên, học sinh chỉ còn trên 160 ca, giảm 1/3 so với trước.

“Đây là tín hiệu lạc quan, đáng mừng. Hiện toàn quận chỉ còn 15 lớp với 570 học sinh học gián tiếp. So với tuần rồi thì giảm đáng kể. Học sinh học ở nhà được gửi đường truyền để học, đồng thời nhà trường phân công giáo viên trong khối thay phiên nhau dạy trực tuyến cho học sinh F0, F1. Việc giảng dạy linh hoạt thời điểm này đã đi vào nền nếp”. 

Dịch đang có xu hướng hạ nhiệt trong trường học tại TPHCM
Dịch đang có xu hướng "hạ nhiệt" trong trường học tại TPHCM

Tương tự, ông Trần Minh Kha, Phó Trưởng phòng GD-ĐT Q.Bình Tân thông tin, toàn quận có 157 trường hiện đang giảng dạy trực tiếp. Tỷ lệ học sinh đi học có giảm so với thời điểm đầu song không ở mức cao vì số ca nhiễm trong trường học đang có dấu hiệu “hạ nhiệt”. Đặc biệt, học sinh, giáo viên nhiễm nhưng đa phần triệu chứng nhẹ do tỷ lệ tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho học sinh từ 12 tuổi trở lên khá cao.

Qua nắm bắt tình hình thực tế tại các địa phương, ông Trịnh Duy Trọng - Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở GD-ĐT TPHCM đánh giá, dịch đã có chiều hướng giảm trong trường học. 

Tuy vậy, ông Trọng nhấn mạnh, trong điều kiện có dịch như hiện nay nhà trường vẫn cần chú trọng các biện pháp phòng, chống dịch, rèn luyện cho học sinh các thói quen chăm sóc bảo vệ bản thân, hình thành kỹ năng phòng dịch ở nhà và ở trường. Có thể nhân rộng, áp dụng mô hình tổ COVID tự quản trong lớp học để học sinh được cùng tham gia, thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch trong từng đơn vị lớp, trường.

Sở GD-ĐT TPHCM lưu ý các trường chăm lo hơn cho học sinh F0,F1, học sinh có bệnh nền
Sở GD-ĐT TPHCM lưu ý các trường chăm lo hơn cho học sinh F0,F1, học sinh có bệnh nền

Liên quan đến việc vận hành quy trình xử lý F0, F1, ông Trọng lưu ý, trường hợp F0 nhưng không có F1 các trường cần phải rà soát lại vì có F0 chắc chắn sẽ có F1. Nhà trường phải xem lại để hạn chế tối đa nguy cơ phát sinh F0, có thể lây nhiễm cho học sinh khác. Việc khoanh vùng hẹp nhất, gọn nhất là hợp lý nhưng trên hết vẫn phải đảm bảo an toàn cho học sinh. Điều này đòi hỏi cao về sự phối hợp của nhà trường và y tế cơ sở. 

Đại diện Sở GD-ĐT TPHCM cũng lưu ý các nhà trường về công tác chăm lo học tập cho học sinh F0, F1. Trường học cần quan tâm, duy trì đảm bảo việc học cho các em, trong đó với học sinh F0 thì ưu tiên đầu tiên là sức khỏe. 

“Việc học của học sinh F0, F1 chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng. Vì thế, nhà trường phải phổ biến đến giáo viên chủ nhiệm (GVCN), giáo viên bộ môn không tạo áp lực bài vở cho các em sau thời gian cách ly, điều trị; hỗ trợ để các em nhanh chóng bắt kịp với nhịp học cùng các bạn trên lớp…”,  ông Trọng nói. 

Quan tâm đặc biệt đến học sinh có bệnh nền, béo phì, chưa tiêm vắc xin

Ông Trịnh Duy Trọng (Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở GD-ĐT TPHCM) nhấn mạnh, các trường cần phải đặc biệt lưu tâm nhiều hơn đến học sinh có bệnh nền, béo phì, học sinh chống chỉ định tiêm hoặc chưa tiêm vắc xin. GVCN phải nắm danh sách này trong từng lớp để có sự chăm lo, hướng dẫn sâu cho các em các biện pháp phòng chống dịch cao hơn, đảm bảo các em có sự an toàn cao nhất.

“Không để tình trạng rằng lớp có sự cố rồi GVCN mới đi truy ra. Giáo viên phải nắm chắc từ trước để khi có tình huống F0 thì có sự chăm lo tốt hơn với những học sinh thuộc đối tượng trọng yếu, hạn chế tối đa nguy cơ các em nhiễm bệnh, hoặc nếu có nhiễm bệnh thì cũng không để bệnh nặng”, ông Trọng nhấn mạnh.

Tấn Dũng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI