Thăm thị trấn xây nhà bằng động vật

19/09/2021 - 06:32

PNO - Tồn tại đã 200 năm, Stone Town được UNESCO công nhận là di sản thế giới vì có các công trình kiến trúc được tạo nên từ vật liệu hiếm thấy là đá san hô.

Những ngôi nhà ở thị trấn đá luôn có bậc thềm cho khách nghỉ chân
Những ngôi nhà ở thị trấn đá luôn có bậc thềm cho khách nghỉ chân

Những thành phố, thị trấn bằng đá có tuổi đời vài trăm năm không có gì lạ nhưng thị trấn đá - Stone Town - ở thành phố Zanzibar, Tazania lại vô cùng độc đáo. Tồn tại đã 200 năm, Stone Town được UNESCO công nhận là di sản thế giới vì có các công trình kiến trúc được tạo nên từ vật liệu hiếm thấy là đá san hô. 

Vào thế kỷ XIX, khi còn là thuộc địa của Anh, Zanzibar nằm trên tuyến đường giao thương quan trọng của Ấn Độ Dương. Thị trấn đá, trung tâm của Zanzibar, do những người buôn bán nô lệ và gia vị Ả Rập lập nên. Những ngôi nhà đá đầu tiên ở thị trấn được xây vào khoảng những năm 1830 với kiến trúc kết hợp giữa phong cách Ả Rập, Ba Tư, Ấn Độ cùng kiến trúc châu Âu và châu Phi.

Người xưa đã dùng hóa thạch của các loài san hô nằm sâu dưới đại dương kết hợp cùng vôi vữa để làm vật liệu xây dựng. Độ dày trung bình của những bức tường nơi đây từ 40 - 60cm.

Sự có mặt của vật liệu đá san hô giúp ngôi nhà thích nghi với khí hậu nóng ẩm của đảo Zanzibar. Lúc nắng nóng, các bức tường sẽ khô và không giữ nhiệt nên người trong nhà không có cảm giác quá nóng. 

Mỗi cánh cửa nhà ở thị trấn đá đều là những bức tranh chạm trổ tinh xảo
Mỗi cánh cửa nhà ở thị trấn đá đều là những bức tranh chạm trổ tinh xảo

Đến nay, những công trình đá này đa phần không còn nguyên vẹn. Thứ còn lại để du khách có thể cảm nhận được sự độc đáo của các kiến trúc này là những cánh cửa gỗ hệt như một bộ sưu tập mỹ thuật vì mỗi cánh cửa không chỉ được chạm khắc cầu kỳ mà hoa văn còn rất đa dạng.

Cửa nhà của người Ấn Độ có khung hình vòm, trang trí những ụ đồng đúc nổi mang hình dáng như mái vòm còn cửa của người Swahili (châu Phi) hình chữ nhật, trên cửa cũng có các ụ đồng nhưng hình dáng tròn nhỏ, xung quanh chạm trổ họa tiết hoa lá. Đặc biệt trước cửa nhà luôn có những bậc thềm để nghỉ chân.

Đến thị trấn đá, phương tiện đi lại thuận tiện nhất là… đi bộ vì các con đường, ngõ hẻm nơi đây đều nhỏ hẹp và chằng chịt như mê cung. Chỉ có cách cuốc bộ chầm chậm, du khách mới khám phá và cảm nhận được những nét văn hóa, dấu vết lịch sử thăng trầm của nơi này: pháo đài cổ Arad Fort, nhà tắm công cộng Hamamni, cung điện Kỳ Diệu, trạm xá cũ Old Dispensary...

Khi dừng chân ở nhà thờ Anh giáo - một điểm du lịch nổi tiếng, đứng trước tượng đài tưởng niệm nô lệ, nhìn những bức tượng người bị xiềng xích ở cổ, du khách không khỏi rùng mình khi biết mình đang đứng trên mảnh đất từng là khu chợ nô lệ thời những năm 1800.

Điểm tham quan này hiện vẫn còn những căn buồng nô lệ ẩm thấp, tồi tàn mà khi đặt chân vào, bất cứ ai cũng cảm thấy xót xa trước phần lịch sử đen tối của đảo. 

Ẩm thực đường phố về đêm ở thị trấn đá rất phong phú
Ẩm thực đường phố về đêm ở thị trấn đá rất phong phú

Đến thị trấn đá mà không trải nghiệm thú ăn uống đường phố về đêm là một thiếu sót. Nơi cần đến là vườn Forodhani - một công viên nhỏ nằm trước mặt cung điện Kỳ Diệu, pháo đài cũ. Mỗi khi chiều xuống, công viên trở thành một phố ẩm thực níu chân du khách. Những món ăn phổ biến là hải sản nướng, bánh bột gạo ủ men...

Nếu thích mua gia vị - đặc sản của Zanzibar - và rau củ, trái cây, hải sản tươi, bạn hãy đến chợ Darajani vào buổi sáng. Những con đường quanh chợ có nhiều người bán hàng lưu động buôn đủ thứ từ gia vị, thức ăn cho đến những món đồ chơi nhựa nhập từ Trung Quốc. 

Hương Nhu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI