Băng nhóm bảo kê ở chợ Long Biên: Tiền thu đều nộp ban quản lý?

28/09/2018 - 07:00

PNO - Có hay không những “ô dù” chống lưng cho băng nhóm Hưng “kính” lộng hành ở chợ Long Biên?

Sau khi kỳ 1 và 2 của loạt phóng sự điều tra Thâm nhập băng nhóm bảo kê ở chợ Long Biên được đăng tải trên Báo Phụ Nữ TP.HCM, ông Nguyễn Kim Hưng (tức Hưng “kính”) đã gửi đơn đến tòa soạn, khẳng định mình là cộng tác viên của công an.

Trong đơn, ông Nguyễn Kim Hưng (tức Hưng “kính”, sinh năm 1963) cho biết, từ năm 1991, ông đã ra chợ Long Biên, là cộng tác viên của Công an TP.Hà Nội. Từ năm 1991-1996, ông từng báo cáo để phá một vụ án xã hội đen. Hiện ông Hưng là nhân viên của Ban quản lý (BQL) chợ Long Biên. Ông Hưng khẳng định: “Hằng tháng, tôi vẫn viết báo cáo với an ninh chính trị quận. Trong suốt thời gian đó, tôi không vi phạm pháp luật, tập thể lao động cũng không vi phạm pháp luật”.

Bang nhom bao ke o cho Long Bien: Tien thu deu nop ban quan ly?
Hưng "kính" (áo trắng)

Về việc thu tiền, ông Hưng giải thích, khi nhóm người của ông thu tiền, đều có chữ ký của các chủ hàng. Sau giờ hành chính, nhân viên sẽ mang bảng kê đến văn phòng kế toán để viết hóa đơn tài chính. Số tiền thu được của các hộ kinh doanh đều có tên trong bảng kê. “Tiền thu được hoàn toàn nộp về cho BQL chợ Long Biên theo bảng kê, xuất hóa đơn. Tôi chỉ là người giám sát, không cầm số tiền đó, số tiền thu được BQL dùng để chi trả lương cho nhân viên hằng tháng. Việc thu tiền công khai ngay giữa chợ, số tiền đã được thỏa thuận với BQL chợ” - ông Hưng lý giải. 

Người bị tố cáo “bảo kê” ở chợ Kim Biên cũng biện minh rằng, các nhân viên do ông điều hành đều cam kết không thu bất cứ loại tiền nào ngoài tiền dịch vụ bốc dỡ hàng hóa có hợp đồng, thỏa thuận. Việc thu tiền đêm hôm trước, trả hóa đơn hôm sau là vì chủ hàng 2-3g sáng đã về, hôm sau mới đến, lúc đó mới trả hóa đơn được. Việc này đã được thực hiện trong nhiều năm.

Hưng “kính” còn tự nhận mình là một công dân luôn chấp hành pháp luật, làm giám đốc công ty, là nhân viên 27 năm không vi phạm nội quy, là gia đình văn hóa, được sự giáo dục của gia đình, trưởng thành trong hoạt động kinh doanh phục vụ xã hội, chưa có điều tiếng gì.

Bản kết luận “đẹp” của quận Ba Đình 

Trái ngược với khẳng định của ông Hưng, theo tìm hiểu của chúng tôi, ông Hưng “kính” là nhân vật khá điều tiếng, từng bị tố cáo lộng hành ở chợ Long Biên. Thế nhưng, năm 2016, UBND Q.Ba Đình lại đưa ra một kết luận khá “êm đẹp” với Hưng “kính”. 

Năm 2016, công dân tố cáo ông Đàm Đình Dũng - Trưởng BQL chợ Long Biên (thời điểm đó) - quản lý theo kiểu “xã hội đen”, sử dụng những đối tượng tiền án, tiền sự, có máu mặt để dằn mặt các hộ kinh doanh cũng như các mối hàng từ các tỉnh về theo kiểu buộc phải thực hiện, nếu không sẽ bị xử lý theo luật giang hồ. Người bị tố cáo là Trưởng BQL chợ Long Biên, nhưng UBND Q.Ba Đình lại dùng chính báo cáo của BQL chợ Long Biên để kết luận: “Tất cả lao động được ký hợp đồng thời vụ để làm dịch vụ tại chợ đều có lý lịch rõ ràng, không có tiền án, tiền sự. Người có tiền án, tiền sự cũng đã được xóa án tích hơn 10 năm trở lại đây”. UBND Q.Ba Đình còn trích dẫn nhiều nội dung báo cáo của BQL chợ Long Biên rồi kết luận: nội dung tố cáo của công dân là không có căn cứ.

Người dân cũng tố cáo Hưng “kính” phụ trách đường số 1 chợ Long Biên và bãi đỗ xe bán cá, hải sản với nội dung: nếu thuận nộp tiền cho Hưng thì được bảo kê sắp chỗ đỗ - trả hàng, không gây cản trở, không nộp tiền thì bị trù dập. Ngày 23/12/2016, UBND Q.Ba Đình lại kết luận: trong công tác, dịch vụ bốc dỡ hàng hóa tại chợ Long Biên được BQL chợ giao cho một đồng chí phó ban phụ trách. Tại khu vực đường số 1 và bãi đỗ xe bán cá, hải sản, việc bốc dỡ được giao cho ông Nguyễn Kim Hưng là tổ trưởng tổ bốc dỡ số 2 phụ trách. Ông Hưng đã làm nhiều năm, công việc đơn thuần chỉ là bốc dỡ hàng hóa theo thỏa thuận về cách thức cũng như giá cả. Việc sắp xếp và giải tỏa ô tô đến chợ nhận, trả hàng là của tổ bảo vệ số 2 do một phó BQL khác phụ trách.

Thời điểm đó, UBND Q.Ba Đình cũng nhận định, đã làm việc với ông Hưng và các hộ kinh doanh và việc bốc dỡ hàng hóa được thực hiện theo thứ tự, không có việc cản trở; các hộ kinh doanh chỉ phải nộp phí bốc dỡ theo đúng thỏa thuận, ngoài ra, không nộp khoản tiền nào khác. Vì vậy, UBND Q.Ba Đình lại kết luận: nội dung tố cáo không có căn cứ. 

Năm 2016, người dân cũng tố cáo, ngoài tiền theo quy định của BQL chợ Long Biên, các bãi xe do Hà Văn Sơn (tức Sơn “tạo”) và Chi “ma cô” quản lý còn thu thêm 10 - 20 triệu đồng/xe/tháng. Về vấn đề này, UBND Q.Ba Đình cho rằng, hằng tháng, BQL chợ Long Biên có lấy ý kiến của các hộ kinh doanh bằng phiếu kín và không có ý kiến phản ánh gì về việc thu tiền hay nộp tiền không đúng quy định. Qua xác minh, tổ xác minh của UBND Q.Ba Đình không phát hiện việc thu tiền hay nộp các khoản khác không đúng quy định. Từ đó, UBND Q.Ba Đình lại kết luận: tố cáo của công dân là không có căn cứ.

Đáng nói, sau kết luận với bốn nội dung đều là “tố cáo không có căn cứ”, UBND Q.Ba Đình có giao Công an Q.Ba Đình kiểm tra, xác minh các nội dung tố cáo liên quan đến việc bảo kê sắp chỗ đỗ - trả hàng, chèn ép, trù dập các hộ kinh doanh tại khu vực đường số 1 chợ Long Biên và bãi đỗ xe bán cá, hải sản, khu vực bãi xe khách và bãi đất số 1, 2, 3 thuộc đường Hồng Hà. Thế nhưng sau đó, mọi thứ đều “êm đẹp”. 

Có hay không những “ô dù” chống lưng cho băng nhóm Hưng “kính” lộng hành ở chợ Long Biên? Những kết luận kiểu “nội dung tố cáo không có căn cứ” có phải là tác nhân đẩy người dân vào cảnh khốn cùng dưới “triều đại” của những “bàn tay đen” thao túng chợ Long Biên? 

Nhóm phóng viên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI