Tìm dấu xưa ở Gò Công

26/03/2021 - 06:18

PNO - Những căn nhà cổ đi cùng năm tháng như một chiếc vé diệu kỳ để lữ khách tìm về quá khứ bình yên trong một ngày thả hồn ở vùng đất này.

Một ngôi nhà cổ ở Gò Công
Một ngôi nhà cổ ở Gò Công

Những chứng nhân còn lại

Nắng vàng như ướp mật Gò Công trong những ngày tháng Ba. Hai bên quốc lộ 50, những cánh đồng lúa từ xanh mướt đến ngả vàng óng ả hút tầm mắt như tô điểm nơi đây thêm rực rỡ. Gió luồn qua tóc, mơn man lên da thịt như vỗ về khách phương xa đến với vùng đất trù phú này.

Hơn 300 năm lịch sử hình thành và phát triển của Nam bộ, Gò Công là một trong những địa danh xuất hiện sớm nhất, với ý nghĩa đơn giản: gò đất có nhiều chim công. Qua bao cuộc bể dâu, cái tên ấy vẫn tồn tại đến hôm nay. Tiền nhân đã không còn để kể cho hậu thế những chuyện của quá khứ nhưng vẫn còn đó những “chứng nhân” của lịch sử khắc câu chuyện bằng sự tồn tại của chính mình.

Từ quốc lộ 50, qua cầu Long Chánh nối hai bờ của nhánh sông nhỏ, chợ Gò Công đã ngay trước mắt. Công trình này nay đã hơn trăm tuổi. Khung cảnh huyên náo, tiếng người mua kẻ bán nhộn nhịp nhưng lại khiến lòng người dễ chịu đến lạ bởi chất giọng ngọt ngào, chân chất của người miền Tây.

Gò Công đã thay da đổi thịt theo một quy luật tất yếu. Thế nhưng giữa những căn nhà phố cao tầng, hiện đại nằm san sát nhau, những ngôi nhà cổ của người Hoa với tuổi đời từ vài chục đến trăm năm vẫn sừng sững. Gò Công hiện lên như một người đứng giữa hai bờ quá khứ và hiện tại, mà bên nào cũng trĩu nặng tâm tư.

Dù diện tích Gò Công khá khiêm tốn, số nhà cổ tại đây lại chiếm đến 2/3 trên tổng số khoảng 300 căn nhà cổ còn lại của tỉnh Tiền Giang. Len lỏi theo những con đường rợp bóng cây xanh, chúng tiếp tục hiện ra trước mắt, ghép nối với nhau như một chuyến hành trình đưa lữ khách trở về quá khứ.

đình Tân Đông trước khi được trùng tu
đình Tân Đông trước khi được trùng tu

Nữ nhi không thường tình

Gò Công là vùng đất của những nữ nhi có nhan sắc xuất chúng. Từ Dụ hoàng thái hậu, Nam Phương hoàng hậu được sử sách ghi tên. Theo ghi chép trong quyển Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn: Định Tường (của Nguyễn Đình Đầu, in năm 1994), đất đai ở Gò Công phần lớn thuộc sở hữu của phụ nữ. Đây là điểm rất đặc biệt của vùng đất mới nằm xa kinh đô. Sự ảnh hưởng, quyền lực nhất định của phụ nữ vẫn còn lưu dấu nơi những căn nhà cổ.

Đến Gò Công, hỏi nhà Đốc phủ Hải, từ người lớn đến trẻ nhỏ, ai cũng biết. Với tổng diện tích khoảng 1.000m2, căn nhà nằm ở số 49 Hai Bà Trưng, tại nút giao giữa ba con đường lớn. Sắc vàng tươi kết hợp với tông trắng mang đến vẻ ngoài rực rỡ cho căn nhà nằm giữa khuôn viên xanh mát với rất nhiều loại kiểng quý được cắt tỉa, tạo hình đặc sắc.

Nhà Đốc phủ Hải là tên gọi quen thuộc nhưng công trình này đã được truyền qua ba đời phụ nữ. Người cho xây dựng nhà là bà Trần Thị Sanh (vợ danh tướng Trương Công Định). Ban đầu, nhà có dạng chữ đinh, làm bằng gỗ, lợp lá. Đến nay, hậu thế vẫn còn truyền miệng hai câu ca quen thuộc để nói về người phụ nữ này: “Gò Công bốn tổng đông giàu/ Mà riêng có một bà hầu giàu to” (trích Nam Kỳ nhơn vật phong tục diễn ca).

Bà Hầu ở đây chính là bà Trần Thị Sanh. Sau khi bà quy y vì chồng tuẫn tiết, căn nhà được trao lại cho con gái riêng là Dương Thị Hương và con rể là tri huyện Trường Bình, nên được gọi là nhà bà huyện.

Ông bà huyện qua đời để lại nhà cho con gái là Huỳnh Thị Diệu và chồng là Đốc phủ sứ Nguyễn Văn Hải. Tiếp thu văn hóa Tây học, Đốc phủ Hải cho xây dựng thêm một số công trình cũng như trang trí bên ngoài để có căn nhà mang hình hài như hiện tại.

Công trình mang hơi thở của phong cách kiến trúc Tây phương với những phù điêu nổi, hoa văn trang trí bắt mắt, những vòm cong lớn, hàng cột vuông vững chãi... Những hàng gạch hoa nhuốm màu thời gian vẫn còn nguyên vẹn.

Thế nhưng bên trong nhà vẫn là tâm hồn người Việt đậm đặc. Từ kèo, cột, tủ, bàn đều được chạm trổ kỳ công với nhiều họa tiết đặc trưng của người Việt (tứ linh, bát tiên, tứ quý bát bửu...) với mong ước đem lại sự bình an, may mắn cho gia chủ.

Xà cừ được cẩn tỉ mỉ càng tăng thêm vẻ mỹ miều, sang trọng cho không gian bên trong. Đồ đạc trong nhà bị thất lạc nhiều nhưng những gì còn sót lại vẫn cho thấy sự sung túc, giàu có của các đời chủ nhân nơi đây.

Đây là công trình tiêu biểu nhất cho sự giao thoa văn hóa Đông - Tây, Á - Âu tại đất Gò Công. Hai câu tiếng Pháp: “Lòng nhân hậu là mẹ đẻ của sự thật” (bên trái), “Truyền thống đạo đức là điều quý nhất trong những thứ quý nhất, là nền tảng kiên cố nhất” (bên phải) càng cho thấy rõ điều đó.

Rảo bước qua những hành lang dài, hít một hơi thật đầy không khí trong lành buổi sớm mai chợt thấy lòng bình yên, khoan khoái khi được tận hưởng vẻ đẹp diễm lệ của công trình có tuổi đời hơn 160 năm. Lịch sử miền Nam, tâm hồn người miền Nam mấy trăm năm trước như được gom trọn vào khoảnh khắc ngắn ngủi này.

Cùng thời với nhà Đốc phủ Hải là căn nhà của bà Lâm Tố Liên (còn gọi là bà Tư Nói, một trong những đại tư sản của Gò Công cuối thế kỷ XIX), nay được sử dụng làm Nhà truyền thống Gò Công, nằm trên đường Nguyễn Huệ.

Đối trọng với vẻ uy nghi bề thế của nhà Đốc phủ Hải, công trình này có dáng vẻ mềm mại hơn bởi những đường cong ở phần mái cùng lớp ngói vảy cá, kết hợp với những hoa văn trang trí mềm mại, uyển chuyển.

Tâm hồn người phụ nữ dường như cũng được gói gọn trong sắc vàng nhạt tươi tắn mà lại rất đằm, được phối khéo léo cùng tông xám xanh của những hàng trụ đá vững chãi. Nội thất căn nhà càng khiến người xem mê đắm bởi những chi tiết tỉ mỉ, kỳ công được khắc họa trên gỗ mà đến nay vẫn vẹn nguyên.

Điểm thú vị của nhiều ngôi nhà cổ ở Gò Công là sự tồn tại của những hồ nước bên dưới nền nhà. Chúng vừa trữ nước cho mùa khô, vừa có tác dụng làm mát. Căn nhà không chỉ là nơi để ở mà còn cho thấy khả năng thích ứng của con người trước sự biến đổi khắc nghiệt của thiên nhiên.

Dinh Đốc phủ Hải
Dinh Đốc phủ Hải

Từ nhà ra làng xã

Cách trung tâm thị xã Gò Công không xa, men theo con đường nhỏ ngoằn ngoèo, ngôi đình Tân Đông hiện ra trước mắt tôi với hai gốc bồ đề to tướng độc đáo. Những chiếc rễ cuộn mình trong gạch đá, đan cài vào nhau.

Đình vừa được trùng tu cuối năm 2020 nhưng tiền cảnh vẫn còn dấu ấn của thời gian bởi con số 1907 (năm xây dựng đình) đã loang lổ, rêu phong phủ đầy. Dẫu vết tích còn lại khá ít ỏi nhưng những hoa văn tinh xảo cùng các đường vòm cung được tô đắp khéo léo cho thấy một đời sống văn hóa tinh thần khá phong phú từng tồn tại nơi đây.

Đã đến Gò Công nhưng chưa đến Dinh tỉnh trưởng thì quả thật thiếu sót. Công trình còn được gọi là Dinh chánh tham biện, xây dựng năm 1885, với tổng diện tích sử dụng hơn 1.000m2. Toàn bộ vật liệu xây dựng đều được chuyển từ 
Pháp sang.

Những ô cửa màu xanh ngọc nổi bật trên sắc vàng nhạt mang đến vẻ ngoài dịu mắt. Mái ngói tông cam tạo thêm nét chấm phá nổi bật trên nền trời xanh ngắt. Ban công nhỏ xinh nơi lầu cao với phía sau là những ô cửa hình vòm lớn khiến tôi liên tưởng đến những cảnh phim tình cảm lãng mạn hay những bức tranh mang đậm dấu ấn phương Tây.

So với thuở ban đầu, tổng thể công trình vẫn không thay đổi, nhưng hiện trạng đã bị hư hỏng nhiều, chưa được tu bổ. Công trình này vẫn đang gồng mình với thời tiết, sự nghiệt ngã của thời gian. Tiếng gió rít vào những hàng cây cao tạo thành những âm thanh như đang thì thầm bên tai. Liệu có chăng một lời oán than, nhắc nhở nào cho sự hoang tàn hiện tại?

Dinh tỉnh trưởng Gò Công
Dinh tỉnh trưởng Gò Công

Nhớ thương Gò Công

Nép mình sau hàng rào nhỏ xinh, ẩn mình dưới bóng me cổ thụ rồi lọt thỏm giữa vườn cây trái xanh mát, mỗi căn nhà cổ đều có sức quyến rũ lạ kỳ nhờ lịch sử tồn tại và nét riêng của nó. Có căn được chủ nhân lát gạch, sơn phết lại cho mới mẻ, cũng có căn đã bị rêu phong bám đầy từ mái ngói đến tường gạch. Có căn chỉ đủ không gian sống cho một gia đình nhỏ nhưng có nơi có thể ôm vào lòng đến ba thế hệ cùng lúc.

Bản thân sự tồn tại của chúng đã là một điều quý giá, là cánh cửa để đưa hậu bối trở về quá khứ, chứng kiến một Gò Công trù phú, thịnh vượng. Lòng người lại càng nhớ thương Gò Công bởi mấy câu ca dao ngọt như mía lùi: “Tay bậu vừa trắng vừa tròn/ Qua về nằm ngủ mỏi mòn đợi trông/ Bậu về ở xứ Gò Công/ Qua về Thành Nội nhớ mong tháng ngày”.

300 năm có lẻ, Gò Công đã trải qua nhiều thay đổi nhưng sự chất phác của người miền Tây vẫn luôn còn đó. Vì thế, không khó để xin phép chủ nhân những căn nhà ấy để chụp một vài bức ảnh đẹp làm kỷ niệm hay tham quan đôi chỗ. Có nơi khiến người ta phải trầm trồ vì vẻ đẹp bền bỉ vượt thời gian nhưng có chỗ lại khiến lòng người đau đáu nỗi lo: chúng sẽ còn gồng mình được đến bao giờ?

Một góc biển Tân Thành
Một góc biển Tân Thành

Một mai em gái theo chồng/ Còn đâu bánh giá chợ Giồng mời anh?” là câu hát quen thuộc người ta vẫn nhớ khi nhắc về Gò Công. Chiếc bánh vàng rụm, giòn tan với lớp bột mỏng bên ngoài, bên trong có giá, tôm, thịt tươi rói khiến lòng lữ khách khó quên. Bánh có thể ăn kèm rau sống, nước mắm chua ngọt hoặc dùng với bún. Ngoài ra, Gò Công còn nổi tiếng với đặc sản mắm tôm chà.

Từ trung tâm thị xã Gò Công chạy khoảng 20km sẽ đến biển Tân Thành. Đây cũng là điểm giao giữa dòng Cửu Long và biển Đông. Vì là biển bùn nên khó khai thác du lịch biển. Tuy nhiên, nơi đây lại có hải sản tươi ngon, giá rẻ.

Bài, ảnh: Thành Lâm

 
TIN MỚI

news_is_not_ads=