Tôi đi khám sàng lọc

10/08/2020 - 06:14

PNO - Tôi tiếp xúc với người từ vùng dịch về được bảy ngày thì khởi phát đau... răng.

Cái răng khôn bị sâu, đau miên man khắp mặt và đầu. Tôi khám online qua “bác sĩ Google” đợi đủ 14 ngày nguy cơ. Nhưng đến ngày thứ 12, cơn đau đã quá sức chịu đựng. Tôi buộc phải đến một bệnh viện răng hàm mặt. 

Phòng khám sàng lọc ở ngay lối vào bệnh viện, gồm hai lối vào tách biệt
Phòng khám sàng lọc ở ngay lối vào bệnh viện, gồm hai lối vào tách biệt

Bệnh viện mùa dịch nhìn đầy màu nghiêm trọng. Từ chỗ gửi xe, anh nhân viên văn phòng đeo mặt nạ chống giọt bắn cầm tờ thông báo ra, dán phịch vào bên cổng. Chị giữ xe đeo khẩu trang kín mít. Lời qua tiếng lại cách nhau hai mét. Tôi vào khoảnh sân trước sảnh bệnh viện, xếp hàng đo thân nhiệt và làm tờ khai y tế. Có độ 10 câu hỏi chia làm ba phần. Trong đó, liên quan nhất là câu hỏi “Có đi về từ vùng dịch hoặc tiếp xúc với người về từ vùng dịch”. Tôi đĩnh đạc đánh vào ô “Có”. 

Là chính cái chữ “Có” này đã làm anh tiếp bệnh giật bắn người. Anh lấy cái mặt nạ chống giọt bắn mới toanh đeo cho tôi. Đoạn, anh cầm tờ khai của tôi đặt lên bàn của một nhân viên khác đang ngồi gần đó. Chiếc bàn chắn ngay lối vào, nom như một bàn chắn COVID-19. Anh hỏi tôi: “Người về từ vùng dịch là vùng nào? Về từ ngày mấy?”. Tôi nói: “Về từ Quảng Nam, ngày 25/7”. Họ trao đổi gì đó với nhau rồi anh nhân viên lưu động quay sang nói: “Mời chị sang khám sàng lọc”. 

Mời xong là đi luôn. Tôi đeo mặt nạ hai lớp, vừa chống giọt bắn vừa chống... nhận diện (khẩu trang y tế), lấp xấp chạy theo tấm áo bảo hộ của anh dẫn đường. Khu sàng lọc ở ngay bên lối vào bệnh viện, có hai cửa vào gần nhau, đóng kín mít. Hai chiếc ghế đá được đặt trước phòng. Một đôi nam nữ có vẻ là vợ chồng ngồi một ghế. Tôi lập tức “điền” vào chỗ trống. 

Cánh cửa bên phải thỉnh thoảng lại mở ra mở vô. Nhân viên y tế từ bên trong liên tục trao đổi với vợ chồng anh bệnh nhân. Sau chừng năm lần “xin lỗi cho hỏi” với ông anh nọ, thì cánh cửa cũng hướng về tôi. Một điều dưỡng ló đầu ra, “mời chị vào phòng khám sàng lọc”.

Tôi vừa chớm bước tới thì người mời nhanh nhảu nói “mời chị cửa kia!”. Ồ, cánh cửa đóng im ỉm nãy giờ không dưng mà ở đó. Nó sẽ mở ra để đón người bệnh có yếu tố dịch tễ. Vừa vào phòng, tôi đã hiểu thế nào là khám sàng lọc.

Căn phòng chỉ có mình tôi và chiếc ghế khám nha kinh điển. Nhưng ngay bên kia thôi, cách một bức tường kính, một vị bác sĩ có vẻ khả ái đang ngồi nhìn tôi bước vào. Lúi húi phụ việc cho ông là một nữ điều dưỡng. “Bật công tắc đèn bên phải lên đi em!”. Một giọng nói vang lên từ chiếc loa nào đó trong phòng. Tôi nhanh chóng nhận ra vị bác sĩ bên kia đang nói. Giọng nói được truyền vào micro ở trước mặt ông, rồi phát sang phòng bên này bằng cái loa giấu đâu đó. Tôi đang lóng ngóng thì bác sĩ dùng tay, chỉ sang hướng phải. Sau khi kết hợp tiếng và hình, hướng dẫn tôi bật đèn thành công, ông lại nói “rồi, ngồi xuống ghế”.

Đây quả là một màn khám chuyên khoa bằng hình thức sàng lọc chứ không phải kiểu kẹp nhiệt, đo huyết áp thường thấy. Lúc này là đầu buổi sáng. Tôi là “bệnh nhân sàng lọc” đầu tiên. Phòng khám chia làm hai, cách nhau một bức tường bằng kính trong suốt với hai cửa ra vào riêng biệt: một bên cho bệnh nhân, một bên cho bác sĩ và điều dưỡng. 

Đây là lần đầu tôi được ở một mình với… cái ghế khám nha, lại còn đang được mời ngồi lên nó. Tôi vừa ngồi thì cái loa lại nói “bật công tắc trên đầu em lên”. Cái công tắc bật chiếc đèn vàng ngay trên đỉnh đầu tôi. Đèn bật sáng, những ký ức khám răng không mấy tốt đẹp từ thuở đầu đời đã ập tới. Cái loa lại hỏi: “em bị sao mà đi khám?”. “Em bị sâu răng khôn, đau lên mặt và đầu”. Cái loa lại nói “đau sang mang tai đúng không?”. Tôi xác nhận, rồi nhấn mạnh thêm là có đau cả mặt và đầu nữa. Vị bác sĩ lấy tay kẹp hai bên quai hàm, nói tôi “em làm vầy, rồi há miệng xem có đau không”. Tôi vừa làm theo đã la “đau”.

Cái loa lại hỏi “thường trước khi đau em có ăn gì dai và cứng không?”. Tôi nói “có”, nhưng không quên nhấn mạnh “có lúc chỉ ngồi suy nghĩ thôi cũng vẫn đau”. Vị bác sĩ cười thành tiếng, nói: “Rồi, em ngửa mặt vừa phải rồi há miệng ra xem”. Chẳng biết ngửa thế nào là vừa phải nên tôi cứ vừa ngửa vừa há cho đến khi vị bác sĩ ra hiệu “được rồi”. Có lẽ ông đang quan sát răng của tôi qua một thiết bị. Rồi chừng như chưa được, ông ra hiệu gì đó cho cô điều dưỡng. Cô nhanh nhảu chạy đi. Vị bác sĩ bảo tôi “ngồi lên giải lao tí đi em”. Tôi cảm giác bên kia, vị bác sĩ cũng đang nhịp chân chờ đợi.

 Phòng khám sàng lọc ở ngay lối vào bệnh viện, gồm hai lối vào tách biệt
Phòng khám sàng lọc ở ngay lối vào bệnh viện, gồm hai lối vào tách biệt

Chỉ chừng một phút sau, cô điều dưỡng nọ đã xuất hiện trong phòng tôi với bộ đồ bảo hộ. Tiếng loa lúc này là dành cho cô: “em kiểm tra răng số 7 của bệnh nhân”. Cô này ra hiệu cho tôi há miệng. Bàn tay đeo găng cao su lướt qua mũi, tôi chợt cảm giác sâu sắc rằng mình đang ở bệnh viện. Màn khám bệnh nãy giờ thư giãn như một cuộc phiêu lưu. Lại là phiêu lưu có chỉ dẫn. Bấy giờ, giữa mùi găng tay cao su rất-bệnh-viện, tiếng nói thực tế vang lên, xác nhận “răng số 7 bị sâu, răng số 8 mọc lệch”.

Tôi lại la lên: “Răng số 8 cũng sâu”. Vị bác sĩ lại đề nghị kiểm tra răng số 8. Nhưng chiếc răng mọc lệch có vẻ gây khó khăn cho cô điều dưỡng. Tiếng loa liên tục điều khiển từng động tác của cô điều dưỡng. Không khí khám bệnh càng trở nên “đậm đặc”. Tiếng loa càng nhiệt tình, tôi càng cảm thấy khoảng cách với vị “nhạc trưởng” nọ càng thêm xa. Việc đến bệnh viện, được bác sĩ trực tiếp khám quả là một phước phần của những ngày bình an.

Cô điều dưỡng đang loay hoay thì tiếng loa chốt hạ: “thôi được rồi, em lại đây!”. Tôi đang ngơ ngác thì bên kia tấm cửa kính, vị bác sĩ vẫy tay ra hiệu cho tôi lại gần. Tôi vẫn đang chưa tin vào hiệu lệnh nọ thì vị bác sĩ cũng đứng lên tiến về phía tôi. Ồ cuối cùng, tôi cũng được tiếp cận bác sĩ. Bác ấy đã quyết định “xé rào cách ly”. Tôi đang quày quả đứng lên thì thấy bác sĩ đã yên vị ngay bên kia tường kính. Ông ra hiệu cho tôi đến đứng đối diện, tức là cách ông cái bức tường trong suốt đó. Ông cầm đèn pin trong tay, ra lệnh “em há miệng đi”. Tôi làm theo. Và chỉ có ánh sáng đèn pin là xuyên qua “tấm kính bảo hộ”. Sau một hồi chỉ dẫn tôi thử một vài động tác, ông kết luận: “viêm tủy, viêm khớp hàm, ra ngoài đợi bác sĩ cho toa thuốc”.

Tôi bước ra khỏi căn phòng phiêu lưu, yên vị tại chiếc ghế đá ban nãy. điều dưỡng liên tục ra vô phía phòng khám dành cho bác sĩ. Riêng chiếc khẩu trang kèm mấy tấm chắn giọt bắn chạy đi chạy lại đã đủ làm không khí nơi đây thật nghiêm trọng. Vị bác sĩ nọ lại cho kêu tên tôi. 

Tôi bước đến cách khung cửa độ một mét là được ra hiệu đứng lại. Phía trong kia, cũng cách khung cửa một mét, vị bác sĩ đứng giải thích bệnh tình và hướng dẫn tôi dùng thuốc. Ông không quên trấn an: “bệnh của em đơn giản, bác nhìn thấy hết rồi, nếu phức tạp hơn mới cần can thiệp, tạm thời em uống thuốc theo toa để tiêu viêm”. Nói đoạn, ông chuyển toa thuốc cho “thư ký” mặc đồ bảo hộ ra giao cho tôi kèm lời chào: “Tái khám theo hẹn nha!”.

 Vậy là xong. Khu khám sàng lọc chỉ cách cổng bệnh viện vài bước chân, tôi đã có thể ra về. Nhưng dường như vẫn còn thộn mặt ra, tôi hỏi: “Ơ em chưa thanh toán phí khám?”. Dường như việc này quá rầy rà so với quy trình phòng dịch, vị bác sĩ khoát tay, nói: “Không cần thanh toán, em cứ về!”.

Tôi đi ra cổng, cảm giác thú vị và “hữu ích” như mình đang mang theo cả một tấn áp lực dịch bệnh ra khỏi bệnh viện. Trên đời này, chuyện khám chữa bệnh chắc chẳng bao giờ lại trở nên ngặt nghèo đến thế nếu không bị thử thách bởi chính dịch bệnh. Một bác sĩ nhiệt tình đối diện với một bệnh nhân có yếu tố dịch tễ - trông vướng víu và đáng yêu như màn biểu diễn của một... vũ công mặc áo mưa.

Thanh Tân

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI