Tinh thần Không-Lùi-Bước của Park Hang-seo đăng quang

11/12/2019 - 07:10

PNO - Không lùi bước, đó là phẩm chất duy nhất mà huấn luyện viên Park Hang-seo đã nhìn thấu, đã thừa nhận và cũng là chất xúc tác để ông đặt trọn niềm tin, nhận lấy niềm cảm hứng từ đội bóng mà ông dìu dắt.

Trên đường về đích, một cú đột ngột băng làn, vận động viên nhập tịch Carter James Matheus của nước chủ nhà Philippines dùng tay hất mạnh vào người Dương Văn Thái. Anh loạng choạng, suýt ngã nhưng đã bình sinh giữ được thăng bằng và thực hiện cú rướn người chạm đích đầu tiên. Chiếc huy chương vàng của Dương Văn Thái vượt lên cái tiểu xảo xấu xí kia, đã đẹp càng thêm cao quý. 

Trên đường đua, cô gái bé nhỏ đến từ TP.HCM - Lê Tú Chinh đã loại bỏ cầu thủ nhập tịch, cũng là của Philippines Kristina Marie Knott, giành tấm huy chương vàng 100m nữ. Sức mạnh nào đang “thổi” Chinh như cơn lốc cứ thế băng băng về đích. Cú chạm ấy, không dưng tôi nhớ đến những ngày Chinh cùng người thầy, cũng là người mẹ thứ hai của cô, huấn luyện viên Nguyễn Thị Thanh Hương trời tờ mờ sáng đã chạy tập trên... cầu Nhị Thiên Đường. Trong những điều kiện hạn chế nhất định, họ vẫn không lùi bước. 

Tinh than Khong-Lui-Buoc cua Park Hang-seo dang quang
Thầy Park và các chàng trai Rồng Đỏ giành chiến thắng ở nước bạn - Ảnh: Đức Đồng

Không lùi bước, đó là phẩm chất duy nhất mà huấn luyện viên Park Hang seo đã nhìn thấu, đã thừa nhận và cũng là chất xúc tác để ông đặt trọn niềm tin, nhận lấy niềm cảm hứng từ đội bóng mà ông dìu dắt trong hơn hai năm qua, cũng là từ xứ sở mà ông tự nhận lấy trách nhiệm “tôi phải thắng trận này, giành huy chương vàng về cho bóng đá Việt Nam”.

Từ vòng loại cho đến vào tới bán kết, U22 luôn bị dẫn bàn, thậm chí là dẫn cách biệt nhưng, cú bỏ nhỏ trong giờ nghỉ giữa hiệp, trong phòng thay đồ không ngoài sự thức tỉnh, thúc giục tinh thần “không lùi bước” ấy.

Và tất cả họ đã tiến lên bằng bản lĩnh tinh quái, dùng chính đấu pháp không chiến để đối trị một đối thủ chuyên dùng không chiến (với tuyển Singapore); áp đặt pressing tầm cao và trên mọi tuyến với đối thủ rất chịu phủ đầu bằng chính đấu pháp ấy (với tuyển Thái Lan); vờ co lùi lại ở thời điểm nhập cuộc rồi bất ngờ chuyển sang trạng thái tấn công, chủ động cuốn đối phương vào nhịp độ do mình đặt để, sai số hẳn nhiên thuộc về phía Indonesia (trước đó là Campuchia cũng chịu số phận tương tự), ghi bàn là trong tích tắc.

Không lùi bước, không gục ngã trong bất cứ trạng huống khó khăn, dồn ép nào. Đó hẳn nhiên là phẩm chất không hề xa lạ trong mỗi người dân Việt. Nhưng để một người Hàn Quốc, như ông Park nhận diện và tự hào… giùm thì lại là một sự thú vị gấp bội lần.

Đôi khi, chúng ta không nhìn thấu rõ chính mình. Đôi khi, cái phẩm chất muôn đời ấy, phải là người ngoài gọi tên, thừa nhận, ngợi ca thì ta mới nhìn thấu suốt chính mình.

Tinh than Khong-Lui-Buoc cua Park Hang-seo dang quang
Văn Hậu tỏa sáng trong trận đấu lịch sử - Ảnh: Đức Đồng

Sự xót xa, đồng cảm dành cho những cô gái Áo Đỏ, đêm 8/12 trên sân cỏ là rất thật. Nhưng đâu chỉ là vết thương nơi đôi chân băng bó của Chương Thị Kiều, của sự kiệt sức đến mức đổ gục của Huỳnh Như, hay phải tức tốc nhập viện vì chấn thương, kiệt quệ của hậu vệ Hồng Nhung. Mà thử đặt ngược lại, trước đó, các cô gái đã chiến đấu với trên 100% ý chí và thể lực của họ.

Giữa một rừng áo xanh có thể lực vượt trội, chiếc áo số 18 Nguyễn Thị Vạn lọt thỏm nhưng cũng chỉ có cô mới là trung tâm của những đường phát bóng tấn công vào vùng cấm. Một số 7 Tuyết Dung càn lướt hai biên, dũng mãnh xâm nhập mọi vị trí mà những tiền vệ cao lớn, tiền đạo có kỹ thuật cá nhân xuất sắc của Thái Lan bất lực, phạm lỗi.

Nhìn về đường đua xanh, thoáng chút ái ngại vì sức ép thành tích cá nhân mà “tiên cá” Ánh Viên phải mang về cho đồng đội nhưng rõ ràng, 6 huy chương trong một kỳ đại hội, dù chưa đạt như kỳ vọng của chính cô thì vẫn là một huyền thoại xanh.

Điều kỳ thú là tại SEA Games 30, cuộc tiếp sức thế hệ đã được truyền đi, từ Ánh Viên đến Huy Hoàng và bây giờ là kỷ lục gia SEA Games Trần Hưng Nguyên, một Yết Kiêu thời đại 4.0, cái độ tuổi 16 đã hai lần phá kỷ lục trên đường bơi. Chiến thắng trên sàn đấu đâu chỉ dành riêng cho mỗi cầu thủ, nó khoác lên mình những cầu thủ tuổi đôi mươi, mười sáu ấy một tư thế Việt Nam.

Từ đây, lá cờ SEA Games sẽ được chuyển tiếp về Việt Nam, quốc gia đăng cai kỳ Đại hội thể thao Đông Nam Á lần thứ 31, năm 2021 mà dấu ấn chuyển giao không ngoài sức mạnh không-lùi-bước, là để tiến bước, bằng một tinh thần thể thao thượng võ, nhân văn, như chính chiếc huy chương vàng bóng đá đã được trao, đêm 10/12, đẹp một cách không… tì vết!

Ái Mỹ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI