Từ vụ chùa Ba Vàng: 'Trong nhà có báu'… lại đi đào vàng!

25/03/2019 - 06:00

PNO - Đã là hoạt động đi ngược tinh thần Phật giáo, là chiêu trò dị giáo, buôn thánh bán thần thì sẽ phải cấm tiệt trong mọi môi trường, mọi không gian xã hội, bất kể là “ngôi chùa nổi tiếng” hay là tịnh thất, am cốc.

Phải công nhận, các cơ quan quản lý nhà nước của ta bao giờ cũng nhanh, nhanh ra văn bản, nhanh lên tiếng cho kiểm tra, xử lý, chấn chỉnh; dĩ nhiên là chỉ nhanh sau khi vụ việc nào đó lỡ… vỡ lở!  

Sau “hồi chuông” chùa Ba Vàng của trụ trì Thích Trúc Thái Minh và đại đệ tử Phạm Thị Yến gây chấn động, ngay lập tức, trong một ngày, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch ra 3 công văn gửi Ban Tôn giáo Chính phủ, UBND tỉnh Quảng Ninh và Thanh tra bộ chủ trì phối hợp với Cục Di sản văn hóa, Cục Văn hóa cơ sở lập đoàn công tác để đi kiểm tra vụ việc. Ban Tôn giáo Chính phủ lại yêu cầu Ban Tôn giáo (Sở Nội vụ) tỉnh Quảng Ninh báo cáo kết quả kiểm tra.

Tu vu chua Ba Vang: 'Trong nha co bau'… lai di dao vang!

Buổi pháp thoại với hàng ngàn phật tử tham gia hôm 21/3 tại chùa Ba Vàng - Ảnh: Tiến Thắng

UBND tỉnh Quảng Ninh thì ra công văn đề nghị UBND TP.Uông Bí chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, công an tỉnh và các đơn vị liên quan xác minh vụ việc. UBND TP.Uông Bí đã có văn bản gửi trụ trì chùa Ba Vàng yêu cầu chấm dứt các hoạt động “thỉnh vong”, “cúng oan gia trái chủ”. Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng có văn bản gửi Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Quảng Ninh làm việc ngay với trụ trì chùa Ba Vàng để kiểm điểm, làm rõ sự việc. 

Đáp lại mọi văn bản chỉ đạo ấy, ngày 24/3, trên Zing.vn, chùa Ba Vàng vẫn nhất quyết không ra thông báo dừng “gọi vong”. Vị trụ trì Thích Trúc Thái Minh nói: “Tôi tu nhưng tôi cũng là nhà khoa học. Cái gì phải xác định được mới đưa ra quyết định. Đứng về mặt tâm linh nhà Phật thì chùa chưa có gì sai”. 

Cũng với lý lẽ “không có gì sai” mà hơn 4 năm qua, Giáo hội Phật giáo tỉnh Quảng Ninh đã nhiều lần làm việc với trụ trì chùa Ba Vàng và bà Yến nhưng “hai người này không có thái độ hợp tác” - theo khẳng định của đại đức Thích Đạo Hiển, Phó ban Phật giáo tỉnh Quảng Ninh. Sự bất hợp tác ấy đồng nghĩa với việc các hoạt động thỉnh oan gia trái chủ, gọi vong gọi hồn vẫn diễn ra công khai, bất chấp tại ngôi chùa này, trên các kênh truyền thông của chùa mà không một cơ quan quản lý nhà nước nào, hoặc từ giáo hội địa phương cho đến Giáo hội Phật giáo Việt Nam có động thái nhắc nhở, chấn chỉnh, ngăn chặn. Điều đáng nói, Thích Trúc Thái Minh cũng là ủy viên dự khuyết Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó trưởng ban Truyền thông của giáo hội. 

Hãy thử nghe kiến giải của “nhà khoa học” Trúc Thái Minh về hậu quả của trận mưa bão tại Quảng Ninh hồi tháng 6/2018: “Nguồn gốc của cơn bão này là do nghiệp của người dân Quảng Ninh phải gánh. Đúng theo bản nghiệp thì phải có 127 người chết trong đợt mưa bão này nhưng thầy đã xin với chư thiên, cho giảm số lượng người thiệt mạng trong bão”. 

Còn đây là kiến giải của đại đệ tử của ông ta, bà Phạm Thị Yến: “Những người sinh ra là phụ nữ kiếp trước tạo phước thì sống bên Nhật, còn có nghiệp thì sống ở Việt Nam”, hay “mắc sùi mào gà do quả báo tà dâm kiếp trước”, “những người lính hy sinh là do trước hết nghiệp phải sinh ra trong thời chiến, phải đi đánh giặc là do kiếp trước mang nghiệp sát sinh”…

Tu vu chua Ba Vang: 'Trong nha co bau'… lai di dao vang!

Đại diện Thanh tra Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đề nghị cần phải xem xét xử lý chuyện rao giảng của bà Phạm Thị Yến tại chùa Ba Vàng

Cứ thế, họ nhởn nhơ, trơ tráo trên các kênh truyền thông của chùa, phát tán công khai, được hàng trăm hàng ngàn người, trong đó không ít giới trẻ, chăm chú lắng nghe, chắp tay đảnh lễ. Vậy ở đâu sự theo dõi, nắm bắt và quản lý của các cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Ninh, của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, của Ban Tôn giáo tỉnh và trung ương khi nội dung rao giảng, hình thức hoạt động hết sức nhảm nhí, vô căn cứ, phản văn hóa, phi đạo đức như thế vẫn tồn tại ngang nhiên trong suốt thời gian dài? 

Vậy ở đâu tinh thần “phản quan tự kỷ” của Tuệ Trung Thượng Sĩ, vị thầy khả kính của Phật hoàng Trần Nhân Tông, Đệ nhất Tổ thiền tông Trúc Lâm Yên Tử mà Giáo hội Phật giáo Quảng Ninh, Giáo hội Phật giáo Việt Nam cần giáo hóa tăng ni trước khi giáo hóa chúng sinh? Soi rọi chính bản thân mình, chính giới tu của mình để mọi ý niệm hư ảo, vọng niệm đang biến tướng thành các hoạt động tiêu cực gieo rắc trong chúng sinh, cộng đồng, xã hội.

Ngày 24/3, trên báo Tuổi trẻ, Hòa thượng Thích Thanh Điện, Phó tổng thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam có lời nhắn nhủ rằng: “Người dân và Phật tử khi đi lễ chùa, thấy những hiện tượng mê tín, những hình thức trục lợi tâm linh thì cần báo ngay với các cơ quan chức năng hoặc phản ánh về Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam”. Vậy trong trường hợp người dân không kịp, không thể hay không muốn báo thì giáo hội có hình thức nào kiểm soát, ngăn chặn để không xảy ra các hiện tượng tiêu cực; hoặc đã xảy ra thì có biện pháp nào để chấn chỉnh, dẹp bỏ triệt để? 

Chùa Ba Vàng là tên gọi dân gian, chính danh là Bảo Quang tự, từng được ghi vào kỷ lục “Ngôi chùa trên núi có chính điện lớn nhất Đông Dương”. Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam khi phản bác lễ “gọi vong” của chùa này cũng cho rằng: “Tôi hoàn toàn không đồng ý với việc đó. Nó lại xảy ra ở một ngôi chùa nổi tiếng như chùa Ba Vàng là hoàn toàn không được”. Đã là hoạt động đi ngược tinh thần Phật giáo, là chiêu trò dị giáo, buôn thánh bán thần thì sẽ phải cấm tiệt trong mọi môi trường, mọi không gian xã hội, bất kể là “ngôi chùa nổi tiếng” hay là tịnh thất, am cốc. 

Vả lại, chiếu theo tinh thần phá chấp bởi còn chấp là còn chìm đắm trong vô minh thì càng không thể gọi là đang hành đạo. Nếu ai cũng chiều lòng theo Lương Vũ Đế mà cho rằng đúc chuông lớn, xây chùa to, dựng tượng nhiều là đã thuần thành Phật pháp thì Phật giáo đã không hoằng dương chánh pháp trong suốt 2.563 năm qua. Vì vậy, học theo Tổ sư Bồ đề Đạt Ma, phải phá cái kiến chấp hẹp hòi, nông cạn, thực dụng kia để đạt tới “Phước huệ lưỡng toàn phương tác Phật”.

Tu vu chua Ba Vang: 'Trong nha co bau'… lai di dao vang!
Chiếu theo tinh thần phá chấp bởi còn chấp là còn chìm đắm trong vô minh thì càng không thể gọi là đang hành đạo.

Xây chùa, đúc chuông, cúng dường chư tăng là phương tiện nhằm tích lũy phước đức chứ không phải là cứu cánh toàn diện Giới - Định - Huệ của Phật giáo. Huống gì, khoác áo chư tăng, mượn ngôi Tam bảo để tạo nghiệp dữ bằng vọng ngôn, ỷ ngữ, lưỡng thiệt, ác khẩu; mua bán, đổi chác nỗi sợ hãi, thói cầu xin của chúng sinh bằng bạc tiền, công quả thì lại càng xa rời Phật giáo. 

Trên website chính thức của chùa Ba Vàng, phần tiểu sử trụ trì có ghi: “Từ năm 2007, đại đức Thích Trúc Thái Minh đã được chính quyền và nhân dân địa phương tha thiết thỉnh cầu về làm trụ trì”. Nhà tu kiêm “nhà khoa học” này, hóa ra lại là “môn đệ” của hệ phái Thiền tông Trúc Lâm Yên Tử. Đã theo đường lối tu học của Điều Ngự Giác Hoàng, sao không chân thật, rốt ráo mà “xem ngai vàng là chiếc dép rách”, hay có khi ông lại xem danh lợi ở đời mới là chiếc ngai vàng tu tập? 

Đã trụ thân dưới Tổ đình Trúc Lâm, sao tâm - ý ông không thấu triệt “Trong nhà có báu thôi tìm kiếm/ Đối cảnh không tâm chớ hỏi thiền” - (Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch/ Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền - Cư trần lạc đạo - Trần Nhân Tông, bản dịch của Hòa thượng Thích Thanh Từ). Báu ấy cũng chính là “hạt châu trong chéo áo”, là sự chân thật rốt ráo để dẫn dắt chúng sinh đi từ mê tới giác, chứ không phải lợi dụng cái mê của chúng sinh, biến mục đồng thành trâu hoang mà đi phá đồng, giẫm cỏ, vơ lúa…

Đã là học trò, được nhận giáo dưỡng của Hòa thượng Thích Thanh Từ, sao ông không thực hành lời dạy của chính Bổn sư: “Người nào chuyển mê thành giác, đó là tu. Ngược lại, cứ giữ mãi cái mê là không tu, là trầm luân không dứt. Mê với giác là quyền của chúng ta, sẵn nơi mỗi chúng ta, không ở đâu xa hết. Bỏ tham, bỏ sân, bỏ si để trở thành một người con Phật toàn thiện, viên mãn, không lôi thôi nữa”. 

Chủ tịch UBND TP.Uông Bí Nguyễn Mạnh Hà, cho biết, cơ quan này đã có văn bản gửi trụ trì chùa Ba Vàng yêu cầu chùa Ba Vàng chấm dứt các hoạt động không có trong danh mục hoạt động tôn giáo năm 2019 đã đăng ký và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận.

Có biện pháp chấn chỉnh việc giảng đạo của tăng, ni, phật tử chùa Ba Vàng trên các phương tiện thông tin đại chúng do Nhà nước quản lý theo đúng hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, nội quy Ban Tăng sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam và các quy định của Luật Tín ngưỡng tôn giáo và Nghị định số 162/2017/NĐ-CP ngày 30/12/2017 của Chính phủ.

Đối với phật tử Phạm Thị Yến, cơ quan công an đang tiếp tục làm rõ việc bà Yến truyền bá vong báo oán. Dự kiến vài ngày tới sẽ có thông tin sơ bộ cho báo chí.

Ái Mỹ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI