Thêm nhiều người nhập viện vì tự chữa bệnh bằng nước cốt chanh

14/05/2025 - 06:15

PNO - Trào lưu có hại “uống cốt chanh đẩy lùi bách bệnh” mà Báo Phụ nữ TPHCM từng cảnh báo vẫn chưa “hạ nhiệt”, nhiều bệnh nhân uống nước cốt chanh phải nhập viện do viêm loét dạ dày, viêm mũi…

Lãnh họa từ “thần dược”

Mới đây, chị N.H.T. - một người dùng mạng xã hội Facebook - chia sẻ rằng sau khi đọc được thông tin về tác dụng diệu kỳ của việc uống nước cốt chanh liều cao để thải độc cơ thể, chị đã tin tưởng và làm theo. Chị thử uống mỗi ngày 2 trái chanh để theo dõi phản ứng của cơ thể, rồi sẽ tăng dần liều lượng.

Bác sĩ Trương Hoàng Việt đang khám cho bệnh nhân bị viêm mũi xoang tại Bệnh viện Thống Nhất
Bác sĩ Trương Hoàng Việt đang khám cho bệnh nhân bị viêm mũi xoang tại Bệnh viện Thống Nhất

Thế nhưng, sau 1 tuần, chị cảm thấy bụng cồn cào, nôn nao, người nổi mẩn ngứa và mặt sưng húp. Khi đến bệnh viện khám, chị được chẩn đoán bị viêm loét dạ dày, kết quả xét nghiệm máu cho thấy men gan tăng cao. Chị T. bàng hoàng nói: “May mà tôi mới chỉ uống thử chanh liều thấp, chứ nếu uống liều cao mỗi ngày 1 ly lớn thì chắc chắn đã phải nhập viện rồi, chứ không còn ngồi nhà uống thuốc như thế này nữa”.

Nhiều người dùng mạng xã hội khác cũng chia sẻ những trải nghiệm tương tự sau khi áp dụng bài thuốc “chanh liều cao”. Chị B.D. cho biết mình cũng “đu trend” được 2 ngày. Ngày đầu tiên, chị uống 3 trái chanh và chưa thấy điều gì bất thường. Đến ngày thứ hai, chị tăng liều lên 5 trái chanh và vẫn cảm thấy dễ uống. Tuy nhiên, đến ngày thứ ba, chị bị đau dạ dày dữ dội nên đã phải dừng lại. Một phụ nữ khác cũng thử uống chanh liều cao, nhưng đến ngày thứ ba thì ói ra mật xanh, quá sợ hãi nên chị đã ngừng ngay lập tức và đến bệnh viện kiểm tra sức khỏe.

Tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh, bác sĩ chuyên khoa 2 Đồng Quang Tráng - Trưởng đơn vị Nội tiêu hóa - đã ghi nhận không ít trường hợp bị biến chứng viêm loét dạ dày do thải độc, thanh lọc cơ thể bằng cách uống chanh liều cao.

Điển hình, gần đây bác sĩ đã khám cho chị Đ.T.H.D. - 39 tuổi, ngụ tại TP Thủ Đức (TPHCM). Chị D. đến khám với các triệu chứng đau bụng cồn cào, nôn ói, chóng mặt và hoa mắt. Chị được chẩn đoán bị viêm loét dạ dày. Sau khi bác sĩ hỏi về tiền sử bệnh, bệnh nhân chia sẻ rằng đã áp dụng phương pháp thải độc bằng chanh liều cao được 3 ngày. Vào buổi sáng, chị vắt nước cốt 2 trái chanh uống khi bụng đói và dự định tăng liều dần sau mỗi ngày…

Không chỉ dừng lại ở việc uống chanh liều cao để thải độc, thanh lọc đường tiêu hóa, cộng đồng mạng còn truyền tai nhau phương pháp nhỏ nước cốt chanh vào mũi để chữa bệnh viêm mũi xoang. Cứ thế, thông tin lan rộng, nước cốt chanh bỗng dưng được thổi phồng thành một loại thần dược có thể chữa trị “bách bệnh”.

Nước cốt chanh phá hủy niêm mạc

Bác sĩ chuyên khoa 2 Trương Hoàng Việt - phụ trách Khoa Tai mũi họng, Bệnh viện Thống Nhất - cho biết, bệnh viện vừa tiếp nhận một nam thanh niên đến khám do hậu quả của việc nhỏ nước cốt chanh vào mũi để chữa viêm mũi xoang.

Anh P.Q.T. - 22 tuổi, ngụ tại quận Tân Bình - đến khám vì viêm mũi. Sau khi thăm khám, bác sĩ Trương Hoàng Việt nhận thấy bệnh nhân chỉ bị xung huyết 1 bên mũi. Nghi ngờ tình trạng này là do bệnh nhân tự điều trị tại nhà, bác sĩ đã hỏi thêm thông tin.

Lúc này, anh T. thú nhận rằng vài hôm trước anh bị viêm mũi và đã học trên mạng cách vắt 3 trái chanh để nhỏ vào mũi. Nam bệnh nhân mới chỉ kịp nhỏ chanh vào 1 bên mũi thì niêm mạc mũi đã bị loét, đau, tăng tiết dịch và phù nề nên anh không dám nhỏ tiếp bên mũi còn lại. Tình trạng tiết dịch và sưng đau mũi ngày càng tăng, làm anh không thể chịu đựng được mà phải đến bệnh viện khám.

Bác sĩ Trương Hoàng Việt cảnh báo: việc dùng nước cốt chanh để uống hoặc nhỏ chữa bệnh tai mũi họng là một hành động rất nguy hiểm. Tính a xít cao của nước cốt chanh sẽ phá hủy niêm mạc vùng tai mũi họng, gây ảnh hưởng đến các lông chuyển ở khu vực này. Có thể hiểu đơn giản rằng vùng này có các lông chuyển để đẩy dịch nhầy ra ngoài. Do đó, việc nhỏ hoặc uống nước cốt chanh có thể gây viêm, loét, thậm chí hoại tử niêm mạc vùng tai mũi họng.

Cơ chế của bệnh mũi xoang là tình trạng viêm do tắc nghẽn hoặc kích thích niêm mạc bởi bụi bẩn, hóa chất. Nguyên nhân có thể là do vi rút, vi khuẩn hoặc các bất thường về giải phẫu gây ứ dịch trong xoang, dẫn đến bội nhiễm vi trùng. Vì vậy, điều trị viêm mũi xoang trước hết là phòng ngừa. Có thể tăng cường sức đề kháng của cơ thể bằng cách tập thể dục và bổ sung dinh dưỡng đầy đủ.

“Nếu bệnh nhân bị nhiễm trùng do vi khuẩn thì phải dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Viêm xoang do các vấn đề về giải phẫu, bệnh từ răng hoặc vi nấm sẽ có các phương pháp điều trị tương ứng. Việc nhỏ nước cốt chanh không phải là phương pháp chính thống và hiệu quả đối với bệnh viêm mũi xoang” - bác sĩ Trương Hoàng Việt nhấn mạnh.

Bác sĩ Đồng Quang Tráng cũng khuyến cáo việc uống nước cốt chanh sẽ gây ảnh hưởng đến niêm mạc dạ dày, từ đó dẫn đến hàng loạt biến chứng nguy hiểm như loét dạ dày, a xít từ dạ dày trào ngược lên thực quản gây ảnh hưởng đến niêm mạc thực quản, men răng và niêm mạc miệng.

Do đó, người dân không nên làm theo bất kỳ phương pháp chữa bệnh nào được lan truyền trên mạng, chứ không chỉ riêng việc sử dụng chanh liều cao. Những người đang có bệnh nền, tiền sử bệnh về đường tiêu hóa nếu tùy tiện thử các bài thuốc truyền miệng như vậy có thể khiến bệnh trở nên trầm trọng hơn.

Thanh Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI