Thêm một điểm tựa cho các nạn nhân bị bạo hành, xâm hại

27/03/2023 - 18:15

PNO - Ngày 24/3, “Mô hình một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em trên địa bàn TPHCM” đã chính thức ra mắt tại Bệnh viện Hùng Vương. Đây là mô hình đầu tiên được thí điểm tại TPHCM theo Quyết định số 4275/QĐ-UBND ngày 7/12/2022 của UBND TPHCM hướng đến 1 thành phố an toàn, thân thiện cho phụ nữ và trẻ em.

Một cuộc sống mới sẽ bắt đầu

Bên trong căn phòng mang tên Bồ Công Anh đặt tại khu vực yên tĩnh ở tầng 5 của Bệnh viện Hùng Vương là 3 căn phòng nhỏ được thiết kế với phong cách nhẹ nhàng bằng gam màu vàng - xanh nhạt chủ đạo. Đây là căn phòng mà bệnh nhân sẽ bước vào sau khi được xác định là nạn nhân của bạo hành, xâm hại. Ngồi cùng với họ là các chuyên gia tham vấn tâm lý. Cuộc trò chuyện sẽ được ghi lại bằng hệ thống camera được thông báo công khai với nạn nhân. Nếu đó là 1 vụ việc nghiêm trọng, đại diện các cơ quan chức năng sẽ ngồi ở phòng kế bên nhằm theo dõi cuộc trò chuyện qua màn hình ti vi. Việc ghi lại hình ảnh, nội dung trao đổi giữa nạn nhân và chuyên gia tham vấn là để nạn nhân không phải kể lại nhiều lần sự việc.

Căn phòng tham vấn tâm lý dành cho nạn nhân bị bạo hành, xâm hại của mô hình một cửa
Căn phòng tham vấn tâm lý dành cho nạn nhân bị bạo hành, xâm hại của mô hình một cửa

Căn phòng thứ ba trong phòng Bồ Công Anh có lắp đặt giường ngủ và nạn nhân có thể nghỉ ngơi nếu có nhu cầu. 
Giải thích về tên gọi Bồ Công Anh, bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết - Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương - cho biết, quy trình hỗ trợ nạn nhân bị bạo hành cần kín đáo, riêng tư nên bệnh viện chọn cái tên mang tính biểu tượng. “Hùng Vương là bệnh viện của phụ nữ nên chúng tôi hướng đến 1 loài hoa. Bồ công anh là loài hoa tuy mong manh nhưng mạnh mẽ, nó có thể phát tán và khởi đầu 1 cuộc sống mới. Chúng tôi mong muốn sau khi trở ra khỏi căn phòng này, nạn nhân sẽ có thêm nghị lực, sức mạnh để tiếp tục sống cuộc đời tốt nhất của họ” - bác sĩ Diễm Tuyết chia sẻ. 

Bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết cho biết thêm, bệnh viện Hùng Vương là bệnh viện sản phụ khoa cho nên đội ngũ y, bác sĩ tại đây thường xuyên tiếp xúc với những phụ nữ bị bạo hành với hậu quả như những vết thương bất thường trên cơ thể, hoặc những đứa trẻ vị thành niên đến chấm dứt thai kỳ do mang thai ngoài ý muốn từ hậu quả của việc bị xâm hại. Bệnh viện đã xử lý các trường hợp này, nhưng để giúp nạn nhân thoát khỏi vòng bạo hành và có cuộc sống bình thường, rất cần sự hỗ trợ từ nhiều ban ngành, lĩnh vực. Đó là lý do “Mô hình một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em trên địa bàn TPHCM” ra mắt sau 2 năm chuẩn bị với mong muốn giúp đỡ nhiều nạn nhân bị bạo hành. Đặc biệt, không chỉ giúp đỡ họ giải quyết những hậu quả liên quan đến sức khỏe sinh sản mà còn hỗ trợ về mặt xã hội, tinh thần, hỗ trợ sinh kế để họ có một cuộc sống bình thường như những người phụ nữ khác.

Không để bệnh nhân phải bỏ cuộc giữa chừng

Bệnh viện Hùng Vương sẽ là đầu vào của mô hình một cửa. Trong quá trình khám và điều trị, bệnh viện sẽ sàng lọc để

Người bị bạo lực, xâm hại tình dục cần được trợ giúp có thể liên hệ đường dây nóng của mô hình là 1900 54 55 59 hoặc đến trực tiếp Phòng Một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em bị bạo lực và xâm hại tại Bệnh viện Hùng Vương (địa chỉ: 
128 Hồng Bàng, phường 12, quận 5).

phát hiện đối tượng bệnh nhân bị bạo hành, xâm hại và mời lên phòng một cửa. Tại đây, nhân viên công tác xã hội của bệnh viện sẽ cung cấp đầy đủ thông tin, dịch vụ hỗ trợ để người bị bạo hành lựa chọn phương án trợ giúp do mô hình cung cấp. Căn cứ nhu cầu của người bị bạo lực, bệnh viện Hùng Vương sẽ liên hệ, phối hợp với Trung tâm Công tác xã hội - Giáo dục dạy nghề thiếu niên thành phố (14 Nguyễn Văn Bảo, phường 4, quận Gò Vấp) - đầu ra của mô hình - để triển khai, cung cấp và chuyển gởi các dịch vụ chăm sóc, nuôi dưỡng, can thiệp, trị liệu và tiếp cận các dịch vụ thiết yếu khác theo nhu cầu. Mục đích cuối cùng của mô hình là hướng đến việc cung cấp dịch vụ thiết yếu, đa ngành dành cho phụ nữ và trẻ em bị bạo lực theo nguyện vọng và nhu cầu của họ. 

Bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết (bìa trái) - Giám đốc bệnh viện Hùng Vương - cùng đại diện các ban, ngành tham quan mô hình một cửa đặt tại bệnh viện
Bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết (bìa trái) - Giám đốc bệnh viện Hùng Vương - cùng đại diện các ban, ngành tham quan mô hình một cửa đặt tại bệnh viện

Với quy trình trên, mô hình một cửa này được kỳ vọng sẽ giúp rà soát khoảng trống về chính sách, quy định riêng của các ngành, từ đó tiến tới thống nhất về nguyên tắc, tiêu chuẩn cung cấp dịch vụ một đầu mối cho nạn nhân. Ông Lê Khánh Lương - Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội - đánh giá cao khi cho rằng đây là 1 mô hình mới, sáng tạo khi đặt tại một cơ sở y tế - là địa điểm có ý nghĩa quan trọng, giúp cho nạn nhân của bạo lực được điều trị và chăm sóc tốt nhất. Ông Lương cũng cho rằng, việc xây dựng và thực hiện mô hình sẽ góp phần xây dựng chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2025, vì các mục tiêu, chỉ tiêu của chiến lược này hướng đến việc gia tăng sự tiếp cận các dịch vụ và tăng sự tiếp cận của người dân nói chung và người bị bạo lực trên cơ sở giới đối với các nơi cung cấp dịch vụ.

“Mô hình một cửa này sẽ hỗ trợ cho bệnh nhân là nạn nhân của bạo lực, xâm hại tình dục và người có nguy cơ biết để chính họ tham gia các hoạt động can thiệp, giúp nhận diện, phòng ngừa các hành vi bạo lực, xâm hại tình dục, từ đó, có giải pháp an toàn cho bản thân. Đồng thời, dịch vụ một cửa sẽ trợ giúp khẩn cấp và đảm bảo an toàn cho nạn nhân bị bạo lực, xâm hại tình dục để họ không bỏ cuộc giữa chừng trong hành trình tìm kiếm sự hỗ trợ về dịch vụ xã hội và pháp lý” - bà Nguyễn Trần Phượng Trân - Chủ tịch Hội LHPN TPHCM - tin tưởng. 

Nguyệt Min

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI