Thời trang của tương lai: Công nghệ hay là... chết?

22/04/2022 - 06:56

PNO - Công nghệ đang định hình lại thế giới ở nhiều mặt, ngành thời trang cũng không ngoại lệ.

Sàn diễn ảo, người mẫu ảo, mua bán trang phục ảo với giá bằng một gia tài thật… - những câu chuyện tưởng chừng điên rồ ấy đang thôi thúc các hãng thời trang từ cao cấp đến bình dân nhảy vào một cuộc đua với mục tiêu duy nhất: chinh phục người dùng.

Chào mừng đến thế giới của A.I

Uniqlo ứng dụng A.I trong việc bán hàng
Uniqlo ứng dụng A.I trong việc bán hàng

Năm năm trước, hẳn bạn từng nghe đến việc một số hãng thời trang nhanh toàn cầu đi theo hướng sản xuất giới hạn các mẫu quần áo để thăm dò thị hiếu người dùng tại từng thị trường, sau đó mới sản xuất hàng loạt. Hành động này được hoan nghênh bởi nó không chỉ dự báo chính xác nhu cầu của người dùng mà còn quản lý cực kỳ hiệu quả chuỗi cung ứng, giảm thiểu sản phẩm thừa, hạn chế hàng tồn kho, tiết kiệm chi phí sản xuất để tập trung vào những mặt hàng bán chạy. Quan trọng hơn, điều này còn giảm tác động lên môi trường.

Thế nhưng, hiện tại, phương thức trên đã trở nên lạc hậu trong thế giới công nghệ phát triển như vũ bão. Các hãng thời trang không cần phải tốn thời gian đo lường, thăm dò tốn kém như thế. Thứ duy nhất họ cần đầu tư là A.I.

Sức mạnh phân tích dữ liệu của A.I vốn đã được rất nhiều ngành, nổi bật nhất là ngành F&B, ứng dụng nhằm đo lường cảm xúc, thói quen và sở thích người tiêu dùng. Hãy tưởng tượng, bạn bước vào một quán cà phê và mọi nhân viên ở đó đều có thể biết chính xác món đồ uống bạn ưa chuộng, loại sữa bạn hay dùng cho ly cà phê, ít đá hay nhiều đá, lượng đường chính xác bạn cần… Điều tương tự diễn ra với các cửa hàng thời trang.

Các hãng sử dụng A.I nhằm đề xuất những sản phẩm phù hợp với từng cửa hàng ở từng thời điểm cũng như đo lường phản ứng của khách để đề xuất những sự lựa chọn phù hợp về màu sắc, kiểu dáng trang phục. Nghe có vẻ như bạn đang lạc trong một bộ phim giả tưởng song thực tế, Uniqlo đã áp dụng phương thức đo lường này tại Mỹ từ năm 2019 với A.I Umood.

Alibaba - gã khổng lồ ngành công nghiệp bán lẻ thời trang - đã ứng dụng A.I từ năm 2018 với tham vọng tạo ra sự cách mạng trong trải nghiệm mua sắm toàn cầu. Với việc ra mắt cửa hàng FashionAI đầu tiên, Alibaba đã giới thiệu các tính năng đặc biệt tại cửa hàng bao gồm tag mua sắm thông minh, gương thông minh, chip Bluetooth được tích hợp trong mỗi sản phẩm, cung cấp cho người dùng trải nghiệm liền mạch và nhất quán.

Bên trong cửa hàng FashionAI của Alibaba
Bên trong cửa hàng FashionAI của Alibaba

Xu hướng là thứ vô chừng, khó đoán định nhất trong thế giới thời trang vừa cảm hứng, vừa đòi hỏi sự chuẩn xác đến mức nghiệt ngã. Sai xu hướng đồng nghĩa cả mùa, thương hiệu chẳng thể kiếm ra tiền. Các nhà thiết kế, các nhà phân tích và các nhà điều hành của hãng phải đánh vật với bài toán xu hướng trong suốt gần 100 năm qua chỉ để chiều lòng những kẻ yêu thời trang.

Nhờ A.I, bài toán này đơn giản hơn nhiều. Chỉ cần dựa vào công nghệ nhận dạng hình ảnh trên các nền tảng mạng xã hội, A.I có thể cho ra những dự báo về xu hướng chính xác đến 99,9% về màu sắc, chất liệu, kiểu dáng…

Tommy Hilfiger hợp tác với IBM và Học viện Công nghệ Thời trang (Fashion Institute of Technology) giới thiệu A.I “Reimagine Retail”, dự báo các xu hướng theo hình dạng, màu sắc, phong cách thịnh hành và hỗ trợ các nhà thiết kế tạo ra những sản phẩm mang tính cá nhân hóa cao nhất.

Vũ trụ "ảo", giá trị "thật"

Metaverse, nói một cách dễ hiểu là chiều không gian cho phép mỗi cá nhân được sống bằng phiên bản số của họ. Khi metaverse mới thành hình, nhiều người băn khoăn liệu giá trị nó mang lại có thật hay không. Giờ đây, với thế hệ đang lớn lên cùng các thiết bị thông minh, khi nghệ sĩ, nhà thiết kế thời trang, thậm chí những người có tầm ảnh hưởng có thể bán các thiết kế số của họ trên nền tảng số NFT, câu trả lời đã được thiết lập.

Bên cạnh các tuần lễ thời trang thường niên mà giờ đây dù ngồi nhà vẫn có thể xem qua điện thoại thông minh như thể đang ngồi trước sàn diễn với hiệu ứng âm thanh, hình ảnh sống động nhờ công nghệ thực tế ảo AR hay VR, bạn hãy dần làm quen với những tuần lễ thời trang trong không gian metaverse.

Tháng Ba năm nay, lần đầu tiên tuần lễ thời trang Metaverse (MVFW) ra mắt trên nền tảng Decentraland, mở đầu một kỷ nguyên mới cho thế giới lụa là. Đương nhiên “sự kiện” này bền vững hơn rất nhiều lần (vì giảm thiểu lượng khí thải carbon).

Tháng 12/2021, Nike đã mua lại công ty khởi nghiệp thời trang kỹ thuật số RTFKT
Tháng 12/2021, Nike đã mua lại công ty khởi nghiệp thời trang kỹ thuật số RTFKT

Không chỉ “xông thẳng” lên các nền tảng mạng xã hội làm quen với thế hệ người dùng gen Z, các nhà mốt tên tuổi như Gucci, Burberry, Balenciaga… còn nhanh nhạy khai hoang mảnh đất trên vũ trụ ảo. Tháng 6/2021, Gucci chính thức lên sàn NFT với bộ phim thời trang có thời lượng 4 phút nằm trong bộ sưu tập Aria kỷ niệm 100 năm thành lập.

Dolce & Gabbana cũng không chịu thua khi tung bộ sưu tập NFT đầu tiên mang tên Collezione Genesi vào tháng 9/2021. Trong số chín thiết kế của bộ sưu tập này, có năm tác phẩm vật lý được trình diễn ở sự kiện Alta Moda 2021 đồng thời được số hóa để xác nhận quyền sở hữu trong metaverse. Bốn sản phẩm còn lại chỉ tồn tại dưới dạng kỹ thuật số. Kết thúc phiên đấu giá, bộ sưu tập mang về hơn 6 triệu USD.

Cuộc chơi trên vũ trụ ảo còn mang đến cơ hội cho các thương hiệu mới nổi hay những chuỗi bán lẻ truyền thống. Công ty thời trang kỹ thuật số The Dematerialised đã bán hết 777 tượng mô hình nhà thiết kế Karl Lagerfeld với giá 777 euro/tượng trong… 33,77 giây. Điều đáng nói, 777 bức tượng này đều là mô hình NFT và đắt hơn bản thật.

Selfridges - chuỗi cửa hàng bán lẻ các mặt hàng xa xỉ phẩm tại Anh - đã công bố kế hoạch bán NFT ở cửa hàng Oxford Street Flagship, biến nơi đây thành cửa hàng vật lý đầu tiên bày bán trực tiếp NFT, cho phép khách hàng thanh toán bằng thẻ tín dụng hoặc ATM thay vì ví điện tử và các loại tiền kỹ thuật số khác.

Show thời trang ảo của Moschino
Show thời trang ảo của Moschino

Việc định giá một thiết kế được mã hóa với giá trị cao chót vót khiến nhiều người cho rằng cuộc chơi này rồi sẽ chóng tàn. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, có ba tham chiếu cơ bản cho việc định giá NFT được mã hóa, gồm: độ hiếm của tác phẩm, giá trị tiện ích và tính hữu hình của nó. Thực tế, theo góc nhìn của rất nhiều chuyên gia, việc phát triển mua bán sản phẩm thời trang trong metaverse phụ thuộc vào quan điểm thế hệ và xu hướng của người dùng.

“Nếu thế hệ trước thích ngắm một tác phẩm vật lý bằng cách treo một bức tranh đẹp trong nhà, mặc một bộ cánh hàng hiệu thì gen Z lại thích một tác phẩm, một thiết kế di sản nằm trong túi của họ - lưu trong điện thoại” - bà Lynn Hoàng, Giám đốc quốc gia sàn giao dịch Binance, nhận định.

Điều mà thế hệ trưởng thành gắn liền với điện thoại thông minh cần ở thời trang chính là trải nghiệm, sự độc nhất và tính thời đại. 

Thư Hiên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI