Thị trường thương mại điện tử Việt trở thành ‘sàn đấu’ của đại gia Trung Quốc

20/07/2018 - 06:00

PNO - Thông tin mới đây Lazada Việt Nam thay CEO với gương mặt mới là ông Zhang YiXing (Trung Quốc) và người rời vị trí là ông Alexandre Joel David Sylvain Dardy (Pháp) đã cho thấy các đại gia Trung Quốc đang chi phối dần quyền điều hành.

Khi tập đoàn Alibaba của ông trùm Jack Ma đã chiếm đến 83% cổ phần của Lazada khu vực Đông Nam Á vào tháng 4/2016, thì vị trí CEO làm thuê của ông Alexandre Joel David Sylvain Dardy chỉ còn là vấn đề thời gian.

Tất nhiên, việc thay thế bằng CEO Zhang YiXing (Trung Quốc), có thể định hướng của Lazada Việt Nam trong thời gian tới ít nhiều sẽ điều chỉnh.

Thi truong thuong mai dien tu Viet tro thanh ‘san dau’ cua dai gia Trung Quoc
Thị trường thương mại điện tử Việt trở thành ‘sàn đấu’ của đại gia Trung Quốc.

Nhìn một lượt trên thị trường thương mại điện tử Việt Nam, các sàn lớn gần như đã được các đại gia Trung Quốc đầu tư và nắm giữ tỉ lệ cổ phần lớn: Lazada hiện là 83%; JD.com đầu tư vào Tiki 44 triệu USD hồi đầu năm và trở thành một trong những cổ đông lớn cùng với VNG và Sumitomo; Shopee thuộc tập đoàn SEA của Singapore nhưng cũng đã bán lại 40% cổ phần cho Tencent – doanh nghiệp có giá trị lớn nhất Trung Quốc hiện nay.

Ngoài ba cái tên trên, hiện thị trường thương mại điện tử còn có các sàn Sendo của FPT, Adayroi của Vingroup, Lotte.vn của tập đoàn Lotte Hàn Quốc. Tuy nhiên, thị phần của ba sàn này so với Lazada, Tiki và Shopee là chưa đáng kể.

Chính vì thế, trên thực tế, thị trường thương mại điện tử Việt Nam đang trở thành “sàn đấu” của ba đại gia Trung Quốc là Alibaba (Lazada), Tencent (Shopee) và JD.com (Tiki).

Trong thế chân vạc này cũng ít nhiều có sự liên kết giữa Tencent và JD.com khi Tencent là cổ đông chiếm 15% cổ phần tại JD, trong khi họ cũng là cổ đông lớn nhất tại Cty cổ phần VNG – doanh nghiệp đã đầu tư 384 tỉ đồng vào Tiki để mua 38% cổ phần vào năm 2016.

Thi truong thuong mai dien tu Viet tro thanh ‘san dau’ cua dai gia Trung Quoc
 

Một thị trường đạt khoảng 4 tỉ USD vào năm 2017 của Việt Nam và hứa hẹn tăng lên 7 tỉ USD vào năm 2025 đang thu hút các đại gia công nghệ Trung Quốc đặt chân vào trong chiến lược bước ra hải ngoại đang được họ đẩy mạnh trong mấy năm qua và khi thị trường nội địa hơn 1,3 tỉ dân tại đại lục dần trở nên chật chội.

Nhìn một cách khách quan, thị trường thương mại điện tử Việt Nam nằm trong chiến lược bước vào thị trường Đông Nam Á của Alibaba, Tencent, JD chứ chẳng phải riêng một quốc gia nào tại khu vực này.

Và tại “sàn đấu” thị trường Việt Nam, những đối thủ mà ba đại gia này quan tâm chính là giữa họ với nhau chứ không phải Sendo hay Adayroi, Lotte… Vì cả ba đều là những tập đoàn có tiềm lực tài chính mạnh mẽ, có kinh nghiệm và có nguồn cung hàng hóa cực kì phong phú.

Ngay trên các sàn Sendo, Adayroi và Lotte từ trước tới nay, hàng hóa cũng phần nhiều xuất xứ từ Trung Quốc. Trung Quốc đang là nền sản xuất lớn nhất toàn cầu về cả giá trị và sản lượng, nguồn hàng hóa từ đây đã lưu thông ra toàn cầu ngay cả thị trường Mỹ và trên sàn thương mại điện tử Amazon.

Cần biết rằng, trước khi các đại gia công nghệ Trung Quốc chưa thâu tóm hay đổ tiền vào những sàn thương mại điện tử hiện đang kinh doanh tại Việt Nam thì những sàn này cũng đã tràn ngập hàng Trung Quốc rồi.

Tình hình tương tự như thế cũng đã xuất hiện trên thị trường thương mại truyền thống. Và tất yếu, khi đã có nguồn cung hàng lớn và phong phú đa dạng, cùng với quyền điều hành thuiộc về CEO Trung Quốc, thì việc họ đẩy mạnh đầu ra cho hàng hóa Trung Quốc cũng là chuyện dễ hiểu.

Vấn đề quan trọng là hàng nội địa Việt Nam cũng như hàng hóa từ Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản… có đủ phong phú, đạ dạng và khả năng cạnh tranh về giá để làm đối trọng với hàng Trung Quốc trên thị trường hay không mà thôi.

Đây chính là bài toán đầy thách thức, chẳng phải chỉ đối với thị trường Việt Nam mà còn đối với rất nhiều quốc gia khác trên thế giới.

Thụy Du

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI